Điện ảnh Việt: Ảo đến bao giờ?

Câu trả lời không phải nằm trong tình yêu với điện ảnh nước nhà như nhiều khán giả vẫn nghĩ…

Phim “Thiên mệnh anh hùng” được làm với kinh phí kỷ lục 25 tỷ đồng, vậy sẽ phải thu về trên 50 tỷ mới mong hòa vốn.

Lạc quan là cảm giác thấy rõ khi mà trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì ngành chiếu phim tại Việt Nam và trên nhiều nước châu Á vẫn tăng trưởng rất ấn tượng. Chỉ riêng tại Việt Nam, theo lời ông Brian Hall – Chủ tịch kiêm giám đốc Điều hành cụm rạp Megastar, mức doanh thu phòng vé tại Việt Nam đã đạt con số ước tính 35 triệu đô la Mỹ trong năm 2011, với lượng khách hàng tăng trưởng 30% so với năm 2010. Ông ước tính doanh thu thị trường này có thể lên đến 110 triệu đô la Mỹ vào năm 2016. Những con số lạc quan này cũng có thể cảm nhận được qua đợt chiếu phim Tết vừa qua. Trong đợt nghỉ kéo dài 9 ngày, doanh thu phòng vé đạt khoảng 80 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với ngày thường…

Biến ảo như… Doanh thu phòng vé

Nhưng để Việt Nam có được những sản phẩm điện ảnh nội địa có thể cạnh tranh được với quốc tế là chuyện bất khả thi trong thời điểm hiện nay. Nguyên nhân thì đã được các chuyên gia nói đến quá nhiều: Chúng ta thiếu thốn từ kinh phí cho đến tài năng. Cũng có thể do bế tắc trong việc tạo ra các sản phẩm tốt, các nhà làm phim Việt Nam đang phải sử dụng những chiêu thức và mưu mẹo để sống còn. Có một chuyên gia lâu năm trong ngành đã nói: Điện ảnh Việt Nam luôn có hai con số ảo, một là kinh phí làm phim, hai là doanh thu phòng vé. Hai con số này luôn được thổi phồng lên để phục vụ cho công tác PR.

Ngay đợt chiếu phim Tết vừa rồi, nếu cộng tổng doanh thu phòng vé của tất cả các nhà làm phim công bố sẽ vượt gấp đôi con số do các rạp chiếu đưa ra. Kinh phí làm phim thì cũng thật giả khó lường, vì nhà sản xuất thoải mái đưa ra con số, báo chí đăng lại cũng không cần kiểm chứng. Trong thực tế, báo chí Việt Nam vẫn rất ưu ái các sản phẩm điện ảnh và nghệ thuật nước nhà. Những lời phê bình được dùng rất cân nhắc, chỉ khi “không thể chịu đựng được” chất lượng của phim. Hầu hết các phim Việt Nam chỉ cần tạm ổn là đã được PR mạnh mẽ trên báo chí với mức chi phí rất thấp, thậm chí không mất gì.

Độc chiêu mà các nhà sản xuất phim Việt Nam vẫn áp dụng là tung sản phẩm ra vào đúng dịp Tết. Thậm chí có nhà sản xuất chỉ làm phim để chiếu mấy ngày Tết mà thôi. Tại sao vào mấy ngày Tết, các rạp chiếu phim bỗng dưng chấp nhận ưu tiên cho hàng loạt phim Việt Nam, dù chất lượng (hầu hết) rất tệ, mà không phải là các phim bom tấn Mỹ như thường lệ? Câu trả lời không phải nằm trong tình yêu với điện ảnh nước nhà như nhiều khán giả vẫn nghĩ, mà nằm trong bài toán lợi nhuận của các rạp chiếu.

Những ngày Tết khán giả đi xem rất đông, lượng ghế tại các phòng chiếu luôn quá tải so với nhu cầu. Vì thừa thời gian, và giá vé cũng chỉ ngang một bữa ăn, nên khán giả có thể xem bất cứ phim gì cho vui, mặc dù họ biết rằng có thể đó là một phim rất nhảm nhí. Như vậy, chiếu phim gì vào ngày Tết không còn là yếu tố quan trọng hàng đầu với các nhà kinh doanh phim ảnh. Chọn phim Việt, họ sẽ có lợi hơn phim nước ngoài, vì trong khi chuẩn thời gian của một phim nước ngoài vào khoảng 120 phút (có phim như “Avatar” dài tới 162 phút), thì phim Việt Nam được ép xuống khoảng 90 phút mà thôi.

