Những vai diễn truyền cảm hứng

Và Aibileen – người phụ nữ da đen giúp việc có cuộc đời đầy tủi nhục. Hai nhân vật có thật, không những thế, còn rất lừng danh. Hai người còn lại là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng ta vẫn thấy họ ở đâu đó trong cuộc đời thực. 4 nhân vật đặc sắc này đã được thể hiện bởi 4 diễn viên tài năng và đều được đề cử Oscar cho diễn xuất (trong đó có 1 người đạt tượng vàng).

Đẹp xin giới thiệu chân dung 4 vai diễn truyền cảm hứng này…

Đừng bao giờ thỏa hiệp!
(Meryl Streep – “The Iron Lady”)

Vào vai Margaret Thatcher – nữ thủ tướng, chính trị gia quyền lực của nước Anh trong thế kỷ 20, Meryl Streep đã hóa thân hoàn hảo cuộc đời có nhiều cái giá phải trả của nhân vật này. Bộ phim chia cuộc đời nhân vật này làm ba cột mốc chính – một cô sinh viên tham vọng, không muốn “chôn đời mình bên cái bồn rửa chén bát và những đứa con” rồi leo lên đỉnh cao danh vọng quyền lực ở tuổi trung niên và cuối cùng là những năm tháng tuổi già cô độc.

Meryl Streep trong “The Iron Lady”

Ở tuổi 62, Meryl Streep vào vai “Người đàn bà thép” với hai cột mốc chính: lúc lên nắm quyền lực – nữ thủ tướng Anh và lúc trở về già. Khả năng hóa trang tài tình cũng như tài năng hoàn hảo của nữ diễn viên tài năng nhất còn sống (17 đề cử Oscar, kể cả vai này) khiến người xem thán phục, dù bộ phim tiểu sử này khá khuôn sáo và không hấp dẫn. Lúc ở đỉnh cao danh vọng, Thatcher nổi tiếng với biệt danh “Người đàn bà thép” với phương châm “không bao giờ thỏa hiệp”. Bà có công lớn trong cuộc cải tổ chính trị, kinh tế nước Anh, góp phần kết thúc Chiến tranh lạnh với Nga, nhưng đồng thời cũng trở thành người phụ nữ đáng ghét nhất trong mắt dân chúng vì sự cứng rắn và không khoan nhượng.

“The Iron Lady”

Câu nói nổi tiếng của Người đàn bà thép: “Hãy coi chừng những suy nghĩ của bạn, vì chúng sẽ biến thành từ ngữ. Coi chừng từ ngữ, vì chúng sẽ biến thành hành động. Coi chừng những hành động, vì chúng sẽ biến thành thói quen. Coi chừng những thói quen, vì chúng sẽ trở thành tính cách. Coi chừng tính cách, vì chúng sẽ biến thành vận mệnh. Chúng ta nghĩ gì thì chúng ta sẽ trở thành như thế”.

Còn với Meryl Streep, diễn xuất của bà khiến người xem thấy bà ở trong nhân vật “Người đàn bà thép” và nhân vật ở trong nữ diễn viên đại thụ này!

Sự tỏa sáng của bản năng
(Michelle Williams – “My Week with Marilyn”)

Bằng một nửa tuổi của Meryl Streep, Michelle Williams – một trong những nữ diễn viên tài năng nhất của thế hệ cô cũng nhập vai trọn vẹn huyền thoại màn bạc, biểu tượng của tình dục – Marilyn Monroe. Đó là điều mà ít ai ngờ tới, bởi Williams không có sắc vóc cũng như sự gợi cảm bản năng để vào vai nhân vật huyền thoại có thật này. Nhưng tài năng của cô đã vượt lên sự gợi cảm và cống hiến cho màn bạc một vai diễn đầy cảm hứng, bằng chính “vẻ đẹp tinh thần” của Marilyn Monroe.

“My Week with Marilyn” 

Bộ phim kể về giai đoạn Monroe kết hôn với nhà biên kịch lừng danh Arthur Miller, sang Anh để nghỉ tuần trăng mật, đồng thời nhận đóng vai chính trong bộ phim “The Prince and the Showgirl” với huyền thoại màn bạc và kịch nghệ nước Anh – Sir Laurence Olivier (chồng của nữ diễn viên Vivien Leigh). Và trong một tuần ở đây, Monroe đã có một cuộc phiêu lưu tình cảm với anh chàng trợ lý mới vào nghề Colin Clark – người sau này viết cuốn hồi ký kể về “Một tuần với Marilyn”.

Michelle Williams trong “My Week with Marilyn”

Từ một nữ diễn viên tóc vàng hoe bị chê là không biết diễn xuất và cuộc sống riêng tư nhiều bất ổn, nhưng chính cuộc phiêu lưu với Colin đã truyền cảm hứng cho Marilyn và giúp cô nhập vai xuất sắc bằng chính bản năng của mình. Từ sự bất lực và thất vọng ban đầu, chính Sir Laurence Olivier phải thay đổi cách nhìn về cô. Trong phòng dựng, ông phải thừa nhận: “Không gì có thể mô tả được, không xảo trá, chỉ có bản năng thuần khiết. Đó là điều làm cô ấy vĩ đại. Đó là điều làm cô ấy không hạnh phúc. Tôi đã cố hết sức để thay đổi cô ấy. Nhưng cô ấy vẫn tiếp tục tỏa sáng, bất chấp tôi”.

