– Phụ nữ thường muốn làm xiêu lòng đàn ông bằng món ăn ngon và phong cách cá nhân. Nhưng việc nấu nướng xem ra nhẹ nhàng hơn chuyện mặc đẹp. Nhiều người loay hoay với câu hỏi “Phong cách nào hợp với mình?”. Chị có như thế không?
– Có chứ! Câu hỏi ấy theo tôi một thời gian dài. Nhìn lại, tôi nghĩ để mặc đẹp cần có quá trình, môi trường, người tư vấn tin cậy. Tôi từng tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền mà cuối cùng quanh đi quẩn lại chỉ mặc vài bộ vì những món đặc biệt, mua vì thích có khi chỉ xếp ngay ngắn trong tủ, để dành hết tuổi 20 sang đến 30 vẫn chưa dùng tới. Thời đó, tôi muốn chọn trang phục ở mức an toàn, sợ nổi bật, bị xem không giống ai nên đã “tự kiểm duyệt”. Nhưng rồi nhờ công việc sản xuất chương trình truyền hình, tôi được gặp những người có chuyên môn, có gu ăn mặc nên học hỏi được nhiều, dần tự tin để đưa ra những lựa chọn tạo nên sự khác biệt.
– Vậy từ “giải pháp an toàn” chị bước sang “cá tính, khác biệt” bằng cách nào?
– Tôi tạo cột mốc bằng những dịp lễ. Tất nhiên khi nhìn thấy tôi mặc những bộ trang phục mà với nhiều người chỉ dùng khi đi chơi, tiệc tối, mọi người sẽ ngạc nhiên. Nhưng sau một tuần tôi duy trì đều đặn “sự lộng lẫy hơn ngày thường” ấy mọi người sẽ cảm thấy quen với cái mới. Việc gì cũng cần có thời gian, mọi người cần thời gian để làm quen, chấp nhận. Thậm chí, vài đồng nghiệp, bạn bè cũng được gợi cảm hứng để làm mới bản thân bằng những bộ trang phục mà trước đây họ chưa từng mặc đến nơi làm việc. Được là nguồn cảm hứng cho người khác, giúp họ có ý thay đổi, làm mới bản thân, tôi xem đó là một phần thưởng cho mình.
– Nhưng lằn ranh của sự khác biệt và dị biệt khá mong manh…
– Như thế nào là đẹp, thật khó để tìm được câu trả lời chính xác và làm hài lòng mọi người. 9 người 10 ý! Và sự thật là lúc chuẩn bị mình ngắm bản thân trong gương nhiều lắm cũng chỉ đôi ba lần, sau đó, mình nhìn qua đôi mắt của người khác. Mình mặc không phải chỉ cho bản thân mà còn cho mọi người nên việc được chấp nhận thông qua những lời khen sẽ giúp khích lệ rất nhiều. Đồng thời, mình cũng tiếp nhận không ít ý kiến trái chiều. Những lúc như vậy sự tự tin rất quan trọng, giúp mình không hoang mang, thay đổi lựa chọn. (cười)
– Làm thế nào để chị có sự tự tin đó?
– Tôi học từ sự sai lầm của chính mình, bạn bè, các chuyên gia. Các khóa học dạy về phong cách cũng giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu bản thân và định hình phong cách. Sẽ khó biết cái gì hợp với mình, cái gì không nếu bạn không được chỉ ra những điểm ưu, nhược của cơ thể, thói quen xấu – tốt để khắc phục và phát huy.
– Tính cạnh tranh ở phụ nữ khá lớn, chị có gặp các vấn đề với bạn bè khi quá nổi bật không?
– Tôi nghĩ khác, ai cũng thích chơi với người đẹp, dĩ nhiên người đó phải vui vẻ, hòa đồng và… chơi được. Ăn mặc đẹp không nên là rào cản, mà ngược lại. Nói vậy chứ tôi cũng từng có tâm lý sợ bị bạn gái nghỉ chơi nhưng thật may, tôi có những người bạn cùng tiến hơn là không muốn mình tiến. (Cười) Tôi tự hào vì có những người bạn có gu và ngược lại, bạn bè tôi cũng chia sẻ niềm vui nho nhỏ với tôi. Chúng tôi không ngại chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho nhau để rút ngắn được thời gian, hạn chế phép thử sai.
– Vậy còn ông xã? Anh là đồng minh của chị ngay từ đầu?
– Người chồng luôn là tác nhân quan trọng giúp phụ nữ củng cố sự tự tin, kiên trì với việc làm đẹp. Tôi may mắn nhận được sự động viên rất lớn từ ông xã nhưng… không phải ngay từ đầu bởi anh là doanh nhân, chỉ ăn vận đơn giản: quần tây, áo sơ mi. Khi vợ có phong cách thời trang không giống với số đông, anh cũng cần thời gian để thích nghi. Anh luôn ủng hộ, khuyến khích vợ làm đẹp, mặc đẹp và không giấu sự tự hào về vợ.
– Là nhà sản xuất chương trình truyền hình, vì sao vài năm trở lại đây chị lấn sân sang lĩnh vực nội thất?
– Tôi quan niệm nếu cuộc sống chỉ có niềm vui từ việc kiếm tiền thì quá buồn tẻ. Tôi muốn một cuộc sống thú vị nên đã dấn thân vào nhiều lĩnh vực khác nhau từ du lịch, xuất nhập khẩu, buôn bán, đến sản xuất truyền hình dù tốt nghiệp cử nhân khoa Đông Phương học, hoàn thành học vị thạc sĩ Quản trị Du lịch ở Thái Lan. Tôi chọn làm đồ nội thất vì bị “nhiễm” tình yêu dành cho những món đồ nhỏ xinh trong nhà làm bằng gỗ từ ông, bố là kiến trúc sư, họa sĩ. Một thời gian dài tôi thu mua đồ cũ, hư hỏng về sơn sửa lại thành những món đồ mới. Nói vui là mang về con vịt và tạo ra thiên nga.
– Không được đào tạo bài bản, chị làm thế nào để cho ra những sản phẩm khiến khách hàng hài lòng?
– Tôi tích lũy kiến thức, cập nhật xu hướng qua sách báo. Nếu người có trường lớp biết về sắc độ, kỹ thuật thì tôi có sự nhạy cảm để nhận biết chỗ nào thiếu, chỗ nào không ổn nhờ kiến thức về thời trang, bởi quần áo nhiều chi tiết hơn, cần sự tỉ mỉ hơn. Xem nhiều, mặc nhiều tôi nhìn ra ngay! (Cười) Tuy nhiên, tôi cũng cần một chuyên gia giúp cho sản phẩm hoàn thiện hơn. Và Ngô Thái Uyên là người tôi cần. Uyên tuy được biết nhiều với vai trò nhà thiết kế thời trang nhưng với khả năng sáng tạo dồi dào của mình, chị đã giúp nhấn mạnh, làm nổi bật sản phẩm nội thất giả cổ.
Bài: An Hội
Ảnh: Gem Visual
Trang phục: One of a Kind