“Mười hai bà mụ” và tác phẩm của cuộc đời…

Vở kịch “Mười hai bà mụ” được bắt nguồn từ chuyện về 12 người đàn bà là cung tần của Ngọc Hoàng Thượng Đế được gọi Thập Nhị Bà Bà và được giao cho trọng trách tượng hình ra con người.

Từ đó, 12 vị này sống cùng nhau để “đúc” người, mỗi một bà phụ trách một phần thân thể con người, người nặn chân, người nặn mắt, người nặn khuôn mặt, người quyết định là nam hay nữ… trong đó, hai bà mụ có trọng trách khá quan trọng là bà mụ thứ 12 đảm nhận việc tạo ra bộ não cho đứa bé, còn người khai nhãn, thổi linh hồn, sự sống vào cho nó là bà mụ lớn nhất, Hoàng Thị Mộng Một.

nghe-si-thanh-loc 

Dựa vào thần tích trên, câu chuyện bắt đầu khi mười hai bà mụ nhận lời thách thức của Nam Tào – Bắc Đẩu khi hai vị này cho rằng các bà chỉ nặn ra được một nửa con người (thể xác), còn nửa còn lại (linh hồn) là do xưởng đúc vĩ đại của cuộc đời tạo nên. Các bà mụ không tin việc đó, và họ quyết định tạo ra một con người để đánh cuộc cùng hai vị thần quan.

Mười hai bà mụ tạo ra cu Sắn, đứa bé “không bình thường”, với một “cục đất bẩn” trong đầu khiến cho thằng bé luôn đau đầu khi phải suy nghĩ những vấn đề phức tạp. Mười hai bà mụ cũng biến thân thành những nhân vật khác nhau dưới hạ giới để cùng theo dõi đứa bé lớn lên. Những chuyện bi, hài cứ thế mà diễn ra, đẩy đưa cu Sắn vào những thăng trầm, đối mặt với rất nhiều người tốt, kẻ xấu.

Cuối cùng, chính đứa bé “không bình thường” ấy đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, cuộc đời đúng là một xưởng đúc vĩ đại chịu phần việc đúc nên tâm hồn của con người. Đó cũng là lúc mười hai bà mụ trở về Thiên Đình tiếp tục phụng sự Ngọc Hoàng tạo ra những đứa trẻ khác cho cuộc đời.

***

Nhìn chung thì kịch bản “Mười hai bà mụ” khá dài và dàn trải với mục đích truyền tải hết tất cả những triết lý về con người, số phận và cuộc sống, điều này làm cho vở kịch mất gần 3 tiếng với hơn 30 vai diễn khác nhau.

thanh-loc 

Một cảnh trong vở “Mười hai bà mụ”

Thần tích “Mười hai bà mụ và các vị Thần quan” được sử dụng, khai thác triệt để, tạo nên nét đặc trưng lớn nhất cho cả vở diễn. Tuy nhiên, nút thắt cao trào và những biến cố chính để đẩy kịch tính lên đỉnh điểm, cùng với cách giải quyết vấn đề của vở kịch lại làm cho nhiều người xem không hài lòng, thỏa mãn.

Dù cách giải quyết vấn đề còn khá khiên cưỡng, mang tính chất thỏa hiệp nhiều hơn là sự đấu tranh tích cực giữa thiện và ác, nhưng bù lại, cách dẫn dắt người xem vào những tình huống kịch để đẩy bật ý nghĩa kịch lên lại khá hay, bù đắp được cho cái kết không làm hài lòng kia. Nhất là khi người cha chứng minh cho cu Sắn thấy được rằng, sống ngay thẳng hay gian manh thì còn phải tùy vào hoàn cảnh, và cái nào có lợi cho bản thân thì nên làm. Đây là một chi tiết rất đắt của vở kịch.

***

Vai diễn ấn tượng nhất vở kịch chính là bà mụ thứ nhất, với “pháp danh khoa học” là Hoàng Thị Mộng Một do NSƯT Thành Lộc thủ diễn. Có coi “Mười hai bà mụ” mới thấy được Thành Lộc đốt mình trên sân khấu với lửa nhiệt huyết dành cho vai như thế nào. Trong cả ba lần xuất hiện, bà mụ Một, thầy đồng cốt hay con hổ, Thành Lộc luôn hóa thân trọn vẹn vào vai diễn của mình, mỗi một vai lại bật lên nét cá tính riêng, không thể lẫn vào đâu được.

Người đi coi về, hỏi nhớ cái gì nhất, chắc 9/10 trả lời rằng nhớ bà Một. Cái nhún nhảy, cái chau mày, cái hờn mát của bà Một dễ yêu đến lạ, mà yêu rồi là nhớ, là như bị nhập. Những câu thoại của bà Một trong kịch được người ta nhớ như thuộc lòng, điển hình như: “Ê mậy, hồi nãy thì mày kêu tao là con mẹ già, giờ mày chê tao dơ… sao mày không gom lại một cục là con mẹ già dơ luôn đi!”

