David Cronenberg, đạo diễn phim “A Dangerous Method”, đã gặp gỡ người đẹp 27 tuổi tại nhà riêng ở London và có cuộc trò chuyện vui vẻ.
– Cô khỏe không. Cô vừa đóng xong bộ phim “Anna Karenina” đúng không?
Tôi khỏe. Bộ phim vừa đóng máy từ trước Giáng Sinh rồi.
– Lại một bộ phim về phụ nữ Nga nhỉ.
Vâng. Tôi không chắc lắm về điều đó. Thực tế, tôi dường như đã có một khoảnh khắc tuyệt vời về xứ sở bạch dương, cho dù chưa bao giờ tôi đặt chân đến nước Nga cả.
– Tôi cũng thế. Cô không nói giọng Nga trong phim “Anna Karenina” đấy chứ?
Không, tôi không nói, cho dù anh từng bảo tôi làm thế. Anh chắc vẫn nhớ một ngày ở Venice mà anh bảo tôi: “Quay về với đạo diễn Joe [Wright] và nói giọng Nga đi”.
– Vâng, tôi vui vì cô đã không làm thế. Hiện, tôi cảm thấy mình đang được sở hữu cả cô và Sabina (vai diễn của Knightley trong “A Dangerous Method”). Chính vì thế tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ cô đi làm việc với các đạo diễn khác. Tôi đoán rằng trên phim trường, cô cũng luôn thầm nghĩ: “Ồ Chúa ơi. David không làm kiểu này đâu”, đúng không nhỉ?
Tôi luôn khao khát anh đấy chứ. (cười)
– Bộ phim “Anna Karenina” được thực hiện như một khúc thiên hùng ca chứ?
Đúng vậy, một thiên hùng ca thực sự. Nhưng tất cả cảnh quay đều chỉ thực hiện ở một phim trường và được thi vị hóa lên. Xét ở một vài khía cạnh, phim này trái ngược với “A Dangerous Method” về cách quay phim và những rung cảm cũng khác nhau. Sabina và Anna cũng không giống nhau, nhưng chỉ có một ý nghĩ tương đồng là chống lại một số người. Đây dường như là đề tài mà tôi diễn thời gian gần đây. Nhưng nói chung, cách làm “Anna Karenina” thì thực sự là hoàn toàn khác với những gì chúng ta đã làm “A Dangerous Method”.
– Cô có xem các phiên bản phim “Anna Karenina” trước đây không?
Tôi đã xem vài phiên bản từ lâu lắm rồi. Tôi vừa xem một phim chiếu trên truyền hình Anh, trong đó Helen McCrory đóng vai Anna. Cô ấy tuyệt lắm. Tôi cũng từng xem phiên bản có minh tinh huyền thoại Greta Garbo đóng, nhưng cách đây cả chục năm nay rồi ấy. Tôi không xem lại phim này trước lúc tôi đóng vai Anna bởi tôi nghĩ, tôi thích mình diễn một cách tự nhiên theo cách của mình hơn là đi học lỏm hay bắt chước từ ai đó.
Nhưng đây mà một cuốn sách rất lạ. Tôi không hiểu rõ nhà văn Tolstoy hình dung con người Anna thế nào, liệu ông ấy thích hay ghét cô ấy, liệu cô ấy là một nữ anh hùng hay không. Có những lúc ông ấy dường như khinh thường cô ấy, và đây thực sự là một cuốn sách về một người phụ nữ mà ở một vài mặt nào đó đúng là đáng khinh thường. Do đó, việc làm thế nào để diễn vai này mà không cần phải cố làm cho nó hoàn hảo hay cố lược giản nó đi thì là cả một sự tinh tế đấy.
– Cô đóng liên tiếp hai nữ anh hùng Nga, trong một phim giả tưởng và một phim dựa trên con người thật. Điều gì tạo nên khác biệt trong diễn xuất của cô, giữa một nhân vật hư cấu (Anna Karenina) và một nhân vật lịch sử (Sabrina)?
Thường có một câu hỏi về đạo đức khi bạn hóa thân vào một người thật nào đó. Liệu có lý do nào để tái hiện con người này không hay bạn chỉ đơn giản đang lợi dụng họ? Liệu có giống như bạn đang đào xới người khác lên không? Còn đối với nhân vật giả tưởng, tôi lại có những suy nghĩ cũng gần giống thế đấy. Rất nhiều người biết họ là ai. Rất nhiều người yêu mến họ. Vì thế mọi người không muốn bạn lợi dụng họ hay phán xét họ. Thật tuyệt khi hóa thân vào một người nào đó mà thông thường có nhiều thông tin về họ, vì có rất nhiều câu hỏi mà bạn phải trả lời thì đã có sẵn rồi. Đóng vai Sabina đòi hỏi phải có sự tinh tế bởi không có nhiều thông tin về cô ấy.
