The Civil Wars – sự lãnh đạm “gây nghiện”

The Civil Wars không mang tới cho người nghe một giá trị gì thực sự mới mẻ trong âm nhạc của họ. Chất liệu folk hòa trộn với pop và rock không mới. Những bài hát về sự tan vỡ, về nỗi buồn, bế tắc… cũng không mới. Nhưng tất cả những điều không mới đó lại được đón nhận nồng nhiệt. Có lẽ chỉ có thể lý giải những điều đó bằng sự ám ảnh.


 

Quan sát The Civil Wars 3 năm qua, người viết có một cảm giác về sự lãnh đạm ở nhóm nhạc này. Joy Williams không phải một nữ ca sĩ xấu xí nhưng dường như chưa bao giờ cô chịu thay đổi tông màu đen gắn với những bộ trang phục của mình. Còn John Paul White, với đôi mắt lạnh lẽo và u uẩn, cũng là kẻ thật kiệm nụ cười trên sân khấu cũng như trong các sự kiện thảm đỏ.

Nghịch lý là sự lãnh đạm đó lại tỉ lệ thuận với những thành công mà nhóm tạo được chỉ với 1 album đầu tay. Không phải ban nhạc hay nghệ sĩ nào cũng được đề cử và nhận được giải Grammy trong 2 năm liền. Tất nhiên, đó không phải giải thưởng duy nhất của họ. Hơn 600 ngàn đĩa “Barton hollow” đã được tiêu thụ, chưa kể lượng ấn phẩm nhạc số bán qua iTunes. Và mới chỉ lên kệ được vài tuần, album thứ 2 mang tên nhóm đã được giới phê bình dành những lời khen ngợi và dự đoán những thành công chẳng kém đĩa đầu.

Nhưng dường như đối diện với những thành công và sự đón nhận đó vẫn là một thái độ “dửng dưng” từ phía cặp đôi kỳ lạ này. Cuối năm ngoái, khi lịch tour diễn thế giới của họ đã được lên, thậm chí vé các buổi diễn đã bán gần hết thì nhóm tuyên bố hủy toàn bộ các buổi diễn. Trong thông cáo đăng trên website chính thức, họ lý giải rằng “chúng tôi có những bất đồng sâu sắc về tư tưởng và hoài bão với ban nhạc”. Tất nhiên, khán giả thất vọng và giới truyền thông đặt dấu hỏi về sự tan rã của nhóm.

Không giải thích thêm, đầu tháng 8 vừa qua, The Civil Wars ra album thứ hai. Một đĩa nhạc cô đặc hơn phong cách của nhóm, gọn ghẽ và nhuần nhị hơn trong cách biên tập ca khúc và tất nhiên, u uất hơn “Barton hollow” rất nhiều.

Single “The one that got away” điển hình cho không khí của cả đĩa nhạc. Giọng hát mềm mại, dìu dặt của Joy Williams dẫn người nghe vào thế giới u uẩn của The Civil Wars. Chất liệu Country thể hiện qua những nhạc cụ như mandolin hay đàn dobro nhưng câu chuyện nặng nề về cuộc chia tay khiến không khí rộn ràng vốn quen thuộc của thể loại nhạc này bị thay thế bởi cảm giác đau khổ, bí bức. Tiếp đó, “I had me a girl” vẫn là lối thể hiện rất “cao bồi” trong giọng hát của John Paul White nhưng phần đệm guitar lại thật nặng nề với đoạn điệp khúc như tiếng hú đau đớn của người đàn ông bị ruồng bỏ.

Không phải không có những khoảng sáng trong đĩa nhạc bên cạnh những ca khúc đầy ám ảnh. Đó là “Same old same old” hay “Dust to dust” hoặc bản nhạc xinh xắn cuối album “D’Arline”. Mặc dù vậy, những bản ballad vẫn mang âm hưởng buồn.

The Civil Wars có một “đặc sản” được yêu thích từ album đầu tay là các bản cover. Lần này họ chơi lại “Tell mama” của giọng ca blues quá cố Etta James và “Disarm” của nhóm Smashing Pumpkins. Đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng hòa âm của John Paul White. Gần như không thể tìm thấy dấu ấn ca khúc gốc nhưng tinh thần trong nội dung bài hát vẫn vẹn nguyên và đầy cuốn hút.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP trước khi album “The Civil Wars” phát hành, Joy Williams nói rằng đã khá lâu cô và John Paul White không nói chuyện với nhau. “Đĩa nhạc này có thể là sản phẩm cuối cùng của chúng tôi mà cũng có thể chưa… Nhưng quan trọng là tôi cảm thấy nó đã bộc lộ được những gì mình muốn nói và hẳn John cũng nghĩ vậy,” nữ ca sĩ phát biểu.

Cái cách mà cặp nghệ sĩ này nói về số phận ban nhạc của họ cũng thật lãnh đạm. Nhưng sự thực là họ càng trốn sâu vào cái tổ kén riêng của mình, âm nhạc của họ càng được đón nhận và yêu thích. 

Bài: Độc Cầm

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category