Vén màn đen của “Đêm hè sau cuối”

Cùng mang màu sắc tâm lý, kỳ ảo, nhưng “Đêm hè sau cuối” chứa nhiều yếu tố trinh thám, kịch tính, là sự mới mẻ hoàn toàn so với người anh em “Góc phố Danh Vọng” đã có 5 suất diễn thành công một tháng trước đó.

 

Đến với “Đêm hè sau cuối” khán giả như một lần nữa được đặt chân vào không gian ly kỳ, huyền bí trong tiểu thuyết trinh thám cổ điển của Agatha Christie.

Trong vai người dẫn chuyện cũng là cô người ở tên Đào, “cô gái nhạc kịch” Hương Thảo dẫn khán giả bước tới nhà bà Thìn ở khu phố cổ Hà Nội để chứng kiến sự giàu có, làm quen với những người con dâu, con đẻ, con nuôi, mỗi người một tính nết.

Những biến cố, những chuyện đau lòng bắt đầu kéo đến gia đình hỗn độn này và khán giả có thể liên tưởng tới những câu chuyện không khó thấy trong đời sống hôm nay. Đó là khi bà Thìn bị sát hại, con trai của bà mất xác ngay sau đó, nghi ngờ dồn lên những cá nhân còn lại trong ngôi nhà vốn thừa tị hiềm, thiếu yêu thương.

Ngôi nhà đó nhanh chóng trở thành ngôi nhà ma và sống ở đó là những con người lầm đường lạc lối, với lòng tham, sự ích kỷ đưa họ vào những con đường ma chênh vênh thiện – ác.

Bối cảnh chính của vở ca nhạc và kể chuyện chủ yếu diễn ra ở nhà bà Thìn nhưng chiều kích của không gian rất rộng, có cả linh hồn trở về từ địa phủ và những vị “khách lạ” đến từ hành tinh xa xôi.

Điều đau lòng là con người chỉ có thể nói lên sự thật khi đã sang thế giới bên kia và người từ hành tinh khác đến có thể gieo rắc niềm hy vọng.

Câu chuyện của “Đêm hè sau cuối” bởi thế mang đến nhiều suy ngẫm về một thế giới toàn những chuyện buồn, cái gì cũng buồn, lạc lõng. Trong khi ở hành tinh khác, dẫu “không có khí quyển, không có suối nguồn, cũng chẳng có hàng hóa có logo” người ta vẫn có thể sống vui và không bao giờ chết.

Mang câu chuyện ngột ngạt, quyết liệt, có khi lạnh sống lưng, để qua đó gửi gắm những thông điệp khá “nặng”, nhưng “Đêm hè sau cuối” vẫn có tính giải trí cao, đem tới những tiếng cười sảng khoái.

Trong suốt thời lượng khoảng 140 phút, không thiếu những đoạn cao trào, tình tiết ly kỳ được tung ra quanh quá trình điều tra tìm manh mối. Cùng phong cách viết lời thoại trẻ trung, hài hước, “Đêm hè sau cuối” đủ sức kéo khán giả đi đến cái kết bất ngờ, thỏa mãn trí tò mò.

Không chỉ có câu chuyện lối cuốn và sâu sắc hơn, vở ca nhạc và kể chuyện cuối cùng của Dự án kép dù còn không ít điều khiến khán giả chưa thực sự hài lòng vẫn thể hiện sự “nâng cấp” rõ ràng về tay nghề của người cầm trịch Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) cùng ê kíp.

Nếu sân khấu của “Góc phố Danh Vọng” màu mè, rườm rà thì “Đêm hè sau cuối” mang đến sự tối giản. Không cần bất kỳ một “xen” chuyển cảnh nào vẫn đủ cho hàng chục diễn viên và dàn nhạc tung hoành. Toàn bộ diễn viên không dùng đến bất kỳ đạo cụ nào trong quá trình diễn xuất vẫn khiến người xem hình dung về bộ tách trà tai ương, lá thư nặc danh hay những lọ hoa bằng vàng…

Phần vũ đạo nhuần nhuyễn hơn so với “Góc phố Danh Vọng”, bao gồm cả những phần trình diễn solo. Đây là kết quả của quá trình tập luyện với khoảng thời gian dài hơn, khi đa số diễn viên không phải vũ công chuyên nghiệp.

Phần ca hát vốn được chuyển soạn lời Việt từ những ca khúc quốc tế đình đám của Madonna, Rihanna, Britney Spears, Lady Gaga, Beyonce… và một số trích đoạn nhạc kịch kinh điển vẫn bộc lộ nhiều hạn chế qua việc diễn viên hát chưa rõ lời, chưa đủ độ căng tròn và đôi khi gặp trục trặc về âm thanh. Dẫu vậy, khó có thể không ghi nhận sự cố gắng, lỗ lực trong việc tự hát “live” của nhóm diễn viên lần này, nhất là khi đã “khai quật” được những gương mặt mới như Thanh Ngọc (vai Mỹ Vân), Thuỳ Trang (vai Thìn)… Vai diễn bà Tị (Thảo Tươi) vừa thật thà, vừa tinh quái trở thành nhân vật ấn tượng, gây cười nhất của “Đêm hè sau cuối”.

Riêng “nàng tiên cá” Hương Thảo – Á quân Vietnam’s Got Talent 2012, tuy không có quá nhiều đất để khoe giọng, nhưng đã thể hiện khá tròn vai, với cách diễn cũng như lối nhả chữ khi thoại, khi hát thanh thoát, nhẹ nhàng, mang sắc thái riêng biệt.

Những diễn viên cũ từ “Góc phố Danh Vọng” trở lại với “Đêm hè sau cuối” hầu hết được lùi về đóng vai… quần chúng. Riêng chỉ có chàng hoàng tử Flint Bùi Minh Quân được sắm một vai thứ, nhân vật tên Khánh, tham lam, hiểm độc. Anh đã chứng minh khả năng vào vai đai dạng và thể hiện sự tiến bộ rõ ràng về diễn suất.

 

Một nhân vật không thể không nhắc tới khi khép lại Dự án kép, đó là chàng thủ lĩnh 22 tuổi Nguyễn Phi Phi Anh. Đến bây giờ, với những gì đã được thể hiện, nếu showbiz Việt thiếu cái tên này thì đó sẽ là một thiếu sót lớn. Và chắc hẳn, cũng chẳng dễ dàng để tìm thấy một người trẻ đa năng như PPAN, người mà ở vai trò nào cũng để lại những nét riêng, từ đạo diễn, viết kịch bản, chỉ đạo sân khấu đến chuyển soạn ca khúc tiếng Anh sang lời Việt.

 

Album


Vén màn đen của “Đêm hè sau cuối”

Từ “Góc phố Danh Vọng” trẻ trung đến “Đêm hè sau cuối” bức bối, một con đường dài rộng và tươi sáng hơn đã mở ra với những người trẻ say mê nghệ thuật, biết tôn trọng khán giả. Vậy nên, họ xứng đáng được mong ngày tái xuất, để kéo ra những tấm màn nhung huyền bí khác. 

Bài: Danh Anh

Ảnh: Tuấn Đào


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category