 Phim “Ngôi nhà trong hẻm” – một phim kinh dị bắt nguồn câu chuyện từ sự cố một sản phụ bị sẩy thai… lại chọn thời điểm ra mắt vào Lễ tình nhân vừa qua.

Tất nhiên không phải cứ phim ngắn là dở, có người xem xong phim Việt Nam còn nói nửa đùa nửa thật rằng, may mà nó làm chỉ có 90 phút. Tuy khán giả ít khi nhận ra tiểu xảo này, nhưng nó đã giúp các rạp phim có thể tăng suất chiếu lên gần gấp rưỡi, mà vẫn bán với giá vé như các phim nghiêm túc của nước ngoài. Với việc tăng giá vé Tết lên khoảng 40%, tăng số suất chiếu lên gấp rưỡi và số khán giả đi xem tăng mạnh, thì doanh thu các phòng vé tăng gấp 4 lần so với ngày thường là chuyện dễ hiểu.

Chắc chắn rằng cho đến khi số ghế xem phim ở Việt Nam còn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu xem phim tăng đột biến vào dịp Tết, thì các rạp chiếu còn ưu tiên cho phim nội địa. Tuy nhiên, với cách làm ăn chụp giựt đầy tiểu xảo này, thì các nhà làm phim Việt Nam cũng đang đánh mất dần uy tín của mình trong lòng khán giả hâm mộ sau mỗi mùa phim Tết.

Làm Phim Việt bao nhiêu thì không chết?

Các siêu phẩm điện ảnh của Hollywood tiêu tốn hàng trăm triệu đô la của nhà sản xuất, các bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã vươn đến con số vài chục triệu đô la từ lâu. Vậy mà các nhà sản xuất phim Việt Nam vẫn loay hoay với mức chi phí vài trăm ngàn đô la.

Thử nhìn lại vụ làm ăn được coi là ngon nhất của các nhà làm phim Việt Nam là phim Tết, cũng thấy họ rất bế tắc. Tổng doanh thu phim Tết 2011 vào khoảng 80 tỷ đồng, với tỷ lệ ăn chia hiện nay thì tiền về đến nhà sản xuất chỉ vào khoảng 30 tỷ. Như vậy nếu các nhà làm phim ngồi lại với nhau bàn bạc, thì họ buộc phải tính toán làm sao tổng kinh phí làm phim Tết chỉ ở mức 20 tỷ để kinh doanh còn có lãi, và còn tiền cho công tác PR, quảng cáo, làm marketing, khuyến mãi… Ví dụ năm 2011, có đến 5 phim Việt Nam đưa ra rạp chiếu, thì trung bình một phim chỉ nên làm với chi phí khoảng 4 tỷ đồng.

Thực tế tổng chi phí làm phim Việt Nam trong dịp Tết vừa rồi vượt xa con số 20 tỷ đồng. Theo nhiều nguồn tin, thì “Thiên mệnh anh hùng” làm hết 25 tỷ, “Lời nguyền huyết ngải” khoảng 10 tỷ… Như vậy chỉ với 2 phim này thôi, đã thấy các nhà làm phim Việt Nam nắm chắc phần thua ngay khi chưa đưa phim ra rạp. Nếu có ai thắng, thì chỉ vì họ đã tính toán khéo léo bài toán kinh doanh của riêng mình, và cắn mất miếng bánh của người khác. Còn nhìn trên tổng thể thì ngành điện ảnh Việt Nam đã thua toàn diện, mặc dù được sự ưu ái tối đa của các rạp chiếu.

Phim chiếu Tết còn gặp khó khăn như thế, thì các phim Việt chiếu trong năm còn nan giải đến đâu với bài toán thu chi. “Long Ruồi” là một trong các phim hiếm hoi đã thành công về mặt thương mại trong năm 2011. Tuy nhiên đó là trong bối cảnh thuận lợi về nhiều mặt. Hãng WB không đưa phim về Việt Nam trong cả năm 2011, rất nhiều siêu phẩm bom tấn điển hình như “Harry Potter” không công chiếu ở Việt Nam, đã dành một không gian khá lớn cho “Long Ruồi” và một số phim Việt Nam khác. Tới năm 2012 này thì không còn những thuận lợi đó nữa. WB đã quay lại Việt Nam, chưa tính đến việc Megastar chắc chắn sẽ tìm cách xuất khẩu phim Hàn Quốc qua hệ thống rạp của mình.

Với tổng doanh thu thị trường hiện nay vào khoảng 35 triệu đô la, chỉ ngang doanh thu một ngày ra mắt phim Mỹ trên toàn cầu, lại phải chia sẻ khách hàng với hàng chục siêu phẩm điện ảnh quốc tế, quả thật làm phim sao cho có lãi là bài toán không có lời giải cho các nhà đầu tư vào phim Việt Nam!

