Haute Couture: “Tối giản” - Điều không tưởng? - Tạp chí Đẹp

Haute Couture: “Tối giản” – Điều không tưởng?

Thời Trang

Bàn về tối giản, nếu đơn thuần xem xét nó dưới lăng kính của bản chất giản lược trong việc thiết kế, thì e rằng quá bất công cho phong cách này.

 


Haute couture Xuân Hè 2012 của Elie Saab.


“Haute couture” là dòng thời trang xa xỉ bậc nhất, không may đo sẵn mà chỉ được làm theo đơn đặt hàng riêng biệt, mỗi mẫu là một bộ trang phục độc nhất vô nhị cắt may theo số đo từng khách. Không phải nhà mốt danh tiếng nào cũng được công nhận và trình bày bộ sưu tập couture vào mỗi mùa thời trang; và trong chừng ấy hãng danh tiếng, không phải ai cũng duy trì được việc cho ra mắt mỗi năm hai cuộc trình làng dòng couture.

Nhắc đến couture là nhắc đến sự tinh xảo trong kĩ năng người thợ may lành nghề – những người đạt tới đẳng cấp nghệ nhân bậc thầy, sự quý giá của nguồn nguyên liệu vải vóc đắt tiền, cũng như tính cầu kì trong tiểu tiết của người thiết kế. Vì lẽ đó, người ta sẽ khó hình dung được rằng, yếu tố tối giản có thể xuất hiện trong khái niệm “haute couture” – biểu tượng cho tính xa hoa và vượt qua mọi giới hạn. Bàn về tối giản, nếu đơn thuần xem xét nó dưới lăng kính của bản chất giản lược trong việc thiết kế, thì e rằng quá bất công cho phong cách này. Tính tối giản còn nằm ở vẻ đẹp thuần khiết và sang trọng. Chỉ có sự tinh xảo của người nghệ nhân haute couture mới nâng tầm “tối giản” trong thời trang tới mức hoàn hảo nhất.

Tính tối giản – xu hướng đương thời

Điều đó ắt không sai, nếu ta nhìn vào các bộ sưu tập haute couture Xuân Hè 2012 vừa diễn ra tại Paris mấy ngày cuối tháng một vừa qua. Trong số vỏn vẹn hơn hai mươi hãng thời trang tham gia tuần lễ haute couture lần này, có đến hơn bảy đến tám nhà mốt trình bày mẫu thiết kế mang âm hưởng tối giản. Dù ít hay nhiều, sự tối giản bắt gặp ở cách cắt và ráp nối vải để tạo nên đường nét suôn thẳng của bộ váy áo, ở tông màu trơn không họa tiết hay phong cách trang điểm và làm tóc xu hướng căn bản, tự nhiên. Nhiều bộ sưu tập không hẳn xuyên suốt toàn bộ theo kiểu tối giản, nhưng trên mặt bằng tổng quan, người xem nhận thấy rõ tính thực tế và thanh giản của thời trang couture mùa này.


Năm nay, nhà mốt thân thiết của các ngôi sao trên thảm đỏ, Elie Saab, khá tiết chế trong sử dụng màu sắc. Bảng màu chuyển dịch từ tông trắng đến các sắc màu phấn nhạt, như vàng chanh, beige, xanh da trời, hồng phớt, xanh bạc hà, màu da. Alexandre Vauthier,  Valentino và Maison Martin Margiela Artisanal cũng cùng chung xu hướng màu nhạt dịu tương tự. Tại buổi trình diễn của nhà mốt Christian Dior, sự vắng bóng của John Galliano rõ ràng khiến phong cách vượt qua mọi giới hạn của Dior nhạt nhòa hẳn. Ta vẫn nhận ra nét tinh tế trong từng đường chỉ thêu hay đắp ren cầu kì tuyệt đẹp; nhưng kiểu dáng trang phục, bộ váy phồng xòe rộng thập niên 40 và 50, cách phối màu, phụ kiện, và diện mạo người mẫu nay trở nên giản dị hơn, so với vẻ kiêu sa, lộng lẫy như hoàng tộc hay lối phục hiện lịch sử xưa của Dior trong một vài mùa couture trước.


Cùng chung cách thức tham khảo nhiều chi tiết trang phục quý tộc xưa như Dior dưới thời Galliano, nhà Valentino năm nay lấy cảm hứng từ nàng Marie Antoinette và kiến trúc khu vườn Versailles kiểu Baroque. Nhưng trên hết, điểm nổi bật là cách bố trí họa tiết hoa lá nhã nhặn và giản dị trên nền vải màu trắng sữa, và những mẫu váy suôn trắng trơn thanh khiết. Tất cả toát lên tinh thần tối giản hiện đại trong tái hiện lịch sử.


