Vấn đề là, ai hỏi nó cũng không dám trả lời, nó nhìn ai cũng sợ người ta “ăn tươi nuốt sống” nó. Đấy là nguyên văn từ nó dùng để mô tả những người đứng gần nó nhé.
Bố nó cho nó đi học một môn võ rất nổi tiếng về thi đấu đối kháng, với những đòn rất hiểm, tấn công rất mạnh về thể lực và võ thuật. Nhưng ba năm qua ròng rã được bố nắn cho đi học võ, nó vẫn dúm dó như một con gián ấy, trông rất thảm hại vì trái ngược với vẻ bề ngoài. Hóa ra là, nó liên tục bị bố nó (ông bạn mình) chửi mắng, vì sao tao thế này mà mày thế kia, mày làm tao thất vọng, tại sao mày ăn không nên đọi nói không nên lời v.v… Mỗi ngày bố nó đều kèm chặt nhưng càng kèm chặt thì con càng yếm thế.
Từ ông tới bố, hễ động nhắc đến thằng cu là lại thở dài. Bảo, sao người ta cứ nói hổ phụ sinh hổ tử, nhà mình đâu có lẽ lại có một thằng kém cỏi như thế? Ngay cả dáng đi cũng không đàng hoàng, mắt mũi nhớn nhác.
Một hôm ông xã mình thấy cảnh bố mắng con, ông mắng cháu ấy, mới thấy thương hại và thấy thảm hại quá, mới lôi thằng cu kia ra bảo, thôi ông để đấy cho tôi nhờ, ông cứ trao nó cho tôi. Từ 1/6 vừa rồi ông xã mình tuần mấy buổi chở thằng cu đó đi học võ cùng con gái mình, môn phái Vịnh Xuân Dưỡng Sinh Nhu Quyền. Đến lớp, thầy giáo vừa hỏi, con tên là gì, thằng nhóc lại bật khóc nức nở vì sợ.
Vịnh Xuân Dưỡng Sinh Nhu Quyền thì không phải là tập võ đơn thuần mà hiểu theo một cách nào đó, nó là võ thuật của sự giao tế. Mỗi tư thế lại phải nhìn thẳng vào mắt nhau, lựa nhau mà quấn, giao tiếp bằng cả hình thể và tinh thần lẫn lời nói, thông qua các tư thế võ mà thôi. Nên những buổi tập thực tế rất hiệu quả khi rèn luyện cảm giác và nâng cao sự nhạy cảm của xúc giác. Trên đường đưa đi đón về, ông xã mình dành độ 2 tiếng mỗi ngày chỉ nói chuyện với thằng cu kia, xem nó nghĩ gì, nó thích gì, bảo đã có bác đây, cháu không phải sợ ai cả, trên đời này chả có cái gì đáng sợ, mọi vấn đề ta đều giải quyết được hết!
Liệu pháp giao tiếp của ông xã mình đến giờ là giữa tháng 7, mới có 6 tuần lễ mà thằng nhóc kia thay đổi rất nhiều về giao tiếp, dám nhìn mọi người, có bộc lộ thái độ và cảm xúc của nó ra, vui vẻ lên, thỉnh thoảng biết nói đùa một câu dù vẫn đùa một cách rất rón rén. Ít nhất là chính nó nói ra được là, nó thấy mọi người như muốn “ăn tươi nuốt sống nó”.
Vậy vấn đề là, bố mẹ ở bên con và chăm con bao nhiêu cũng là chưa đủ, nhưng nếu không vứt con ra xã hội, cho con tự giao tiếp, tự nói lên mình nghĩ gì, tự để ý thái độ người khác, tự lựa chọn thái độ cho mình và ứng xử v.v… thì không khéo, lợi bất cập hại. Một sàng khôn của bố mẹ chưa chắc đã vào đầu trẻ bằng một sàng khôn ngoài đường.
Bố mẹ có thể sợ con mình ra đường sẽ bị bắt nạt, gặp người lạ sẽ bị ăn hiếp, chơi ngoài trời bẩn thỉu sinh bệnh lây lan tật xấu, tiếp xúc với người khác sẽ mắc tật chửi tục, ra ngoài dính mưa là ốm… Nhưng nếu không cho con ra ngoài xã hội, thoát khỏi cái bóng của bố mẹ, thì chắc gì con đã khôn lớn và vui vẻ được?
Bởi chẳng đâu xa, mình thấy thằng cu lớp 7 kia thay đổi cực kỳ nhanh chóng, khác hẳn hồi trong năm, mình một lần đi ăn với gia đình nó, mình cứ thầm nghĩ, thật tội nghiệp thằng bé nhút nhát!
Trang Hạ