Hướng đi nào cho phim Việt?

Dù có muôn vàn khó khăn, nhưng không thiếu cơ hội cho phim Việt. Là sản phẩm văn hóa, nên nó có những ưu thế cạnh tranh nội địa rất lớn so với sản phẩm nước ngoài. Tất nhiên không thể hy vọng trong vài chục năm nữa phim Việt có thể ngang hàng với phim Mỹ trên thị trường quốc tế, cũng như không thể hy vọng tuyển bóng đá Việt Nam vô địch thế giới. Nhưng hoàn toàn có thể hy vọng các sân vận động kín người xem, và các rạp chiếu vẫn còn người xếp hàng xem phim Việt. Hãy tôn trọng khán giả, hãy yêu nghề nghiệp của mình, đừng đánh lừa chính bản thân mình, thì khán giả sẽ không quay lưng.

Mặc dù rất nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề lớn nhất của điện ảnh Việt Nam là thiếu tài năng, tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường ngày nay, tài năng sẽ đến với chỗ nào có tiền. Nói rằng điện ảnh đang thiếu tài năng, cũng chỉ là một cách diễn đạt khác là nó đang thiếu tiền. Nếu ngành điện ảnh Việt Nam thực sự mang lại lợi nhuận cao, thì nó sẽ thu hút được đầu tư, thu hút được nhân tài. Chắc chắn sẽ có nhiều thanh niên chọn con đường đi học ngành điện ảnh để tiến thân, chứ không chỉ vì tình yêu nghệ thuật nữa.

Nhiều người cứ nghĩ rằng điện ảnh là một ngành nghệ thuật cho những người lãng mạn, nhưng thực tế đó là một ngành sản xuất mang hàm lượng tri thức và công nghệ rất cao, chẳng thua kém gì phần mềm. Ngoài diễn viên là những người có khả năng thiên phú về diễn xuất, điện ảnh là một ngành công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao, cần rất nhiều chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp bài bản như đạo diễn, kịch bản, tổ chức sản xuất, quay phim, trang điểm, phần mềm máy tính, quảng cáo, bán hàng, marketing… Chúng ta thiếu tất cả những khâu đó, chứ không chỉ diễn viên.

Điện ảnh Việt Nam cũng không thể trông chờ ở sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước. Dù nhà nước có bỏ tiền tài trợ sinh viên đi du học về điện ảnh, thì cũng chưa thể thu hút được người giỏi, khi mà các nhà làm phim Việt Nam vẫn vật lộn với con số chi phí chỉ đủ làm vài giây phim Mỹ. Đây lại là bài toán quả trứng có trước hay con gà có trước. Muốn có doanh thu cao thì phải có người giỏi, muốn có người giỏi thì phải có tiền, muốn có tiền thì phải có doanh thu cao.

Nhìn qua thị trường điện ảnh Hàn Quốc hiện nay đang có doanh thu phòng vé hơn 1 tỷ đô, phim trong nước chiếm hơn 50% thị phần. Như vậy trừ chi phí phải trả cho hệ thống phân phối, ước tính các nhà làm phim Hàn Quốc vẫn có khoảng 200-300 triệu đô la Mỹ để làm phim. Con số này gấp cả trăm lần so với tổng chi phí các phim Việt Nam. Thành công của điện ảnh Hàn Quốc đến không phải từ các ngôi sao của họ, mà đến từ chính những nhà sản xuất đã biết cách chiếm lĩnh thị trường, giành giật được khách hàng khỏi tay các “con cá mập” từ Hollywood.

Có lẽ chỉ có cách chờ đợi thị trường chiếu phim Việt Nam sẽ tăng nhanh đến con số vài trăm triệu đô la Mỹ hàng năm. Trong thời gian đó, sự tham gia của các đạo diễn, các chuyên gia nước ngoài vào quá trình làm phim Việt là rất quan trọng. Đó cũng là trường học thực tế cho điện ảnh Việt Nam, và cũng là cơ hội để phim Việt nâng cao được chất lượng, giữ được chỗ đứng của mình trong các rạp chiếu phim, dù rạp chiếu đó có thể sẽ thuộc về ông chủ nước ngoài. Khi thị trường đạt đến con số nào đó, chắc chắn ngành điện ảnh Việt Nam sẽ có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Và những người sẽ tạo nên sự thay đổi ấy, có lẽ vẫn còn đang ngồi trên ghế học ở các trường cấp 1, cấp 2.

Bài: Nguyễn Lê Chấn Hưng


From the same category