Và cùng trong năm 1962 đã xuất hiện những Bob Dylan, The Beatles, The Rolling Stones…
Tất cả những ban nhạc trẻ ra đời ở Anh sau cột mốc 10/4/1970 – thời điểm The Beatles tan rã – đều ấp ủ giấc mộng trở thành một “The Beatles mới”, từ Blur, Oasis đến Take That… và mới gần đây là One Direction. Nhưng chỉ có duy nhất một nhóm The Beatles được gọi là Fab Four (Tứ quái tuyệt vời).
Ai đã “đánh mất The Beatles”?
Cách nay 50 năm, ở Anh, ngày đầu năm mới chưa phải là ngày lễ công cộng, mọi người được nghỉ việc, sinh viên học sinh không phải đến trường. Cho nên vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày 1/1/1962 có bốn chàng trai phải có mặt trong một phòng ghi âm tại London, cố đàn hát thật hay với hy vọng sẽ ký được hợp đồng với hãng đĩa Decca Records. Đó là Paul McCartney, John Lennon, George Harrison và Pete Best (chơi trống), những bạn trẻ dựng nên The Beatles từ năm 1960 (thành viên Stuart Sutcliffe bỏ nhóm năm 1961).
Người dàn xếp cho nhóm cơ hội trổ tài cho các giám đốc hãng đĩa xem nghe thử là Mike Smith, giám đốc A&R ở Decca và là người có quen biết với Brian Epstein, ông bầu mới chỉ bắt đầu làm việc với The Beatles trước đó một tháng. Brian đã nhận biết tài cán của The Beatles sau lần đầu tiên xem họ diễn trong The Cavern Club ở thành phố cảng Liverpool hồi tháng 11/1961.
Khi ấy Brian quen gọi The Beatles là “các chàng trai”. Hôm 31/12/1961, ông đã dặn dò họ phải dành sức để biểu diễn thật xuất sắc mới mong có được hợp đồng nhưng vì còn rất trẻ, mới ở cuối tuổi teen, đầu tuổi đôi mươi nên The Beatles đã cùng nhau đón mừng năm mới trên quảng trường Trafalgar Square thật vui vẻ. Họ chỉ trở về phòng (thuê với giá rất bèo 27 shilling/đêm, đã bao gồm cả bữa điểm tâm) ở khách sạn Royal lúc 4 giờ 30 phút sáng.
Vài tiếng sau, chưa hồi phục, giọng khàn đặc vì khói thuốc và men rượu, The Beatles phải tập trung cao độ mới ghi âm được 15 ca khúc, đúng theo danh sách chọn lựa bởi Brian Epstein, trong đó có 12 bài cover các sáng tác trứ danh của những nghệ nhân blues Mỹ Chuck Berry, Buddy Holly… Sau đó, trong tâm trạng lạc quan tin rằng chắc chắn sẽ được mời ký hợp đồng, họ trở về khách sạn chúc mừng nhau với rượu rum, whisky và nước ngọt Coca-Cola. Và rồi chuyến tàu đường sắt lại đưa họ về quê nhà ở Liverpool.
Đầu tháng 2/1962, Brian nhận tin buồn từ Decca, The Beatles bị từ chối, hợp đồng ghi âm sẽ được gửi đến cho Brian Poole and the Tremoloes, một nhóm bạn trẻ khác đã đàn hát thử ngay sau khi The Beatles đã rời khỏi Decca hôm đầu năm mới. Brian vội vã trở lại London tìm gặp Giám đốc Dick Rowe để thuyết phục Decca Records đừng bỏ qua The Beatles. “Tôi hoàn toàn tin rằng các chàng trai của tôi sẽ nổi tiếng hơn Elvis Presley, hãy cho họ cơ hội”, Brian đã nói với ông Rowe như thế nhưng câu trả lời vẫn là “Không”.
