Cuộc chia tay ….lịch sự
Xuất thân từ một tỉnh miền núi, nhưng với trí thông minh có sẵn và sự vươn lên ghê gớm của động lực thoát khỏi thế giới của công dân hạng hai, sau gần 10 năm kể từ ngày về học Đại học Y Hà Nội, chị đã là một bác sĩ khá nổi tiếng tại một bệnh viện ở Hà Nội. Ngoài nổi tiếng về nghề, chị còn nổi tiếng về sự năng động, thanh niên tính và ham hiểu biết, nhưng sự đời thật chẳng biết đằng nào mà lần. Chính những đức tính tốt đẹp ấy đã khiến đức ông chồng của chị, một cán bộ giảng dạy trong quân đội ngày càng cảm nhận thấy có gì đó bất ổn trong đời sống vợ chồng.
Năng động trong làm ăn, chị hùn vốn với mấy đồng nghiệp kinh doanh thuốc ngoài quầy thuốc của bệnh viện và sau này tiến tới mở phòng khám tư. Thu nhập tăng lên trông thấy, nhà cửa khang trang với những vật dụng đắt tiền nhưng, thời gian chăm sóc nhau và chăm sóc con sẽ ít đi tương ứng, vì thế vợ chồng họ chưa thể gọi là xa nhau nhưng dần không còn gần gũi nhau nữa.
Mỗi lần các đối tác của chị đến bàn chuyện làm ăn mua bán mánh mung là một lần anh thấy mình bỗng trở thành người ngoài cuộc và tất nhiên tâm trạng của kẻ ngoài cuộc sẽ có hồi kết là những cáu bẳn được khởi dầu bằng những cử chỉ không mấy lịch thiệp. Thế là thay vì hội họp ở nhà, chị và các bạn chuyển tới địa điểm khác, thực ra sau này chị nói việc chuyển địa điểm hoàn toàn không phải chị tạo cớ đi khỏi nhà mà là giúp anh không cảm thấy khó xử khi phải đối mặt với những gương mặt không thân thiện trong một lĩnh vực xa lạ mà thôi. Nhưng, anh không nghĩ như vậy.
Rồi chị rủ anh đi học khiêu vũ. Bản thân khiêu vũ là một hoạt động văn hóa lành mạnh, nhưng anh không thấy thích thú nên thầm nghĩ nó khác đi và chính sự hiểu như vậy đã khiến anh từ chối. Chị đi một mình, nhưng đã nhảy thì phải có đôi. Và, những va chạm trong tiếng nhạc du dương, những cái cầm tay, ôm eo, những cú va chạm (anh nghĩ vậy và chắc như vậy!) và than ôi cả những cái nhìn của đôi bạn nhảy được anh quan sát đầy đủ rồi ghi vào trong bộ nhớ trong một lần theo dõi chị đi “tham gia hoạt động văn hóa”! Có lẽ ngần ấy thứ đã là quá đủ để hai người đi đến quyết định giải tán tế bào nhỏ đã tồn tại theo kiểu ngấm ngầm chia tách lâu nay. Anh tạm về đơn vị một mình, chị ở lại ngôi nhà cũ, nơi đã từng rộn ràng tiếng cười của trẻ thơ và khao khát của cả hai người thuở nào. Không cãi vã, không hận thù, không ồn ào chia của như những trường hợp khác, họ ra đi chỉ như những người bạn thấy không còn hợp nhau nữa mà thôi. Và, cả hai bắt đầu cuộc sống mới…
Miếng ghép như ý
Khoảng gần 3 năm sau, chị tái hôn với một đồng nghiệp nhiều hơn chồng cũ 10 tuổi, đã một thời đầu mày cuối mắt với nhau. Anh là kẻ tục huyền còn chị thì cũng đã qua một lần đò, nên bước đầu đến với nhau “cỗ máy mới” có vẻ hoạt động vô cùng nhịp nhàng bởi cả hai người cùng đã trải qua cảnh ngộ trót lắp nhầm vào một nửa không phải của mình. Và, còn hơn cả thế nữa bởi hai người đã thoả mong ước được đến với nhau sau những tháng ngày không dám “phơi bày tình yêu dưới ánh mặt trời”! Những cái nhìn âu yếm, những buổi đi xem ca nhạc, phim ảnh, những buổi week-end đã diễn ra như với những kẻ đang ở tuổi mới yêu vậy.
