“Không khen – chê gì Đức Tuấn thời điểm này”

Tôi thực hiện đồng thời ba album vào cuối năm 2005: “Yêu trong ánh sáng” của Đức Tuấn, “Thuy-Tiên II” của Thủy Tiên và “14M-2222” của Hồ Quỳnh Hương. 

Cảm nhận chung chung khi làm việc là Hương khá nhất, chuyên nghiệp nhất, thông minh nhất; Tiên còn vụng dại bỡ ngỡ trước một studio mới; Tuấn “gồng” và khó khăn nhất. Dĩ nhiên bảy năm qua, ba người trên có thể khác đi ít nhiều.

Tôi chỉ gặp và trò chuyện lần đầu với Tuấn vào mùa hè 2005 qua giới thiệu của người bạn cũ, nhà thơ F.

Thật ra khá lâu trước đó, tôi có trông thấy Đức Tuấn ở hậu trường nhà hát Bến Thành, nơi tôi dàn dựng một chương trình từ thiện ủng hộ lũ lụt Huế, và Tuấn đến không phải tham gia show mà để gặp ai đó, khi cậu vừa đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình. Tôi trông thấy một hình ảnh sáng, trẻ trung tươi mới, hơi làm dáng kiêu kỳ và gây chú ý trong đám đông. Thì cũng chẳng hại gì, nhất là không liên quan gì đến mình!

Gặp mặt, nói chuyện trực tiếp, thì lại thấy Tuấn là kẻ biết mình biết người, giấu kín tham vọng và khá vui tính. Làm album “Yêu trong ánh sáng” cho Tuấn, tôi không muốn làm gì khó khăn quá tầm của cậu. Chỉ tập hợp những bài dễ, có giai điệu đẹp, cấu trúc cân phương, hòa âm giản dị. Những khái niệm “sang trọng” như “crossover” hay “semi-classical” gì đó, tôi nghĩ hợp với một giọng kinh viện thực sự như Nam Khánh (cựu thành viên AC&M) hơn là Tuấn.

Theo tôi, nên đặt Tuấn vào vị trí một người hát tài tử nhiều đam mê, thà tài tử thật còn hơn chuyên nghiệp giả. Người ta không thể ngủ một giấc thức dậy là thành Luciano Pavarotti và cho dù một đêm có thể khiến ta mù bất ngờ như Andrea Bocelli, thì mù dễ chứ kỹ thuật thanh nhạc và kiến thức âm nhạc vẫn phải ngốn của ta mười năm đèn sách. Tuấn là một giọng hát trẻ tài tử, phát âm còn nhiều lỗi và ưu điểm lớn nhất là một làn hơi đầy, khỏe khoắn, vang xa. Hát có tình. Có lòng. Cảm xúc bộc lộ có khi tự nhiên chủ nghĩa quá, kiểu như “nhớ” thì phải nấc nghẹn, “thương đau” thì phải rên rỉ, “yêu” thì phải chun môi tạo hình nụ hôn. Nhưng có tình có lòng, không trơ lỳ, không vô cảm, với tôi, thế cũng là đáng quý. Vậy nên, theo tôi, “Yêu trong ánh sáng” là đĩa vừa ý tôi, vừa sức Tuấn.

Bảy năm qua rồi, chắc hẳn Tuấn tiến bộ. Tuấn là người chịu khó rèn luyện, không phải dạng lười biếng. Thấy đi học Tây học Mỹ rất siêng (những điều này tôi nghe nói lại, còn thì, tôi không để ý theo dõi và cũng không có dịp nào làm việc chuyên môn với cậu kể từ album nói trên), thấy làm show hoành tráng và hát nhạc kịch ầm ầm. Âu cũng quý! Bởi chúng ta còn thiếu loại hình ấy, có người mở đường như Tuấn biết đâu sau này ta không có một tiểu đội nối dõi tông đường thì có phải may mắn lắm không, để mà Saigon thành Broadway và tôi có dịp diện smoking ngồi ghế lô xem hát…

Tôi không khen không chê gì Tuấn vào thời điểm này, thời điểm lỡ cỡ, khởi nghiệp chẳng phải mà kết nghiệp thì chưa. Mong cậu phát triển tột bậc để đạt được tham vọng của mình…

“Con khỉ đầu tiên đi bằng hai chân, thể nào cũng bị đồng loại phê bình, họp kiểm điểm mạnh lắm. Cũng như cái anh đầu tiên nghĩ tới việc đi xe đạp, khác hẳn việc cưỡi ngựa hoặc đi xe ngựa (vẫn là dùng sức bộ), chắc chắn sẽ bị hàng xóm cười: “Thể nào nó chẳng ngã?”. Nhưng có xe đạp, loài người mới được giải phóng tư duy, rồi mới có ô tô, máy bay… đỡ sức!”GS. Hồ Ngọc Đại


Bài cùng chuyên mục:

>> Ca sĩ Đức Tuấn: “Không lẽ vì áo rộng mà phải…béo phì?”
 


From the same category