Và vì vậy, trong sách sử nhạc pop thời hiện đại, Dick Rowe được biết là người đã tự đánh mất The Beatles vì đã không nhìn xa trông rộng khi cho rằng “những ban nhạc trẻ chơi guitar đang trên đường đào thải”.
Nhưng Brian Epstein vẫn rất tin tưởng The Beatles và chính The Beatles cũng rất tự tin. Họ thể hiện niềm tin nơi chính mình không phải qua cách thể hiện mình là những ngôi sao mà bằng cách chơi nhạc hết mình, theo ý của mình. Bền bỉ xuất hiện đàn hát ở các bar, club từ tối đến hừng đông, The Beatles dần trở thành một “boy band” được mọi cô gái yêu mến, hết lòng cổ vũ. Những năm 50 chứng kiến sự bùng phát của nhạc rock’n’roll từ Mỹ tràn qua đã trở thành câu chuyện của ngày hôm qua, giới yêu nhạc đang chờ đón một làn sóng âm thanh mới và The Beatles tin mình chính là ban nhạc mang đến thứ mọi người đang mong đợi.
Thời cơ tỏa sáng
Thực tế là thời cơ đã đến với Paul, John, George và Pete. Vì tại Mỹ, Elvis Presley vừa mới hết thời gian quân ngũ đã vội ào vào những dự án phim không thực sự gây được ấn tượng mạnh. Buddy Holly đã vĩnh viễn ra đi. Eddie Cochran cũng vậy. Còn Little Richard chưa có thêm ca khúc thành công lớn nào kể từ sau năm 1958. Chuck Berry đã bị kết án tù còn Jerry Lee Lewis bị hoen ố thanh danh sau vụ thành hôn với một cô gái vị thành niên.
Tại Anh, phong trào nhạc skiffle, một sự pha trộn giữa folk và jazz với ngôi sao sáng nhất là Lonnie Donegan, đã bắt đầu cạn lực hấp dẫn trong khi một loạt những tài năng khác chuyển hướng chơi nhạc rhythm and blues Mỹ. Chính những Manfred Mann, John Mayall, Cyril Davies, Graham Bond, Alexis Korner… đã là nguồn cảm hứng đầy ảnh hưởng cho sự ra đời của các nhóm nhạc trẻ Anh như The Rolling Stones, The Animals, The Yardbirds, The Pretty Things.
Và những nhóm này xem The Beatles không khác gì một “mặt hàng thời trang” nhất thời thu hút các thiếu nữ ít hiểu biết về nhạc, không sành điệu thưởng thức nhạc trẻ hiện đại. Họ cho rằng The Beatles nổi lên và sẽ sớm tàn, một ngôi sao xẹt ngang, chỉ vậy thôi. Rồi The Rolling Stones dần trở thành đối thủ nặng ký số một của The Beatles sau khi ghi âm lần đầu cũng trong năm 1962. Nhưng chính nhờ sự thúc bách của George Harrison mà giám đốc Dick Rowe của hãng Decca Records đã ký hợp đồng với The Rolling Stones vào năm 1963.
Tại Mỹ, tháng 3/1962, album đầu tay của Bob Dylan được tung ra nhưng doanh thu thấp đến mức phải chịu mang danh “Sự điên rồ của Hammond”. Vì John Hammond, một chuyên gia phát hiện tài năng chính là người đã kéo Bob Dylan về với hãng đĩa Columbia Records. Tuy nhiên nhật báo The New York Times đã sáng suốt nhận thấy nơi Bob Dylan là một “nguồn cảm hứng sáng tạo tinh chất chắc chắn sẽ thăng lên rất cao mà không cần biết đã xuất phát từ đâu, chịu ảnh hưởng nào”. Khi ấy Bob Dylan đã sáng tác và đàn hát những ca khúc Blowin’ in the wind, A hard rain’s a-gonna fall mà dần trở thành một ngôi sao trong làng nhạc folk.
