Nếu bạn tới Hà Nội, và tóm lấy một kẻ có chút liên quan đến văn hóa văn nghệ, hỏi:
– Ai nổi tiếng nhất vùng này?
Thế nào cũng được nghe trả lời:
– Dạ thưa, cụ Rùa!
Sau đó hỏi tiếp:
– Kẻ nào đẹp trai nhất?
Nhất định sẽ được trình bày:
– Thưa, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên!
Tiếp theo là câu hỏi cuối cùng:
– Ai điên nhất thủ đô?
– Dạ thưa, Hoàng Hà Tùng!
Vậy Hoàng Hà Tùng là ai? Một doanh nhân? Một lái xe ôm? Một giáo sư hay một tên buôn ma túy?
Tất cả đều sai, đó là họa sĩ Hoàng Hà Tùng.
Đấy là nói một cách trịnh trọng, mà xưa nay người ta hay nói một cách trịnh trọng trong hai sự kiện quan trọng nhất của đời người: Đám cưới và đám tang.
Đám tang Tùng chắc phải cả trăm năm nữa thiên hạ mới hy vọng chứng kiến vì anh rất khỏe, còn đám cưới đã trở thành huyền thoại.
Tại sao huyền thoại? Tại vì phái đoàn nhà trai đi qua nhà gái một cách hùng hổ, do một họa sĩ đàn anh cầm đầu, với khẩu hiệu đưa cho cô dâu “Cưới hay là chết” (chứ không phải “Cưới ngay kẻo lỡ”). Và mẹ vợ có hai lần choáng váng, một là khi nhìn thấy phù rể Bùi Thạc Chuyên, hai là khi nhìn thấy Hoàng Hà Tùng. Hai vẻ đẹp đó quá xung đột, quá khác nhau, đều tuyệt mỹ cả.
Nhưng tất nhiên, làm nghệ sĩ chả ai nổi nhờ đám cưới, cũng chả ai nổi nhờ ly dị. Họa sĩ Hoàng Hà Tùng nổi về vẽ tranh.
Về tranh của Tùng hiện nay có hai luồng dư luận dữ dội. Một phe bảo rằng không có giá trị hơn giấy gói hàng. Một phe tin chắc đấy là những sản phẩm kiểu Picasso. Phe nào cũng đông người nhưng hôm nay nhiều kẻ thì thầm là muốn giàu có hãy làm gấp hai việc: mua chứng khoán và mua tranh Hoàng Hà Tùng.
Tùng có ngoại hình và tác phong cực kỳ giống một thiên tài. Anh vừa để râu, vừa có tóc bạc vừa hói lại vừa bù xù. Anh uống rượu nhiều, tắm giặt ít và có khả năng sáng tác lung tung. Lung tung là thế nào? Nếu Picasso có thể vẽ lên nắp thùng, lên vỏ bao thuốc lá thì Tùng có thể vẽ trong lúc say, trong một dịp tạt qua nhà ai đó hoặc trong một đêm vạ vật ở những địa điểm khả nghi. Nếu Huế giỏi về màu tím, Thanh Bình giỏi về màu trắng, Lưu Trọng Lư giỏi về màu vàng có con nai thì Hoàng Hà Tùng giỏi về màu đỏ.
Tùng Điên là một kẻ uống nhiều. Gần như một trăm phần trăm cú điện thoại anh gọi cho bạn bè được thực hiện khi đang ngồi cạnh chai rượu. Mở máy lên là thấy “tao đang uống với…” chứ chả khi nào “tao đang thảo luận với, tao đang nghiên cứu với hoặc tao đang tính toán với…”. Nếu có kẻ nào khoe “tao đang đứng trong triển lãm với…” thì kẻ đó không phải Hoàng Hà Tùng.
Đã một thời, hễ nghệ sĩ Sài Gòn từ Bắc trở về Nam, nách trái cắp bánh cốm, thì nách phải cắp cục gì dài dài. Hỏi ra đó là tranh Hoàng Hà Tùng. Anh tặng lung tung khắp cả nước. Nhưng gần đây anh đã tỉnh ra, anh không tặng nữa, mà bán rẻ. Rẻ là bao nhiêu? Như trên đã nói, tranh của Hoàng Hà Tùng là một ẩn số. Chỉ những kẻ nhanh trí, có niềm tin vào sức mạnh sâu xa của nghệ thuật và có hy vọng đổi đời một cách bất ngờ mới thu thập tranh của Tùng Điên.
Tùng Điên có thời kỳ vẽ như điên. Anh là tác giả của bức tranh sơn mài lớn nhất Việt Nam, theo lời anh tự xếp hạng. Để vẽ nó, Tùng dùng hết một trăm mét khối gỗ, hai ngàn ký sơn, ba chục ký vàng bạc nguyên chất và một giọt mồ hôi, năm ngàn lít rượu. Bức tranh ấy không bao giờ trưng bày toàn bộ vì chả lẽ vì tranh người ta lại xây một bức tường, do đó nó vẫn rải rác trong các tụ điểm văn hóa, khúc nọ khúc kia. Theo Tùng, cứ mang tranh anh ra, cưa mảnh nào thì mảnh ấy cũng hoàn chỉnh.
Do đó, toàn thế giới sẽ chỉ mình Tùng bán tranh như… bán vải. Có nghĩa là ở chợ tranh, anh cầm cái cưa, thiên hạ mang tiền đến, tùy tiền ít tiền nhiều mà anh cắt cho mảnh tranh to hay nhỏ. Kỳ lạ là mảnh nào cũng có bố cục hoàn chỉnh. Đấy là bà con đồn thế chứ tôi không tin vì Tùng có khả năng hoặc bán hai triệu đô hoặc mang tranh chất thành ván lát tường, chứ không bán lẻ.
Tùng còn hay làm họa sĩ trang trí sân khấu. Mở màn ra, nếu cái gì như sắp đè chết diễn viên, như đâm vào tim khán giả và như những mảng vỡ được khâu lại với nhau bằng chỉ tơ tằm thì đó đích thị là trang trí của Hoàng Hà Tùng. Nếu phim có cấm trẻ em dưới 16 tuổi thì trang trí của Tùng nhiều khi cấm giám khảo trên 50 tuổi vì xem nhiều có thể gặp ác mộng.
Chữ Tùng Điên luôn khuyên dùng là chữ “tao”. Đến lúc chết, có thể bạn bè anh không nghe được anh nói “tớ”, càng không hy vọng gì nghe anh xưng “tiểu đệ” hoặc “mình”, cũng chưa khi nào thấy Tùng gọi ai là “ngài”.
Ở Tùng Điên có một cái gì rất Hà Nội. Bừa bãi một tí, chân thành một tí, lăng nhăng một tí, huyên thuyên một tí, nghĩa hiệp một tí và thực dụng một tí. Nếu như Từ Hải “gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” thì Hoàng Hà Tùng giá vẽ bên nách trái, chai rượu bên nách phải, em út trong túi quần, vợ con trên đầu, còn túi tiền nhét trong bít tất (lưu ý: bít tất không giặt thường xuyên).
Ra Hà Nội gặp cụ Rùa mà không gặp Tùng Điên thì coi như đã phí tiền vé!
Bài: Lê Hoàng
Minh họa: Nha Đam