Sẽ thật thiếu sót nếu không nói đến hãng mốt huyền thoại Chanel khi bàn về haute couture. Mùa Xuân Hè năm nay, Karl Lagerfeld hướng về một sắc xanh duy nhất, biến thiên ở các cấp độ đậm nhạt khác nhau. Hơn phân nửa số trang phục mở màn bộ sưu tập là các mẫu thiết kế với đường nét giản dị như đầm suôn, áo khoác đi cùng váy hay quần tây. Chúng đều có một khuôn mẫu: cổ áo xẻ rộng theo chiều ngang vai kiểu cổ thuyền, tay áo phồng dáng quả trứng và đặc biệt hơn cả, hai chiếc túi trước hạ xuống tận dưới hông tựa như chiếc túi quần jeans đặc trưng của phái mạnh. Nét cổ điển tiết chế trong thiết kế, đi cùng sự phá cách kết hợp giữa trang phục nam giới và nữ giới, cũng chính là điều cốt lõi nhất trong thời trang mà Coco Chanel năm xưa đã gửi gắm.

 Haute couture Xuân Hè 2012 của Chanel.

Armani Privé – Tính tối giản độc bản

Trong cuộc cạnh tranh giữa các hãng thời trang xa xỉ bậc nhất vào thập niên 80, Gianni Versace từng mỉa mai Giorgio Armani là nhà thiết kế cho giới phụ nữ truyền thống và cổ hủ, bởi sự trung thành bất biến trong thiết kế của Armani. Gianni đã đúng ở một điểm, Giorgio Armani luôn duy trì phong cách tối giản, xuyên suốt từ lúc thành lập hãng thời trang Armani từ năm 1975 cho đến nay. Tính tối giản của Armani là một sự tinh tế mang âm hưởng Ý đậm nét, luôn ngọt ngào quyến rũ. Nó khác với vẻ lạnh lùng và quyền lực trong tính tối giản Tây – Bắc Âu kiểu Jil Sander và không hề giống sự giản lược sành điệu rất chic của Chloé hay Celine. Tối giản, hiểu theo Giorgio, nhà thiết kế gạo cội sống sót sau cuộc thế chiến thứ hai tàn khốc ở Ý, có nghĩa là đường nét trang phục phải thật giản lược nhưng vẫn tỏa ra vẻ thanh nhã từ dáng dấp vai áo, chân váy, xếp nếp ngực hay ánh sáng bóng mờ từ bề mặt vải lụa taffeta.

Haute couture Xuân Hè 2011 của  Armani Privé. 

 Haute couture Xuân Hè 2012 của Armani Privé.

Nếu Yves Saint Laurent bùng nổ hình ảnh người phụ nữ với bộ vest tuxedo, vẻ đẹp quyền lực về đêm trong buổi dạ tiệc tối, thì Armani là người đã cách tân, đưa bộ vest trở thành trang phục ưa thích của nữ giới trong bất kể hoàn cảnh nào, kể cả môi trường công sở. Ông biến tấu bộ vest nam mạnh mẽ trở thành chiếc áo khoác mềm mại ôm sát cơ thể phụ nữ, và chân váy ôm nhẹ, đủ tạo độ quyến rũ, sang trọng mà vẫn thoải mái cho người mặc. Nó trở thành dấu ấn trong thiết kế của Armani.

Không một bộ sưu tập nào của Giorgio, ở tất cả các dòng sản phẩm, từ Giorgio Armani, đến Emporio Armani hay Armani Collezioni, lại thiếu những mẫu vest nữ. Ngay cả đối với Armani Privé, dòng haute couture – nơi người xem trông đợi các bộ váy dạ hội hoành tráng, kiểu cách, thì ở đó luôn xuất hiện đầu tiên bằng những bộ vest thuần khiết. Bộ vest nữ Armani Privé, dù kèm chân váy hay quần tây, đều đạt đến mức tinh tế nhất của nghệ thuật cắt may. Chẳng hạn, trong bộ sưu tập haute couture Xuân Hè 2012, chủ đề “loài côn trùng lột xác”, Giorgio khéo léo xếp nếp phần thân của chân váy, tạo những đường cong uốn lượn gợi nhớ hình dáng con ngài trong tổ kén.


“Privé” trong tiếng Pháp nghĩa là của riêng, của tư. Mỗi mẫu trang phục Armani Privé cũng phản ánh ý nghĩa ấy, nó được sở hữu bởi một cá nhân duy nhất. Quả vậy, đối với haute couture, tính tối giản không chỉ dừng ở phong cách thiết kế, mà còn nằm ở việc tiết chế số lượng sản phẩm làm ra. Những gì được các nhà thiết kế và hàng chục nghệ nhân thực hiện là điều tinh túy nhất. Đó là một sự giản đơn vô cùng đáng giá.

 

Haute couture Xuân Hè 2012 của Valentino.

* Chuyên đề: Chủ nghĩa tối giản từ thế kỷ 20 đến đương đại

Bài viết trong chuyên mục:

Từ tư tưởng giải phóng nghệ thuật đến motif thời trang

Haute Couture: “Tối giản” – Điều không tưởng?

Bài: Arlette Quỳnh Anh Trần

 






 


Thực hiện: depweb

12/03/2012, 23:06