Để đạt được vị trí nhóm nhạc pop số một thế giới, từ tháng 2/1962, theo chỉ bảo của ông bầu Brian Epstein, The Beatles đã bắt đầu “lột xác”. Trước nhất là cởi bỏ chiếc áo da đen mà khoác lên mình bộ veston đen. Họ cũng phải tập bỏ thói quen văng tục, chửi thề, ăn uống nhồm nhoàm và hút thuốc ngay trên sân khấu. Brian cũng đưa băng ghi âm The Beatles trong studio của Decca Records cho nhà sản xuất George Martin ở nhãn đĩa Parlophone, thuộc hãng EMI, nghe thử.
Những nỗ lực của Brian dần sinh trái ngọt. Tháng 4/1962, The Beatles phải đến Hamburg, Đức biểu diễn suốt 7 tuần và lần đầu tiên họ có đủ tiền để mua vé máy bay, không phải đi bằng đường bộ và đường sắt như trước. Tháng 6 năm ấy, Brian dàn xếp được cuộc hẹn với ông Martin. The Beatles sẽ đàn hát và ghi âm, hợp đồng cũng được soạn sẵn để nếu như ông Martin thích thì The Beatles sẽ về đầu quân ngay cho hãng EMI. Đúng ngày hẹn, The Beatles trình bày ba sáng tác của mình, gồm “Love me do”; “P.S. I love you”, “Ask me why” và bài tình ca trứ danh “Besame Mucho”. Ông Martin cười vui, đồng ý ký hợp đồng.
Tuy nhiên sau cuộc gặp định mệnh ấy, nhà sản xuất này đã bảo Brian nên loại Pete Best khi The Beatles chính thức ghi âm vào ngày 6/9/1962. Trước đó, Paul, John và George cũng từng nghĩ đến điều này vì Best không “cháy” với nhạc như họ, thậm chí anh ta còn không chịu để tóc theo đúng kiểu The Beatles. Pete Best phải ra đi và người được mời thay chỗ của anh là Ringo Starr, tay trống của Rory Storm and the Hurricanes, một nhóm đối thủ của The Beatles tại Liverpool.
Lên đài vinh quang
Đĩa “Love me do” được tung ra ngày 5/10/1962 với mặt sau là bài “P.S. I Love you” nhưng chỉ lọt vào Top 20 ở Anh. Ngày 26/11, The Beatles lại vào studio ghi âm bài “Please please me”. Đó là single đầu tiên của Tứ Quái giành được vị trí số một trên bảng xếp hạng đĩa bán chạy nhất tại Anh. Tháng 3/1963, đến lượt album “Please please me” cũng leo lên đỉnh cao ở Anh. Các fans bắt đầu gọi The Beatles là “Fab Four”, bốn chàng tuyệt vời.
Nhưng để được danh hiệu này, các chàng trai đã phải lao động cật lực. Họ rất chăm chỉ, rất cố gắng, không dễ dàng bằng lòng với những gì đã thử, đã làm. Những người đã có may mắn làm việc với nhóm này từ buổi ban đầu kể rằng, The Beatles không khác gì những chàng học sinh siêng học, cần mẫn. Dưới sự chỉ huy của nhà sản xuất Martin, họ đã kiên nhẫn đàn hát, ghi âm suốt 12 tiếng, nhưng ông Martin chưa hài lòng, cảm thấy vẫn còn thiếu một bài thật hay để có thể đẩy đĩa này lên cao.
Vì thế ông đã kéo Paul, John, George và Ringo vào căng-tin trong studio ở Abbey Road “uống ly cà phê cuối ngày”. John bị rát cuống họng nên gọi ly sữa ấm. Họ quyết định liều cover “Twist and Shout”, một ca khúc rất thành công hồi năm 1962 của The Isley Brothers, một boy band gia đình ở Cincinnati, Mỹ. Sau đó, mọi người trở vào phòng ghi âm số 2 khi đồng hồ đã chỉ 10g30 đêm. Paul, Ringo và George hiểu rằng John – lúc đó đã rất mệt mỏi, cởi áo, để ngực trần chơi đàn – sắp tắt tiếng, cần phải đàn hát ghi âm hoàn chỉnh ngay. Và họ đã đạt được mục tiêu.
