Trong đám cưới vừa diễn ra hồi tháng 5 với nhạc công James Righton, Keira Knightley mặc một chiếc váy trắng cũ đơn giản, trên đầu cài vòng hoa cúc. Nghi lễ đám cưới cũng vô cùng giản đơn – chỉ 10 phút hành lễ, với một số bạn bè thân thiết và những thành viên trong gia đình. Giống như tài tử Jude Law đã nhận xét, Keira là một nghịch lý hoàn hảo. Như một vài nhân vật của cô, Keira quyết đoán, mạnh mẽ mà cũng dễ bị tổn thương. Cô đối mặt với thành công quá sớm, với cả những cám dỗ, bị tò mò về đời tư, bị chỉ trích về năng lực diễn xuất… nên ở Keira luôn có sự tự vệ và khép kín trước truyền thông và công chúng.
“Không ai có quyền phán xét”
– Trong suốt sự nghiệp diễn xuất, nhân vật nào từng là thử thách lớn nhất với cô?
– Anna Karenina trong bộ phim cùng tên chính là thử thách lớn nhất của tôi, đơn giản vì bộ phim được cách điệu hóa quá. Về mặt kỹ thuật, trên thực tế, các cảnh quay phải được thực hiện vô cùng chính xác. Người ta cứ cố gắng để khiến tôi tập trung vào một cái gương. Mất chừng khoảng 15 lần thì tôi mới tập trung đúng và phải nhớ để thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt nữa. Thực ra quá trình làm việc rất mệt mỏi, bộ phim được cường điệu hóa thì các màn trình diễn cũng khá câm lặng. Tất cả chúng tôi đều biết, ngay từ đầu, rằng không ai muốn sự câm lặng, chúng tôi muốn cảm xúc luôn dâng cao, nhưng thật khó.
Một thử thách khác là nhân vật Anna luôn bị đánh giá qua cuốn sách. Biên kịch yêu cô ấy, ai làm phim về cô ấy cũng yêu, và khán giả cũng yêu cô. Anna là một nhân vật tuyệt vời. Với nhân vật này, không quan trọng cô ấy là ai, mà cô ấy chính là một chất gây nghiện, đồng thời là chất cai nghiện nữa. Vừa cân bằng, vừa thể hiện những phần tiêu cực trong con người Anna, vừa làm sao để không khiến cô ấy trở nên nổi loạn với khán giả thực sự là một việc khó.
– Có bao giờ cô thấy mình có những cảm xúc giống như Anna Karenina? Hay cô có thể đồng cảm với người phụ nữ này từ chính những kinh nghiệm của bản thân?
– Mọi người đều có những xúc cảm giống như thế thôi. Khi chúng tôi bắt đầu dự án này, Tom Stoppard, biên kịch của bộ phim, nói rằng phim “Anna Karenina” là một luận đề về tình yêu, trên tất cả các hình thức của tình yêu. Tôi nghĩ: “Mình chẳng hiểu ông ấy định nói gì”. Nhưng về sau, tôi thấy ông nói hoàn toàn đúng, vì bộ phim không chỉ nói về tình yêu như một sự lãng mạn. Mỗi khi kể một câu chuyện tình yêu, người ta thường tập trung vào các chi tiết lãng mạn, rồi sau đó tới tình dục và sự gắn kết, và như thế là đủ tuyệt vời rồi. Nhưng đó chỉ là một phần của những cảm xúc trong tình yêu. Yêu còn là ghen tuông, đau khổ và cô đơn nữa. Điều ấn tượng nhất về cuốn sách, và hy vọng là ở cả bộ phim của tôi nữa, là cố gắng khai thác được tất cả các khía cạnh của tình yêu, và cảm xúc trong tình yêu.
Còn về chuyện tôi có cảm thấy như thế không à? Có chứ, theo cùng một cách mà bất cứ người trưởng thành nào cũng cảm thấy, trong mọi mối tình mà tôi từng trải qua.
– Vậy Anna Karenina có thay đổi cô không?