Mỗi một câu nói, một điệu bộ, cử chỉ nhỏ của bà Một trên sân khấu đều khiến cho người xem cười lăn cười bò, cười đến đau bụng hay té ghế rồi lẩm nhẩm đọc theo đến khi nào thuộc mới thôi là vậy. Về diễn xuất thì miễn bàn luận, vì nếu khen Thành Lộc diễn hay chắc là thừa thãi.

Nhóm các bà mụ còn lại bát nháo và là tâm điểm của cả vở kịch là điều đương nhiên. Ngoài những bà mụ hiền lành, ít nói ra, thì có lẽ người ta sẽ chú ý và nhớ nhiều đến “người đàn bà đánh hôi” do Tuấn Khôi diễn, hay bà mụ “thích đánh lộn” của Hồng Ánh. Đình Toàn và Hương Giang vào vai hai bà mụ cũng cực kỳ cá tính, tung hứng với bà Một Thành Lộc làm cả vở kịch ít khi nào rơi vào khoảng lặng, đặc biệt là nét điệu điệu, giọng lảnh lót của Hương Giang.

Vai diễn của cu Sắn và ba, má là những vai diễn có đất diễn khá, tuy nhiên lại không có nhiều nét nổi bật. Hay nhất có lẽ là khi cả ba người cùng nhau hợp ca để dạy cho cu Sắn cách sống thế nào là đúng.

Ở tuyến vai phản diện, vai diễn quan đại thần do Hữu Châu đảm nhận là một vai không nhiều đất diễn, chỉ xuất hiện vào khoảng cuối vở, nhưng Hữu Châu đã làm bật vai diễn này lên một cách đầy ấn tượng. Hóa trang của quan đại thành trong vai này nhìn vào sẽ nhớ ngay đến tròng mắt đỏ quạch, lim dim đầy thâm hiểm, khi quan đại thần cất tiếng nói thì càng làm người ta sợ, lối phát âm mạnh, gằn từng con chữ một chứng minh một điều rằng người nghệ sĩ có đài từ tốt như Hữu Châu là cực kỳ khó kiếm.

“Mười hai bà mụ” được xem là vở diễn quy tụ khá nhiều diễn viên và cũng có rất nhiều vai diễn, mỗi người phải đảm trách 2 đến 3 vai, đây cũng là nguyên nhân vì sao vở này khó tái diễn vì ít khi kết hợp được dàn diễn viên đó.

***

Phần thiết kế sân khấu của vở diễn được cách điệu với tấm màn đằng sau mang hình một thai nhi trong bụng mẹ, làm bật được lên tất cả ý nghĩa của vở diễn. “Mười hai bà mụ” cũng chuyển cảnh nhanh, nhẹ và tạo được nét đặc trưng cảnh trí.

12-ba-mu 

Âm nhạc trong “Mười hai bà mụ” là một cách tân trong việc sử dụng nhạc kịch, vốn dĩ trước đây ít được quan tâm tới. Nếu như trong thời điểm 2003, lúc “Mười hai bà mụ” được công diễn lần đầu tiên, đa phần các sân khấu khác chỉ sử dụng các bài hát có sẵn làm nền cho kịch, thì Idecaf mạnh dạn đầu tư vào phần nhạc kịch này với việc mời nhạc sĩ Tuấn Khanh viết nhạc và phần trình bày của các nhóm ca đình đám.

***

Độ thành công của vở kịch “Mười hai bà mụ” có lẽ không cần bàn nhiều, vì khi tái công diễn với phần phục trang mới và một số vai diễn mới trong tháng 9/2013, vở kịch luôn trong tình trạng cháy vé.

Điều tâm đắc nhất là ở “Mười hai bà mụ” có lẽ là ở điểm: coi thì cười đó, thấy đó, nhưng rồi về suy nghĩ lại, mới thấy “thấm” những triết lý mà vở kịch truyền tải. Sống làm sao đây? Thật thà hay điêu ngoa, dối trá? Và nhận lại được gì từ chính cách sống của mình? Như lời bài hát trong kịch: “Ôi, tôi biết sống phải làm sao? Dối lừa mà cứ gọi là khôn ngoan…”

Và có lẽ, mọi chuyện cũng giống như “Mười hai bà mụ” nói ở cuối vở kịch: “Thật ra chúng ta chỉ sinh ra được 1 nửa con người, một nửa con người còn lại là bàn tay, là tác phẩm của cuộc đời…”

Bài: Chú Hề

Ảnh: Kichidecaf

Tía ơi! Má dzìa –  một vở kịch khác có sự tham gia của NS Thành Lộc và rất được yêu thích tại sân khấu kịch miền Nam:



Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

 


From the same category