Suy tư về tình yêu, khoái cảm, dục vọng, hôn nhân nở rộ vào quãng thế kỷ 19. Không chỉ những nhà văn như Jane Austen hay Henry James liên tục đề cập các chủ đề này, mà ngay nhiều triết gia thuộc hàng thượng thặng cũng cho thấy họ đặc biệt quan tâm: hôn nhân là một “vấn đề triết học” ở nền tảng cuộc sống con người, chứ không phải là chuyện hành chính ra cơ quan nhà nước ký tên vào một tờ giấy. Ví như Soren Kierkergaard, triết gia vô cùng u tối, từng viết một cuốn sách rất lạ lùng mang tên “Nhật ký của kẻ quyến rũ”, hay Amiel, nhà văn kiêm triết gia người Thụy Sĩ từng viết “Nhật ký” dày không biết bao nhiêu trang mà kể chỉ chủ yếu xoay quanh vấn đề có lấy vợ hay không.
Ngày nay, khi hôn nhân vì tình yêu đã chiếm thế thượng phong áp đảo thì tình yêu cũng trở thành một thứ đương nhiên khỏi cần căn vặn lôi thôi. Nhưng trước đây, khi hôn nhân vì tài sản, hôn nhân thông qua áp đặt vẫn là chuyện phổ biến một cách tự thân, thì tình yêu lại không hẳn bày sẵn đó như một món ăn ngon lành (mặc dù dư vị có thể chua chát) mời người ta nếm. Stendhal, con người khổng lồ của chủ nghĩa lãng mạn (nhưng sinh thời chẳng được ai hiểu, ngoài một người khổng lồ khác là Balzac), viết “Về tình yêu”, thêm một cột mốc đáng nhớ của lịch sử văn hóa phương Tây và được biết đến không kém thiên khảo luận của Ovid.
Stendhal gọi tình yêu là “thứ dục vọng nơi mọi tiến triển chân thực đều có tính chất đẹp đẽ”. Bốn “loại” tình yêu và bảy “bước” trong yêu đương của Stendhal đã trở thành kinh điển, đó là các bước 1) ngưỡng mộ 2) nảy sinh khoái cảm 3) hy vọng 4) tình yêu nảy sinh 5) lần kết tinh hóa thứ nhất 6) nghi ngờ xuất hiện 7) lần kết tinh hóa thứ hai.
Khái niệm bản lề “kết tinh hóa”, vô cùng thông dụng, thậm chí thời thượng, cũng hé lộ cho chúng ta thấy một điều: tình yêu muốn nảy sinh thì phải có điều kiện, vì không phải vật chất nào cũng có thể kết tinh hóa, lại tận những hai lần.
Điều này có thể được khảo sát ở một tác phẩm văn chương mới gần đây đột nhiên (một lần nữa) trở nên vô cùng nổi tiếng nhờ điện ảnh: “The Great Gatsby” của Scott Fitzgerald.
Tác phẩm ấy hết sức mơ hồ và khó cắt nghĩa, bởi nó mang một tham vọng quá lớn (làm Fitzgerald phát sốt lên trong lúc viết nó vì dự cảm sắp tạo ra một cái gì đó kỳ vĩ) và ăn quá sâu vào những cổ mẫu xa xưa của văn hóa phương Tây: những miêu tả và cảm thức như thể đi thẳng ra từ tác phẩm “Satyricon” của Petronius với nhân vật Trimalchio nổi tiếng, và đặc biệt cách xây dựng tam giác Gatsby-Daisy-Buchanan. Cách xây dựng ấy không khác quan niệm của thi sĩ Ovid trên đây là bao nhiêu. Đó là ba con người đồng chất, một tam giác đồng đẳng.
Người ta rất dễ hời hợt hoặc thiếu kiến thức bảo rằng Tom Buchanan là một “thằng cha” hợm của ngu ngốc thô lỗ; không có chuyện ấy, bởi Daisy yêu Gatsby và nàng cũng yêu Tom Buchanan, họ là một bộ ba của bi kịch không ai thấp kém hơn ai vì mỗi người lại có một phẩm chất riêng giúp họ vượt hẳn lên trên, như các vị thần từng là hình mẫu trong tác phẩm của Ovid. Tấn kịch đó được quan sát và ghi lại bởi một kẻ ngoại cuộc tên là Nick Carraway, một người xét cho cùng là không có tình yêu.
Bởi tình yêu tuy là một thứ quyền cơ bản, nhưng, thật cay đắng, điều trớ trêu là không phải ai cũng xứng đáng có được tình yêu, nhất là những con người nhờ nhợ không có lấy một phẩm chất đích thực. Nick không đồng đẳng với Gatsby, Daisy và Tom Buchanan, nên chỉ được đóng vai trò đứng ngoài nhìn, với rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ tức giận, ngưỡng mộ cho đến buồn bã, khinh bỉ. Cũng không khác mấy những người xem phim nông cạn không bao giờ “đủ tầm” vậy.
Năm xưa, vì dám viết ra bài thơ-thiên khảo luận táo bạo về tình yêu (tình yêu theo thi sĩ là để hướng đến khoái lạc chứ không phải để sinh con đẻ cái) mà Ovid đã bị Hoàng đế La Mã vĩ đại August cho đi đày biệt xứ, một chuyến lưu đày vô cùng nổi tiếng, trở thành đề tài cho bao nghệ sĩ sau này. Lẽ dĩ nhiên, nguyên nhân thực của hình phạt ấy có thể rất khác, nhưng ai dám đoán chắc chuyện đã không xảy ra đúng như vậy? Vì tình yêu trông thì như một lẽ đương nhiên nhưng lại là cấm kỵ lớn của loài người, và hình phạt sẽ đến với những kẻ liều lĩnh tìm cách hiểu nó.
Nhị Linh