Before Midnight - Khi tình yêu không cổ tích - Tạp chí Đẹp

Before Midnight – Khi tình yêu không cổ tích

Sự Kiện

 

Có lẽ hiếm series phim truyện nào đặc biệt như bộ ba “Before” của Richard Linklater. Phim được xây dựng theo kết cấu thời gian thực thì nhiều; series phim kéo dài suốt nhiều năm và khán giả chứng kiến sự trưởng thành của nhân vật theo thời gian cũng không phải ít, nhưng hẳn “Before” là trilogy duy nhất dung hợp cả hai yếu tố một cách “cực đoan” đến thế.

Sau khi hé lộ cho người xem một lát cắt ngắn ngủi vài tiếng đồng hồ sẽ định đoạt cuộc đời của đôi trai gái (“Before Sunrise”, 1995), Linklater bắt ta chờ đợi chín năm để gặp lại Jesse và Celine, cũng của chín năm sau (“Before Sunset”, 2004) trong vòng 80 phút. Và thêm một lần chín năm như thế trôi qua, với cả người xem và nhân vật, trước khi ta tái ngộ đôi tình lữ ấy ở “Before Midnight”.

Năm 1989, Linklater trải qua một đêm với một cô gái trẻ ở Philadelphia và kỷ niệm này là nguồn cảm hứng cho “Before Sunrise”. Mới đây, anh được biết, cô gái năm nào đã mất vì tai nạn vào năm 1994, trước khi phần một khởi quay không bao lâu. “Before Midnight” là cách anh tưởng nhớ cô.
Những khán giả may mắn nhất của trilogy này hẳn sẽ là những người trạc tuổi Ethan Hawke (1970) và Julie Delpy (1969), vì họ sẽ luôn luôn và mãi mãi ở cùng độ tuổi với nhân vật trên phim. Sự tương đồng về tuổi tác sẽ ban cho họ một ưu thế độc quyền: mối tương liên của những con người cùng thế hệ. Hơn ai hết, họ là người thấu hiểu hơn cả những cuồng dại tuổi hai mươi, những suy tưởng tuổi ba mươi, những trải nghiệm, khó khăn, khủng hoảng tuổi bốn mươi của đôi bạn đời này. Nhìn vào Jesse và Celine, không ít người sẽ thấy chính mình; thấy mình trẻ trung, trưởng thành và già đi; thấy những buồn vui, mộng tưởng, mâu thuẫn trong nội tâm mình.

Thật khó để review một phim như “Before Midnight” mà lại không tiết lộ điều mà tất cả khán giả đều băn khoăn khi kết thúc phần hai. Rất xin lỗi các bạn: Phải, Jesse đã lỡ chuyến bay! Anh đã bỏ lại nước Mỹ với người vợ oán hận và cậu con trai lên bốn, để đến với Paris. Đến với Celine.

Linklater là người rất biết chọn những địa danh lãng mạn để làm cái nền quyến rũ cho “Before”. Phần một là Vienna. Phần hai là Paris. Và phần ba là Kardamyli – một thị trấn đẹp như tranh ở miền Nam Hy Lạp. Nhưng khác với hai phần đầu, khi Jesse và Celine hăm hở đi tìm (và tìm lại) mối giao cảm của đời mình, lần này chính sự gắn bó quá sâu sắc, quá ràng rịt, đã thành căn nguyên của vấn đề giữa họ. Không phải ngẫu nhiên Linklater lại chọn Hy Lạp, một xứ sở của di sản quá khứ nhưng đang vật lộn trong khủng hoảng hiện tại, làm bối cảnh cho phim. Vì đây cũng chính là điều Jesse và Celine sắp phải đối mặt: họ sẽ phải xem lại những gì đã bị tàn phá và những gì có thể bảo tồn sau chín năm chung sống.

Cuối kỳ nghỉ hè ở Kardamyli, Jesse phải trả cậu con trai về Mỹ với người vợ cũ. Cuộc chia tay khơi lên trong anh niềm day dứt vì chưa tròn nghĩa vụ làm cha. Trong khi đó, Celine, sau chín năm làm việc cho NGOs, đã chán nản và muốn tìm kiếm một thử thách mới. Quá nhạy cảm, quá hiểu nhau, cả hai dần cảm nhận thấy một rạn nứt mơ hồ trong người kia và trong mối quan hệ giữa họ, trước khi cơn sóng ngầm âm ỉ ấy bùng lên.

Nếu như trước kia câu chuyện chỉ là của riêng Jesse và Celine, phần ba chứng kiến sự xuất hiện của một dàn nhân vật phụ – gia đình nhà văn già đã mời nhà Wallace đến đây nghỉ hè. Quan hệ giữa họ được đặt trong tương quan với ba cặp quan hệ khác: nhà văn già với người bạn đời, cặp vợ chồng Hy Lạp đồng lứa, và một đôi tình nhân trẻ. Cuộc trò chuyện về tình yêu và tình dục bên bàn ăn rất dễ thương, có gì phảng phất phong vị của “Zorba, con người hoan lạc”.

Nhưng Jesse và Celine chỉ thực sự là Celine và Jesse khi chỉ có họ ở bên nhau. Điều này được khẳng định ngay từ đầu với màn đối thoại kinh điển dài mười phút trên xe, dưới cái nắng vàng ruộm như mật ong của miền Nam Hy Lạp và trong lúc hai đứa nhóc ngủ gục ở ghế sau. Linklater vẫn trung thành với phong cách quen thuộc đã làm nên tên tuổi của anh, và dĩ nhiên của cả hai phần trước: tối giản và lấy thoại làm trung tâm. Vẫn sắc sảo. Vẫn thông minh. Vẫn táo bạo và hài hước. Nhưng người xem dễ dàng nhận ra sự thay đổi trong câu chuyện giữa họ: bớt đi ba phần trẻ trung, thêm vào ba phần từng trải, và đã xuất hiện ba phần mỏi mệt. Từ chỗ háo hức với thay đổi, họ đã thành hai con người ngần ngại thậm chí sợ hãi thay đổi. Những mộng mơ thuở nào đã nhường chỗ cho một thực tế có phần tàn nhẫn. Linklater còn độc ác nhấn mạnh thêm điều đó bằng cách phô bày dấu ấn của thời gian và tuổi tác trên hình thể Celine! Hiện thực này có thể sẽ làm vỡ mộng một số khán giả từng xem đây là đôi tình nhân lý tưởng (và một số quý ông từng xem Julie Delpy là người đàn bà lý tưởng), nhưng lại giành được sự tán thưởng của những ai vốn thấy “Before Sunrise” gần giống một chuyện cổ tích về tình yêu lãng mạn hơn là đời thực…

Bài: Nham Hoa

Bạn quan tâm tới đời sống showbiz thế giới và Việt Nam. Bạn có trong tay những thông tin chính xác mới nhất, “nóng” nhất về những người nổi tiếng? Bạn thích thú biên dịch các bài viết về “sao”, về thế giới văn hóa – nghệ thuật, về các sự kiện đình đám…? Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online qua địa chỉ email:giaitri@dep.com.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

03/07/2013, 15:25