“Tía ơi! Má dzìa” – coi xong lòng cũng nở hoa

Vở kịch mang người xem về vùng nông thôn đậm chất Nam bộ với tiếng đờn kìm, giường tre, giếng nước, về với cù lao Ráng nơi có những mối tình son sắt chờ nhau dù năm tháng phai màu. Nơi đó, có ông Tư đờn kìm suốt 10 năm trời đau khổ vì sự ra đi đột ngột của vợ để rồi quên đi luôn cả sự lo lắng của những người thân.

 

“Tía ơi! Má dzìa”  là một câu chuyện có  nhiều tình tiết đan xen. Mặc dù vậy, đây là một kịch bản được xây dựng không quá mới mẻ hay kịch tính, người xem có thể dễ dàng đoán ra diễn biến chính của đường dây kịch. Cao trào của vở cũng không đặt vào những yếu tố bất ngờ, mà đánh mạnh vào cảm xúc của người xem ở những trường đoạn thể hiện nội tâm nhân vật. Nếu bạn là một người đa sầu, đa cảm, mau nước mắt, hãy chuẩn bị sẵn một bịch khăn giấy loại bự để phòng thân khi xem ông Tư đờn kìm đau trong nỗi nhớ vợ.

Diễn xuất của nghệ sĩ Thành Lộc có lẽ không cần phải bàn luận nhiều, anh hoàn toàn xứng đáng với danh xưng “phù thủy sân khấu”. Ông Tư đờn kìm do anh thủ diễn, lúc vui có thể làm người ta bật cười, nhưng rồi tới lúc đau lòng có thể khiến người ta bật khóc.

Nghệ sĩ Thành Lộc trong vở kịch

Trường đoạn khi ông Tư chơi vơi trong nỗi nhớ vợ làm người ta phải sụt sùi theo. Khi ông Tư hát “Ai nhớ ai đêm này?…Chờ nhau, nhớ nhau bao ngày… Mười năm lòng chẳng phai…Chờ ngóng hoài bóng ai…”, rồi trường đoạn ông Tư vật trong cơn say rượu lẫn say nỗi chờ mong khiến người ta nhận ra rằng, đâu phải người đàn ông thì tình cảm không sâu đậm như đàn bà. Xem “Tía ơi! Má dzìa” rồi mới thấu được rằng, cái đau của đàn ông nó âm thầm mà  dữ dội ghê lắm.

Nếu nghệ sĩ Thành Lộc thành công ở vai diễn lấy đi nước mắt người xem, thì ở tuyến nhân vật mang đến tiếng cười, Phương Dung, Đại Nghĩa và Phi Phụng cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình.

Ấn tượng nhất có lẽ là vai Tô Ánh Ngọc của nghệ sĩ Phương Dung. Gắn bó với sân khấu từ những vở diễn “Hồn Trương Phi, da Hàng Tỷ”, “Vùng đất cấm”… đến “Tía ơi! Má dzìa”, Phương Dung đã chiếm được trọn vẹn cảm tình của khán giả. Từ ngoại hình mỗi lần xuất hiện đầy diêm dúa, dây nhợ, lấp lánh châu sa, đến khi mặc áo dài trắng tinh khôi thì ghi dấu ấn bằng dáng đi chuẩn catwalk và lời “thú tội muộn màng”, Phương Dung làm cho vài khán giả ôm bụng cười đến nỗi… mém té ghế.

 

Cùng chiến tuyến gây cười, giảm bớt tính bi kịch của vở diễn, Đại Nghĩa và Phi Phụng cũng khuấy động sân khấu với vai diễn ông Sáu và cô Tám. Vai bà Tám ấn tượng từ lúc đầu xuất hiện, ra mắng sa sả vào mặt bà Ngọc, còn vai ông Sáu thì làm người ta nhớ do kết hợp và sử dụng quá nhuần nhuyễn chiếc khăn rằn. Có những lúc khán giả cũng ngồi cười khanh khách khi nghe Đại Nghĩa nói: “Cái này quen lắm nè, ở trong tuồng nào ta???”. Đặc biệt nhất trong vở kịch là màn song tấu của bà Tám và ông Sáu trong mơ, khi cả hai đem cuộn giấy quăng cho nhau rồi múa Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài – hết sức khó đỡ!

Những vai diễn còn lại như bà Thắm, thầy giáo Mộc, cô Tươi, út Thành, ông Me, ông ba Tàu nhìn chung diễn ở mức độ chấp nhận được và tròn vai, chưa ai thể hiện sự vượt trội cũng như phá cách so với những vai diễn trước đây của mình. Mặc dù vậy, trong vở “Tía ơi! Má zìa!” các vai diễn khi cùng đứng chung sân khấu vẫn tạo ra được sự hài hòa, nhịp nhàng cho cả vở kịch.

Một trong những điểm đắt giá nhất của sân khấu Idecaf đó chính là đầu tư cho phần nhạc kịch, và với “Tía ơi! Má dzìa”, điều này càng được minh chứng.

 

Những bài hát được lồng vào kịch khéo léo làm bật lên cảm xúc cũng như khiến người xem vỡ òa theo từng lớp diễn. Giọng hát nghệ sĩ Thành Lộc, nếu nói là hay theo chuẩn của thanh nhạc thì chưa chắc đúng, nhưng nếu nói về độ hay trong cái tác phẩm thì quá chuẩn. Những ca khúc trong kịch được anh thể hiện da diết, dạt dào làm cho người ta rưng rưng theo mỗi khi câu hát kết thúc.

Sân khấu của “Tía ơi! Má dzìa” được tái hiện rất đẹp và toát lên dáng dấp nông thôn Nam bộ với cây cầu khỉ, dòng sông, con đò, mái nhà tranh hay bàn thờ tổ… Đặc biệt, ở cảnh cuối cùng, cả sân khấu biến thành một dòng sông để các nhân vật chèo đò tìm nhau – đẹp đến làm người ta choáng ngợp.

Bên cạnh những thành công đó, “Tía ơi! Má dzìa” vẫn còn một số chỗ hơi dài dòng, dư thừa như đoạn kể chuyện cùng những câu chửi không cần thiết của ông Ba Tàu, hay lý do để bà Thắm không dám viết thư về cho chồng con chưa thực sự hợp lý đối với những người đòi hỏi tính logic cao. Tuy nhiên trên tổng thể, lối diễn xuất và nhạc trong kịch đã lấp hết những cảm giác không hài lòng này.

Tóm lại, “Tía ơi! Má dzìa” là một vở kịch xem rất… mệt. Mệt vì vừa mới cười xong, là khóc, khóc đã rồi lại bật cười… có những đoạn cứ nghẹn đắng họng theo cảm giác của ông Tư, có đoạn thì lại cười té ghế vì Tô Ánh Ngọc. Nhưng rõ ràng sau khi ra khỏi rạp, ai cũng còn lẩm nhẩm theo câu hát “tía ơi má dzìa, lòng tía nở hoa…”, chỉ riêng điều đó đã chứng tỏ được những dấu ấn của vở kịch.

Bài: Chú Hề

Ảnh: Trung Kiên

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!





From the same category