Và sự tỏa sáng của vẻ đẹp thuần khiết
(Bérénice Bejo – “The Artist”)

Phim “The Artist”

“The Artist” – bộ phim xuất sắc và truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất cho những người yêu điện ảnh và nghệ thuật “tinh khiết” của bộ môn nghệ thuật này nhờ cốt truyện, cách xử lý cũng như xây dựng hai nhân vật chính quá độc đáo. Nếu chàng diễn viên Jean Dujardin mê hoặc khán giả bằng nụ cười nửa miệng hút hồn, phong thái lịch lãm, kiêu hãnh thời đỉnh cao hay vẻ tuyệt vọng lúc hết thời thì nữ diễn viên chính Bérénice Bejo mang đến cho nhân vật của cô sự đáng yêu bởi vẻ đẹp thuần khiết của nhân vật.

“The Artist” tái hiện lại một cột mốc quan trọng của điện ảnh: Hollywood chuyển từ thời đại phim câm sang phim có tiếng và bao nhiêu số phận đổi chiều cho nhau bởi chính cột mốc này. Chàng tài tử hạng A George Valentin (Jean Dujardin) trong thời phim câm trở nên thất bại, bị quên lãng, hết thời, bán cả gia sản để sống và chìm trong men rượu. Còn Perry Miller (Bérénice Bejo) từ một cô gái vô danh, được Valentin nâng đỡ, đóng vài vai phụ trong thời phim câm, bỗng vụt sáng thành ngôi sao hạng A trong thời phim có tiếng. Hai nhân vật đổi số phận cho nhau, đó có lẽ cũng là chuyện thường tình trong nghệ thuật nói chung và Hollywood nói riêng.

Nhưng vẻ đẹp của bộ phim này chính là “tình nghệ sĩ” của hai nhân vật chính. Valentin kiêu hãnh nhưng không kiêu ngạo, ông sẵn sàng nâng đỡ cô gái vô danh Miller. Ngược lại, khi Miller bước lên đỉnh cao, vẫn không quên ân tình cũ và luôn dành cho Valentin sự quan tâm đặc biệt. Hơn cả tình yêu, đó là tình đồng nghiệp, tình nghệ sĩ. Bộ phim sáng lên bởi những giá trị nhân văn như thế. Và diễn xuất của Bérénice Bejo với sự trong sáng, thuần khiết khiến người ta tin vào câu chuyện cảm động đó.

Phim “The Artist”

Nữ diễn viên Pháp gốc Argentina, vợ của đạo diễn Michel Hazanavicius đã tỏa sáng bằng vai diễn ngọt ngào này. Cô đã giành được giải nữ diễn viên chính xuất sắc tại giải Cesar của điện ảnh Pháp, đề cử nữ diễn viên chính tại giải Bafta (Anh) và đề cử nữ diễn viên phụ tại giải Quả cầu vàng, Oscar nhờ cô gái thuần khiết Perry Miller.

Tình thương và nhân phẩm

(Viola Davis – “The Help”)

Ở tuổi 46, nữ diễn viên da màu chuyên đóng vai phụ Viola Davis đã có một vai diễn để đời của mình – bà vú Aibileen Clark hơn nửa đời người đi làm giúp việc cho các gia đình da trắng trong “The Help” – bộ phim tâm lý thành công và gây ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tái hiện lại một giai đoạn đáng xấu hổ trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ – nạn phân biệt chủng tộc.

Viola Davis trong “The Help”

Bộ phim có một dàn diễn viên nữ xuất sắc đến ngạc nhiên, trong đó nổi bật nhất là hai nữ diễn viên da màu Octavia Spencer (vai Minny Jackson) và Viola Davis (Aibileen Clark). Nếu Octavia Spencer khiến khán giả phấn khích bởi diễn xuất tung hứng, đặc biệt là màn trả thù… ngọt ngào khi nhân vật Minny bị sỉ nhục thì Viola Davis đem đến cho người xem sự lắng đọng của cảm xúc với nhân vật người phụ nữ bị chà đạp nhân phẩm, đau đớn trong đời riêng nhưng vẫn vượt lên tất cả bằng tình thương và sự bao dung. Họ đã kể lại câu chuyện cuộc đời mình với cô gái da trắng Skeeter (diễn xuất đáng yêu của Emma Stone) để vạch trần sự phân biệt chủng tộc đáng ghê sợ trong những năm 60 tại một tiểu bang của nước Mỹ cũng như những bi kịch và sự xúc phạm mà họ phải câm lặng gánh chịu.

“The Help”

Viola Davis đã có màn cống hiến xuất sắc chỉ với chưa đầy 10 phút xuất hiện trong bộ phim “The Doubt” (mang về cho cô đề cử Oscar đầu tiên) cách đây 3 năm. Còn trong “The Help”, cô đã có một vai chính xuyên suốt từ đầu đến cuối phim, mà ở bất cứ cảnh phim nào có cô xuất hiện, Davis cũng luôn truyền cảm xúc đến người xem, bằng sự nhập vai đến tận cùng nỗi đau cũng như vẻ đẹp nhân bản của nhân vật…

Bài: Lâm Lê

 


From the same category