– Vâng, thông tin về Anna Karenina rất đầy đủ trong cả một quyển truyện dày cộp, thật lạ lùng là điều đó lại có thể khiến mọi người cảm thấy cô ấy giống với người thật hơn cả Sabina.
Một điều đặc biệt ở các nhân vật giả tưởng trong văn học, và lý do mà họ thường được chuyển thể lên phim là họ hoàn toàn thể hiện được những bản chất của con người. Họ có nhiều lỗi lầm chẳng kém gì những hành động anh hùng của họ. Tôi nghĩ lý do họ được yêu mến hay ghét bỏ là bởi vì mọi người luôn tìm thấy mình trong đó, và mọi người có thể hiểu nhân vật ở một mức độ nào đó. Đôi khi, nó giống như một tấm gương đen đúa ghê sợ được treo lên. Tôi nghĩ đó chính là Anna. Tôi không nghĩ mọi người có được cảm giác như vậy về Sabina.
– Tôi nhớ hồi tôi mới bắt đầu làm đạo diễn, mời các diễn viên tham gia đóng phim và tôi đã nghe được từ các nhà sản xuất và rất nhiều người nói: “Ôi không. Người đó sẽ đem nhiều rắc rối đến cho vai diễn đấy”. Tôi thật sự sốc. Tôi thấy rất bực mình bởi nếu cuộc sống riêng của một diễn viên là điềm báo rằng diễn xuất của người này sẽ rắc rối, thì họ sẽ diễn xuất thế nào. Khi mọi người biết quá nhiều về từng diễn viên trong phim, mọi thứ sẽ rất khó khăn.
Tôi hoàn toàn đồng ý về điều đó. Tôi không thích biết quá nhiều khi tôi đi xem phim hay xem kịch. Tôi không muốn biết diễn viên đó vừa mới ly hôn hay không. Tôi không muốn biết diễn viên đó liệu có nghiện rượu không. Tôi chỉ muốn thoải mái xem nhân vật trên phim. Nhưng giờ thì tôi không nghĩ rằng anh sẽ tránh được điều đó.
– Cô có thấy thoải mái khi đóng những phim có nhiều kỹ xảo như “Cướp biển Caribbe” không. Tôi thấy cô không phải là dân nghiền công nghệ thì phải?
Nếu phải chọn, tôi thích đóng những bộ phim chỉ chuyên về diễn xuất hơn là những phim có nhiều kỹ xảo. Khi bạn đóng phim có sự hỗ trợ của kỹ xảo điện ảnh, bạn diễn xuất sẽ khó hơn bởi bạn phải làm đi làm lại một động tác hay một cảnh rất nhiều lần, ở những góc khác nhau. Tôi phải chỉ ra thực tế này để mọi người hiểu. Tôi rất muốn biết liệu bạn có thể duy trì được sự bền bỉ khi diễn xuất trong những bộ phim kỹ xảo như vậy không.
– Ngoài phim “Anna Karenina”, tôi biết cô cũng tham gia một bộ phim khác nữa.
Vâng. Tôi góp mặt trong một tác phẩm sẽ ra mắt vào tháng 6 có tên “Seeking a Friend for the End of the World”. Bộ phim do Steve Carell đạo diễn và nội dung nói về ngày tận thế. Tôi đóng phim này ngay trước khi tham gia “Anna Karenina”.
– Bộ phim ra sao nhỉ?
Vâng, Steve tuyệt lắm. Tôi mê mẩn tác phẩm “Little Miss Sunshine” (2006) của anh ấy. Anh ấy có khả năng đáng kinh ngạc khi làm phim về sự hài hước nhưng lại cũng rất tình cảm ướt át, giống như là diễn chú hề khóc ấy. Bộ phim có những cảnh hài hước nhưng nội dung về ngày tận thế, nên mọi người có cảm giác không hài cho lắm, vì cuối cùng tất cả mọi người đều chết mà… Mặc dù vậy thì nó cũng rất vui nhộn đấy (cười).
– Thế là cô lại vập vào một bộ phim khác – với một đạo diễn khác cơ đấy.
Vâng. Tôi đã làm thế. Tôi xin lỗi. Tôi đã lừa dối anh ở khắp mọi nơi.
– Tôi biết chứ, tính ra là hai phim. Điều này cũng thêm gia vị cho mối quan hệ của chúng ta đấy chứ nhỉ. Tôi cũng đã làm thêm một bộ phim khác sau “A Dangerous Method”, vì thế tôi nghĩ cả hai chúng ta đều có lỗi với nhau rồi.
Tôi biết rồi. Anh cũng lừa dối tôi chứ gì. Tuyệt nhỉ, đây là một mối quan hệ mở mà. Tôi nghĩ là chấp nhận được.
Tuệ Văn (theo Interview)