Dáng áo dài Việt lên sàn diễn thế giới

Thời trang vốn hay tìm đến những nền văn hóa giàu bản sắc làm nguồn cảm hứng cho các bộ sưu tập của mình. Không phải ngẫu nhiên thời gian gần đây, một loạt các nhà thiết kế tìm đến nền văn hóa châu Á mà đặc biệt là Trung Quốc rồi Việt Nam làm cảm hứng cho các bộ sưu tập và các sản phẩm số lượng có hạn. Điều đó có thể lý giải bằng khả năng mua hàng hiệu ở những vùng đất mới nổi này. Bởi hàng hiệu đang coi những vùng đất này là miền đất hứa của họ.

BST Đông Sơn của Speake Marin

Sòng phẳng mà nói, trước khi Leonard tìm đến chiếc áo dài, văn hóa Việt đã trở thành nguồn cảm hứng của không ít nhãn hiệu xa xỉ. Đơn cử như bộ sưu tập mang tên Vietnam Collection bao gồm bút, đồng hồ, hộp nghe nhạc mà hãng bút viết Grayson Tighe, đồng hồ Speake Marin, hộp nghe nhạc Reuge và hãng điện thoại Mobiado đã thực hiện để dành riêng cho thị trường Việt Nam.  Điều đáng nói ở chỗ, ngoài số lượng hạn chế, sử dụng những chất liệu quý hiếm (vì dành cho những nhân vật sành sỏi), quy trình chế tác thủ công tỉ mỉ bậc nhất của làng xa xỉ, trên những món đồ này còn được chạm khắc thậm chí nạm kim cương, dát vàng bản đồ Việt Nam, và thậm chí họ còn đưa cả những giai điệu hùng tráng của quốc ca Việt Nam vào hộp nghe nhạc Reuge. Tất nhiên, hàng hiệu sẽ không bao giờ đưa ra những bộ sưu tập như thế này nếu thị trường đó không có sức quyến rũ đặc biệt với họ. Nói thế để biết, trên bản đồ tiêu thụ nhóm hàng xa xỉ, Việt Nam đã được đánh dấu khá kĩ càng.

Mobiado dành riêng cho thị trường Việt Nam

Quay trở lại đề tài chính của bài viết này, chiếc váy dạ hội của Leonard mà chỉ cần ai biết chút ít về văn hóa Việt đều nhận thấy nó phảng phất hình ảnh chiếc áo dài của người Việt. Bởi ngay cái nhìn đầu tiên, người ta đã nhận ra những chi tiết đồng điệu của bộ váy sheer bó quyến rũ này với những chi tiết trên chiếc áo dài của người Việt, đặc biệt là phần thân trên. Nếu không tin, hãy quan sát chi tiết cổ, cách cấu trúc vai, những đường thêu, chất liệu nhìn xuyên thấu, cách chiết eo…, bạn sẽ thấy nó giống áo dài đến ngỡ ngàng.

Chiếc váy dạ hội với rất nhiều chi tiết tương đồng chiếc áo dài của Leonard

Chi tiết cổ áo, chất liệu, cánh tay, chi tiết thêu… những điểm khiến người ta liên tưởng đến chiếc áo dài

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên hình ảnh chiếc áo dài Việt bước lên sàn diễn thế giới. Trước đó, tại mùa mốt Xuân Hè 2013, các tín đồ thời trang Milan đã được Emilio Pucci bất ngờ đưa con thuyền thời trang cập bến Việt Nam. Bằng chứng là, gần như xuyên suốt bộ sưu tập, giới mộ điệu được chứng kiến những dấu ấn của văn hóa Việt. Đó là những chi tiết xẻ tà, tay dài, chất liệu mềm, họa tiết hình rồng… Thậm chí, nhà thiết kế còn thể hiện tình yêu của mình với văn hóa Việt bằng những chi tiết thêu tay “Yêu Hòa Bình”. Bản thân Peter Dundas, Giám đốc Sáng tạo của Emilio Pucci cũng phải thốt lên: “Tôi có một vài người bạn ở Việt Nam và trang phục của họ đã cuốn hút tôi. Sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu và thật sự cảm thấy thích thú”.

Chiếc áo dạ hội của Emilio Pucci tại Xuân Hè 2013 với những dấu ấn của văn hóa Việt

Những kí tự tiếng Việt được thêu rất tỉ mỉ trên cánh tay trong một trang phục của Emilio Pucci

Bài: Lâm Anh

Ảnh: Elle, Vogue

Bạn am hiểu về thời trang, đam mê cập nhật và tìm hiểu những thông tin xung quanh các xu hướng mới nhất, vậy thì còn chần chừ gì mà không gửi ngay cho chúng tôi những bài viết chia sẻ cảm nhận và cách nhìn nhận của bạn về các xu hướng mới nhất tại đây.

Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn.


From the same category