Điều đầu tiên gây chú ý trong đêm chung kết vào tối 26/6/2013 tại Hội An là cả 6 vị giám khảo đã… không diễn. Nhưng chính việc các gương mặt có danh vị thể hiện chân thành bằng cách… nhìn vào giấy để đọc câu hỏi ứng xử với lần lượt 6 thí sinh cuối cùng đã hé lộ cuộc thi này, như bao cuộc thi khác, đã nhiễm nặng kiểu thi cử theo “bộ đề” ở nền giáo dục của chúng ta.
Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Anh. Ảnh: Zing
Có thể không ít khán giả đã bực mình sau khi MC của cuộc thi thông báo điểm mới ở phần thi ứng của Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm nay là thí sinh bốc thăm ngẫu nhiên để chọn giám khảo sẽ đặt câu hỏi cho mình. Tưởng “ngẫu nhiên” như thế nào, từ giám khảo đầu tiên đến giám khảo cuối cùng đều cầm một tờ giấy và đọc từng chữ của câu hỏi.
Không biết mỗi giám khảo nghĩ gì, chứ khán giả thì khó có thể nghĩ đó là những từ ngữ do từng vị giám khảo uy danh đặt ra, bởi mỗi người chỉ đặt một câu rất ngắn gọn, đơn giản. Phải làm thế, chẳng thể nói giám khảo thiếu bản lĩnh, bị áp lực sân khấu, cần nhìn giấy đọc thì sẽ chính xác hơn.
Cả 6 vị đều tỏ ra không tự nhiên khi đọc, kể cả giám khảo nhà văn Chu Lai – người nổi tiếng hoạt ngôn lâu nay. Đã là câu hỏi in sẵn, chuẩn bị trước, BTC giao cho mỗi giám khảo đọc, còn đặt ra chuyện bốc thăm làm gì! Đã mời giám khảo thì không thể không tin họ có thể tự đặt được những câu hỏi thú vị, bởi đó là những người theo sát các thí sinh và cuộc thi.
Khung cảnh lễ trao giải cuộc thi. Ảnh: VietNamNet
Hành động ấy, rút cuộc ngỡ là… diễn, hoá ra lại phản ánh thực tế trần trụi việc về một cuộc thi, hay về vòng thi quan trọng nhất là ứng xử nói riêng, đang cần phải diễn. Quả là buồn nếu các giảm khảo thấy đó là chuyện bình thường, chẳng thắc mắc gì, cứ thế mà làm theo… quán tính. Nhưng sẽ còn buồn hơn nếu cứ sau mỗi cuộc thi sắc đẹp ở ta đều có nghi vấn về sự dàn xếp kết quả, rồi kéo theo bao hệ luỵ, khiến cho mỗi danh xưng và những cái đích đặt ra bớt lung linh.
Ban giám khảo cuộc thi. Ảnh: VTC News
Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013 dính phải phản ánh của các thí sinh là 6 câu hỏi ứng xử và đáp án đã được gửi đến email của tất cả thí sinh trước ngày thi. BTC đã có thông cáo báo chí phản bác lại nhiều “tin đồn kinh khủng”, “không căn cứ” khác, riêng chuyện “gà” trước phần ứng xử thì quý bà Kim Hồng, Phó trưởng BTC, không phủ nhận đã được “tập dượt”. Cụ thể, “đây là những đáp án đã được những giáo sư, tiếp sĩ thực hiện để thí sinh tham khảo, tự tin hơn khi lên sân khấu ứng xử khi truyền hình trực tiếp, tránh sự cố đáng tiếc”.
Tân hoa hậu vừa đăng quang đã chịu không ít điều tiếng. Ảnh: VietNamNet
Thực tế, đêm tổng duyệt trước chung kết, 6 câu hỏi đã được sử dụng. Và BTC cho rằng, “đây là những đáp án đã được những giáo sư, tiếp sĩ thực hiện để thí sinh tham khảo, tự tin hơn khi lên sân khấu ứng xử khi truyền hình trực tiếp, tránh sự cố đáng tiếc”.
Với “kịch bản” không khó để thấy ở một số cuộc thi sắc đẹp rất quy mô, hoành tráng, màu mè như thế, vô hình chung, chữ “Chân” bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Trong khi, điều cuối cùng khán giả cần là tìm thấy những vẻ đẹp bước ra và tỏa sáng từ cuộc sống thực chứ không từ sân khấu hào nhoáng, dù vẻ đẹp ấy có được gọi là hoa hậu hay không.
Rất nhiều dư âm không tốt đẹp sau cuộc thi này. Ảnh: VietNamNet
Cũng sau cuộc thi hướng đến tinh thần đoàn kết này, việc tố cáo nhau xảy ra tức là sự đoàn kết mới dừng ở câu khẩu hiệu. Những mất mát đã thấy và những điều hư – thực còn đó có thể khiến không chỉ người trong cuộc mà cả người theo dõi không chỉ buồn mà còn đau lòng. Phải chăng đây mới là lúc để chứng minh rõ nhất cách ứng xử không cần thi thố, để thấy được “Chân – Thiện – Mỹ” luôn có thật.
Danh Anh