Tháng ngày thấm thoắt trôi đi, những buổi “tâm hồn là là trên ngọn cây” cũng vơi dần khi hai người trở về với nơi mà mới ngày nào họ luôn mồm than là bể khổ. Sự khổ đầu tiên là cả hai đều phải thực hiện trách nhiệm của mình với con của người trước, khi thì đến thăm lúc bọn nhỏ ốm, lúc thì nhơ nhớ con bọn chúng nhớ cha mẹ qua thăm. Đáng lẽ ra trước mặt người bạn đời mới của cha hoặc mẹ chúng, những gì liên quan đến “một thời” thì không nên nói ra, nhưng sự ngây thơ của con trẻ đã không làm được điều mà người lớn muốn. Khi thì câu “mẹ con ốm nằm một mình toàn khóc”, lúc thì câu “bố dạo này toàn nấu cơm một bữa ăn cả ngày”… Nghe những câu ấy cả anh lẫn chị đều thấy có vẻ bất tiện, hoặc lờ mờ cảm thấy sự vui vẻ đầm ấm của “chúng mình” cũng có tí ti liên đới. Vì thế mỗi lần sau khi bọn trẻ đến thăm về là bên nọ lại nghĩ thế nào bên kia chẳng tranh thủ qua thăm nom vào ngay ngày hôm sau, dù sao thì “cũng đã một thời…”! Dẫu chỉ là sự suy bụng ta ra bụng người thôi, nhưng nếu “nó” đến được thì tại sao “ta” lại không thể và nếu ngày hôm sau đi làm về muộn thì không cần phải hỏi cũng đã nghĩ ngay rằng “chúng nó đã thăm nom nhau rồi đấy, trông cái mặt hả hê thế”! Và để tránh sự khó chịu, mỗi lần có “con anh, con tôi” đến thăm là hoặc một bên ý tứ tìm cớ đi đâu đó, hoặc cố ý rủ bọn trẻ đi đâu đó. Thế là, thay vì niềm vui gặp lại con, mỗi bận như vậy họ lại luôn bị rơi vào tâm trạng băn khoăn.
Hôn nhân không chỉ là cánh cửa dẫn hai người tới thiên đường mà rất có thể đó chính là đường vào địa ngục. Để thoát khỏi địa ngục và tìm đến cuộc sống tươi đẹp, ly hôn được chọn là giải pháp tối ưu. Và, có nhiều trường hợp từ những mảnh vỡ ấy, người ta ghép lại với nhau để hy vọng cùng nhau tạo nên một thiên đường đích thực. Mong ước tốt đẹp ấy, thật đáng tiếc phần nhiều chỉ là ảo vọng…
Rồi chính những thói quen của “nửa lắp nhầm” khiến họ đã không ít lần nặng lời lên án đã được lặp lại như một hành động vô thức ở “nửa mới”. Nguy hiểm là người kia lại coi đó là một sự hồi tưởng… rất nguy hiểm, bởi biết đâu đấy nó lại chẳng ẩn chứa một sự ngấm ngầm thách thức! Anh bảo chị tắt đèn để ngủ, chị bảo để đèn cho ấm cúng; Anh muốn ăn nhạt chị lại nấu đầm đậm, anh muốn để điều hòa 24 độ, chị lại muốn 28 độ…
Vũ khúc buồn
Mãi sau gần 4 năm khi chị tái hôn, tôi mới gặp lại chị. Người tôi đang đối diện đã không còn dáng vẻ năm nào, có lẽ chị đã mệt sau chặng đò thứ hai. Chị kể với tôi, chẳng biết là thật hay chị cố làm ra vẻ trầm trọng hóa như bản tính vốn có từ độ còn con gái, rằng chị đã nhận ra ngay có sự bất ổn ngay từ những ngày mà mọi người thấy anh chị tay trong tay vai kề vai.
Chị bảo, những ngày đầu thấy anh chồng cũ không lấy ai chị vẫn tự nhủ “liệu được mấy nỗi”, nhưng mãi vẫn thấy không có gì, hỏi thì anh chỉ cười. Vài năm sau đó, mỗi bận lên giường, mùi của người xưa vẫn phảng phất quanh đây, cảm giác có lỗi khiến giấc ngủ của chị trở nên nặng nề. Có lần, chị đã ngồi bó gối suốt đêm để trốn cảm giác ấy. Chị bảo: Tôi đã sợ lên giường!
Biết tôi là bạn thân với anh, chị bảo tôi khi gặp nhớ khuyên anh lấy ai đó, anh ấy nào có biết nấu ăn. Đến khi tôi ra đến ngoài cổng, chị còn nói với theo: “…Mà nhắc anh ấy hút ít thuốc lá thôi” rồi cánh cổng đóng sập vội vàng. Chữ “thôi” cuối cùng đã… có vẻ méo đi, chắc không thể là tai tôi có vấn đề./.
(Huyền Thi)