– Vậy có sự tương đồng nào giữa xã hội quý tộc trong thế giới mà Anna Karenina cảm thấy lạc lõng, với nền công nghiệp phim ảnh mà cô đang sống trong đó?
– Có, chắc chắn rồi, nhưng tôi nghĩ sẽ tương đồng hơn với cả xã hội. Xã hội giống như một sân chơi với những đứa trẻ con chơi quanh sân. Rồi tất cả đều quay ra chống lại một đứa trẻ, vì nó đi nhầm giày. Đó cũng là cách mà người ta vẫn tụ tập thành một nhóm để chống lại ai đó, vì sự “chống lại một ai đó” chính là nền tảng của nhóm. Chúng ta cũng làm thế ở công sở, một cô gái tán tỉnh sếp để được thăng chức, và cả xã hội chống lại cô ấy. Chúng ta làm thế khắp mọi nơi, cả trong nền công nghiệp phim ảnh nữa.
– Và cô không thể tránh được chuyện người ta cứ nhìn cô.
– Chẳng ai thoát được chuyện xã hội muốn can thiệp và phán xét chuyện đạo đức với người khác. Tôi chưa từng gặp ai có quyền làm thế cả, nhưng người ta cứ làm thế và chúng ta đành phải vui vẻ thôi. Tôi nên tưởng tượng ra mình là một kẻ có tội, nhưng thực ra khi chúng ta nhìn vào chính bản thân mình, chúng ta cũng không có quyền phán xét cơ mà.
– Vậy có bao giờ cô nhìn vào bản thân và nghĩ: “Mình làm việc quá chăm chỉ, quá nhiều rồi”?
– Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống khá là phức tạp. Thực ra bây giờ tôi còn làm việc ít hơn 5-6 năm trước, khi tôi đã có chừng 6 năm làm việc liên tục, không ngơi nghỉ giờ nào. Chuyện đó không phải ai cũng làm được đâu. Năm nay tôi đóng 2 phim thôi, năm ngoái thì 2 phim và 1 vở kịch. Tôi nhanh chán lắm, vì thế tôi cứ phải làm việc.
“Tôi may mắn không phải người phụ nữ xấu nhất thế giới”
– Vài năm trước, cô nói rằng sự nghiệp của cô sẽ khá ngắn ngủi thôi. Bây giờ cô có còn nghĩ về việc đó, hay cô thấy ngạc nhiên vì cô vẫn đang ở trong cuộc đua?
– Mỗi thứ một ít. Có nhiều bộ phim tôi làm khá tốt, các phim khác thì không. Nhưng đúng thế, tôi đang ngạc nhiên đây. Vì tôi cực kỳ may mắn. Có rất nhiều người có vài phim rồi không tham gia phim nào nữa. Tôi thì có cả loạt những người tuyệt vời tôi được làm việc cùng, và rất nhiều phim tôi từng tham gia. Đó là một kho báu.
– Vậy cô có bận tâm tới chuyện thỉnh thoảng người ta tập trung vào ngoại hình của cô hơn là chất lượng các vai diễn?
– Tôi chỉ thấy tôi quá may mắn khi người ta không nói rằng tôi là cô gái xấu nhất thế giới. Nhìn xem, đây là một nền công nghiệp dựa khá nhiều vào vẻ bề ngoài, và tôi cũng biết chắc rằng tôi được tham gia 3 phần phim “Cướp biển Caribbean” là vì ngoại hình thôi. Một vài người tìm kiếm sự hấp dẫn, quyến rũ, những người khác lại tìm sự khác biệt, đó là cách mọi thứ vận hành.
– Vậy cô có nghĩ có áp lực phải-trở-nên-xinh-đẹp với phụ nữ trong ngành này?
– Có, không chỉ trong ngành này mà tất cả phụ nữ nói chung. Áp lực lên tất cả chúng tôi: về ngoại hình, về cơ thể, về cách ăn mặc hoặc màu tóc… Nhưng đặc biệt là các nữ diễn viên, chúng tôi thực sự bị chỉ trích quá nhiều về chuyện này.
– Xin cảm ơn cô!
Hoa Đường