Sang đến năm 1964, ngày 17/1, The Beatles biểu diễn trong nhà hát Olympia ở Kinh thành tráng lệ Paris. Đầu tháng 2/1964, “I want to hold your hand” bắt đầu chuỗi 7 tuần liền xếp hạng nhất tại Mỹ (trong 2 tuần đầu, bán được 1 triệu bản). The Beatles đã khởi đầu “British Invasion”, cuộc xâm lược Mỹ quốc bởi những tài năng nhạc trẻ xuất phát từ nước Anh. Xuất hiện trong The Ed Sullivan Show ngày 9/2/1964, The Beatles đã thu hút 72 triệu khán giả truyền hình, một kỷ lục vào thời ấy.
Trong thời gian từ 1948 đến 1971, show tạp kỹ của nhà sản xuất lưng gù này luôn là một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất tại Mỹ và hầu như mọi nghệ sĩ tài hoa đều phải có lần đứng cùng sàn quay với ông Sullivan, từ Vua rock Elvis Presley đến những Aretha Franklin, Diana Ross and the Supremes, The Doors, The Jackson Five, The Rolling Stones, The Temptations, Stevie Wonder… Nhưng ông Ed Sullivan có thể sẽ không biết đến The Beatles nếu như không có lần bay đến London, hạ cánh xuống sân bay Heathrow vào cuối năm 1963.
Hôm ấy, hàng ngàn cô gái, chàng trai đã bu kín nhà ga để đón The Beatles trở về từ Stockholm, nơi họ đến thu hình cho một show truyền hình. Nhận thấy The Beatles có lực hút mạnh như Elvis Presley hồi những năm trước đó, Ed Sullivan đã gặp ông bầu Brian Epstein và ngỏ ý mời The Beatles diễn trong một show của ông. “Tôi đồng ý trả thù lao rất cao”, ông nói, nhưng Brian đưa ra đề nghị khác: The Beatles sẽ nhận khoản thù lao khiêm tốn nhưng sẽ được biểu diễn trong ba show liên tiếp.
Hai tháng sau, vào ngày 4/4/1964, The Beatles lập kỷ lục còn đứng vững mãi đến ngày nay, đó là cùng trong một tuần có 5 ca khúc chiếm trọn 5 vị trí đầu bảng xếp hạng Billboard những đĩa đơn bán chạy nhất tại Mỹ: “Can’t buy me love”, hạng nhất; Twist and Shout, hạng hai; She loves you, hạng ba; I want to hold your hand, hạng tư và “Please please me”, hạng 5. Chắc chắn nhóm One Direction mới đây có album đầu tay “Up all night” vừa mới phát hành đã nhảy ngay vào vị trí hạng nhất Billboard 200 ở Mỹ không thể có được thành tích như The Beatles.
Ngày 28/8/1964, The Beatles lần đầu gặp Vua Folk Bob Dylan trong Delmond Hotel ở New York và ngày 15/8/1965, lập kỷ lục thu hút 56.000 khán giả vào sân vận động Shea Stadium ở thành phố New York.
Ba thập niên sau ngày tan rã, The Beatles lại gây tiếng vang lớn: Album 1 thu thập 27 ca khúc hạng nhất của họ tại Anh và Mỹ (từ “Love me do”, năm 1962 đến “The Long and winding road”, năm 1970) được phát hành vào tháng 11/2000 và đến nay đã bán được hơn 31 triệu bản.
Là người yêu thích pop, rock, tôi chắc bạn cũng có đĩa này trong tủ đĩa ở nhà!
P. Nguyễn Dũng