Great Gatsby – Mãi chỉ là “đại gia”

 

Phải mất 1 năm trời trăn trở chọn tiêu đề ưng ý cho tác phẩm của mình, nhưng với tác giả F. Scott Fitzgerald, cái tên “The great Gatsby” mới chỉ ở mức tạm được (“The title is only fair, rather bad than good”). Khi được chuyển ngữ sang tiếng Việt, tác phẩm cũng đã gây ra những tranh luận xung quanh hai cách dịch tiêu đề (“Gatsby vĩ đại” và “Đại gia Gatsby”). Liệu Gatsby có thực sự “vĩ đại” hay chỉ là một “đại gia”?

Có bốn kiểu khán giả đi xem “The great Gatsby” phiên bản 2013. Nhóm thứ nhất là những người mong muốn thỏa mãn hình dung của bản thân về cuốn tiểu thuyết bằng điện ảnh. Nhóm thứ hai là những người đã đọc truyện nhưng chủ động gạt bỏ kỳ vọng sang một bên để tránh thất vọng – một điều rất thường xảy ra với các tác phẩm chuyển thể. Nhóm thứ ba là những người chưa đọc truyện nhưng cũng ít nhiều biết tới tác phẩm kinh điển này. Nhóm thứ tư là những người hoàn toàn chưa có ý niệm gì về Gatsby hay Scott Fitzgerald.

Với một “Gatsby” như của Baz Luhrmann, may mắn sẽ thuộc về nhóm thứ tư và cảm giác hụt hẫng sẽ đến với nhóm thứ ba. Không hoàn toàn thỏa mãn có lẽ sẽ là ấn tượng của nhóm thứ hai. Và bực bội là cái gần như chắc chắn sẽ chờ đợi nhóm thứ nhất. Nhóm thứ tư may mắn vì họ sẽ xem “Gatsby” như xem một cuốn phim Hollywood thông thường và sẽ thấy nó không tệ chút nào: có hình ảnh rực rỡ, có nữ tú nam thanh, và bi hài đủ cả. Nhóm thứ ba sẽ nhíu mày: tác phẩm được tung hô là kinh điển gần trăm năm nay mà có vậy thôi sao? Nhóm thứ hai, do tỉnh táo vứt lại ở nhà mọi kỳ vọng, sẽ tự an ủi rằng chuyển thể một tác phẩm cỡ “Gatsby” là việc chẳng dễ dàng gì, và như thế là khá rồi. Người viết bài này, dù tới rạp với tâm thế của nhóm thứ hai, nhưng lại có cùng tâm sự với nhóm đầu tiên khi bước ra khỏi phòng chiếu.

Những người quen thuộc với Baz Luhrmann đều biết rõ một điều, điểm yếu của ông là sến. Nhưng nếu cái sến đó khá dễ thương ở “Romeo & Juliet”, khá hợp lý với một phim ca nhạc kiểu “Moulin Rouge”, khá nhạt nhẽo trong một sử thi nửa mùa như “Australia”, thì nó lại thành phản chủ khi đem áp dụng cho “Gatsby”.

Điều khiến “Gatsby” trở thành bất hủ chính là những mạch ngầm chảy sâu dưới những dòng văn chừng mực, tiết chế, khoan dung mà cũng đầy đau xót của Nick Carraway, hay nói cách khác, của chính Fitzgerald. Và đây cũng chính là điều mà Luhrmann, lạc lối giữa biển cả phù hoa của kiến trúc, đại cảnh, và trang phục, đã bất lực trong việc tái hiện lên màn ảnh.

Cũng như “Gatsby” của Fitzgerald, thất bại vì không hiểu được cái cốt lõi của xã hội Mỹ thời Jazz Age, “Gatsby” của Luhrmann thất bại do không thấu triệt được cái tinh thần phản tỉnh của Nick Carraway. Vốn xuất thân gia thế, Nick kể về thế giới phồn hoa của Gatsby với con mắt của một người-trong-cuộc-ưu-thời. Nhưng Luhrmann đã biến Tobey Maguire thành một anh giai làng choáng ngợp và phần nào mê mẩn giấc mộng phong lưu miền West Egg, và qua đó tước đi của Nick sự cân bằng, tỉnh táo, và xót xa của một kẻ chính-trực-cô-đơn.

Công bằng mà nói, Leonardo DiCaprio và Carey Mulligan là hai lựa chọn khó có thể chính xác hơn cho Jay Gatsby và Daisy Buchanan. Sau Howard Hughes trong “The Aviator”, đây là bi kịch triệu phú thứ hai của Leo, và người ta dễ dàng cảm thấy cái ảo vọng kỳ vĩ được chiếm hữu tất cả, bao gồm tình yêu, ở Gatsby. Carey sở hữu vẻ đẹp thiên phú cho những vai diễn nhuốm màu hoài cổ, và cô hiện lên đúng như một nàng búp bê của điện ngọc cung vàng, đẩy gã lãng tử Gatsby đến con đường tự diệt.

Nhưng dù Leo hay Carey cũng không thể cứu vãn được cái nông cạn trống rỗng của bộ phim, nhất là nửa đầu. Luhrmann đương đại hóa một tác phẩm kinh điển bằng âm nhạc và cải lương hóa câu chuyện bằng những màn dàn dựng ca vũ hết sức hoành tráng, mà không ý thức được rằng chính những thứ đó lại tầm thường hóa tấn bi kịch của Gatsby. Thật khó mà tin được Tom Buchanan và Gatsby lại có thể xử sự như hai con gà trống tốt mã, bằng cách trình diễn một màn đua xe kiểu “Fast and Furious”, trong khi những buổi tiệc tùng xa hoa tại tư dinh chàng triệu phú trẻ lại mang đậm màu sắc sân khấu kiểu “Moulin Rouge”. May thay, khi câu chuyện bước sang nửa sau, tông bi kịch đã lấn át bản năng sến của Luhrmann, và màn trình diễn của Leo đã vãn hồi được phần nào phẩm giá của “Gatsby”. Trong những phút cuối cùng, ta có thể le lói thấy ở Gatsby hình bóng của Icarus, kẻ mải miết bay về phía mặt trời (với Gatsby, đấy là ngọn đèn xanh ở cầu tàu nhà Daisy) bằng đôi cánh sáp, để rồi cuối cùng rơi xuống biển khơi vì sự mê muội của chính mình. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, và “Gatsby” của Luhrmann sẽ mãi mãi chỉ là một “đại gia”, mà chẳng thể nào trở thành “vĩ đại”.

Bài: Nham Hoa


From the same category