1. Tôi là người mê mùi hương, và bị mùi hương ám ảnh.
2. Những năm mới giải phóng, thứ người Sài Gòn hằng ao ước là quần jeans áo pull do thân nhân hay bạn bè gửi từ ngoại quốc về, kèm trong thùng hàng thế nào cũng có vài bánh xà phòng. Khứu giác lâu ngày không được thử thách, thay vì tê liệt lại trở nên nhạy cảm hơn, hay mượn ý một nhà văn, ở xứ nhiệt đới mùi khuếch tán mạnh, đa dạng, phong phú và đặc thù, thơm thì năm bảy đường thơm và hôi cũng mấy mươi loại hôi chẳng giống nhau.
Mùi thơm mấy bánh xà phòng trong thùng quà không làm nên cái mà người Sài Gòn gọi là “mùi Mỹ”, mà kể cũng lạ, kẻ tặng quà từ xứ sở xa xôi ngoại quốc cũng chẳng nhận ra món quà mình gửi có mùi gì, thấy người nhận ca ngợi (không phải ca ngợi cái quần jeans chiếc áo pull) mà không thể hiểu. Mùi Mỹ. Mùi thùng đồ ngoại. Nó thơm dìu dịu, ám vào cả giấy gói, cả cái nhãn quần, ám vào cả bức thư viết tay non trang giấy gửi kèm trong thùng quà. Mùi vô định hình. Mùi không tên. Chỉ biết rằng nó thơm, thơm vào trong giấc ngủ.
Sau này tôi để ý tìm hiểu, mới biết đó chẳng qua là mùi chất khử trùng, bảo quản mà nhà bưu điện tẩm hay xịt vào hàng hóa; họ dùng hóa chất có mùi hương dễ chịu (khác với xứ mình, vào kho DHL năm phút là xây xẩm mặt mày) và đặc trưng (chắc ký hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp), về đến Sài Gòn giữa lúc Sài Gòn nhàn nhạt không mùi, thì thành một ấn tượng. Thế hệ cha mẹ tôi nhận biết, thế hệ tôi còn nhận biết, con tôi chẳng ngửi thấy gì, vậy thì không lo “mùi Mỹ” hóa ám ảnh truyền đời.
Trở lại chuyện mấy bánh xà phòng thơm. Hồi đó, chuộng nhất là các hiệu Camay, Dove, Dial, Zest. Thời buổi hôm nay vào siêu thị ta chẳng thèm liếc mắt lên kệ xà phòng, thời nay là thời của sữa tắm muối tắm, chuyện xà phòng bánh là chuyện thế kỷ trước rồi. Rủi thay, thời niên thiếu tôi rơi đúng vào chỗ trũng của thế kỷ trước, thời kỳ Xà Phòng Thơm. Tiêu chuẩn giáo viên của mẹ tôi chỉ được mua xà phòng nội địa chế bằng nước tro mùi khăn khẳn, rửa tay xong có cảm giác tay còn dơ hơn chưa rửa, chơi đàn xong mà động vào bánh xà phòng thì tay rộp lên đỏ tấy.
Hồi ấy, năm học lớp Bảy, tối nào tôi cũng vừa học bài vừa đảm trách việc bắt vòi cao su câu nước từ nhà bên cạnh. Một tối, trong cái quầng sáng lờ mờ của đèn dầu chập choạng, tôi sáng mắt trông thấy ngay bánh xà phòng của nhà chủ cho câu vẫn còn để trên sàn nước, ai đó vừa tắm gội (thời tôi kể, người ta gội đầu cả bằng xà phòng bánh) quên cất. Nhìn quanh quất không thấy ai, tôi cầm bánh xà phòng lên, Camay, Camay nhãn đen (người ta dùng xà phòng không vứt vỏ bao để giữ cho khỏi hư hao), tôi trút nó vào lòng tay, mân mê, mặt mũi đờ đẫn, chẳng biết kẻ tham động vào kho ngọc quý có run rẩy khát thèm như tôi không, rõ ràng là tôi bị chấn động. Chấn động. Rồi cứ thế đem hai bàn tay thơm lừng đi ngủ, giấc ngủ cũng thơm lừng và bài học sáng hôm sau trên lớp tỏa ra mùi Camay.
3. Chúng tôi thời đi học dùng vở giấy xấu, giấy tái chế tái sinh mấy mươi bận, nâu xỉn, đầy những xơ rác và rất hôi. Mực cũng hôi. Đôi lần nghỉ học vì bệnh, phải mượn vở bạn chép bài, tôi thường mượn L.A., cô bạn thanh thoát như một mầm cây, cô bạn luôn tỏa ra mùi hương dìu dịu từ mái tóc, cô bạn có những cuốn vở Cogido kẻ dòng xanh, vở Olympic viền đen ở gáy được gia đình tích trữ, cô bạn viết tay trái bằng bút Parker mực Quink. Mượn vở chép bài chỉ là cái cớ để nhìn ngắm, hít thật sâu đáy phổi cái mùi giấy mùi mực thơm tho đó.
Ôi mùi hương tuổi thơ.
Có bao giờ bạn biết đến mùi hương của những sợi dây đàn? Hồi bé tập guitar, tôi dùng dây Việt Nam. Lỡ đứt vài sợi, thì tìm cách nối lại và lên dây thấp xuống để bớt độ căng. Không bao giờ đủ tiền (tiền cha mẹ) để thay nguyên bộ dây mới. Phải đến một dịp trọng đại khi tôi được tuyển thẳng vào lớp Mười, một người bác ở Canada mới gửi về tặng hai bộ dây La Bella. Và đó là lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra cây đàn của mình thơm, những dây đàn rung thơm và những đầu ngón tay cứ thơm thoang thoảng mãi. Lần đầu tiên trong đời tôi biết những nốt nhạc, những âm thanh cũng tỏa hương.
Bố tôi mất đi, “di sản” dành cho đứa con độc nhất của ông là chiếc bật lửa Ronson, chiếc đồng hồ Seiko quân đội, lọ nước hoa có bơm bóng cao su, chiếc bút máy và cuốn agenda ghi dở dang. Tất cả được mẹ tôi lưu giữ trong chiếc hộp các tông đỏ loại kéo ra đẩy vào vốn dùng để đựng ảnh in phóng khổ lớn. Lúc mở hộp, một mùi hương xưa cũ, mùi của quá khứ, xộc lên. Chiếc bật lửa, đồng hồ, giờ tôi lấy ra dùng bao nhiêu lâu, vẫn cứ ám mùi quá khứ đó không phai nhạt. Lạ lùng. Cứ như thể bố tôi vẫn hiện hữu, trên cõi đời này, cạnh tôi. Hằng bấy nhiêu năm.
Thơm như tình yêu của nàng.
Quốc Bảo