Nhặt lên ăn tiếp đi con - Tạp chí Đẹp

Nhặt lên ăn tiếp đi con

Sức Khỏe

Đóng góp vào số người không may mắn này chẳng phải chỉ ở những nước nghèo nhất mà cả các nước có mức sống cao nhất, có các chỉ số kinh tế – xã hội (trong đó có tiêu chuẩn vệ sinh phòng bệnh) rất lý tưởng.

Chị Hồng bỏ gần 17 năm để “chạy việt dã” trên con đường phấn đấu của người phụ nữ hiện đại: học miệt mài, làm việc vất vả ở nước ngoài, thử thách nhiều cương vị, kiên quyết hoãn chuyện yêu đương và bây giờ coi như đã “cán đích”. Chức vụ: Phó tổng giám đốc tài chính ở một công ty cổ phần liên doanh với nước ngoài. Cơ ngơi: Một biệt thự sang trọng.

Sau hai năm xây dựng gia đình, “tổ” của chị thật “ấm”. Phu quân: Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp lớn. Quý tử: Cậu con trai kháu khỉnh, sắp lên hai. Chị định sẽ rút dần công việc nhưng giờ thì tạm thời thuê mấy ôsin trợ giúp.

Chị thuyết phục một cô y tá về hưu sớm vài năm đến chăm con cho mình, lương cao gấp rưỡi lương nhà nước. Thằng Cục Bột đúng như tên gọi, mũm mĩm và trắng như trứng gà bóc. Được “con nhà y nuôi nấng có khác!”, chị tự hào về sự khôn ngoan của mình. Có điều, Cục Bột hay ốm, từ ngày sinh đến nay đã 22 tháng, chẳng tháng nào không đi bệnh viện Việt Pháp ít nhất một lần. Ngoài xã hội có bệnh gì, nó cũng “hào phóng” đón nhận. Chẳng biết vi trùng lọt vào bằng cách nào, chứ phòng dành cho nó kín đáo và “siêu sạch”. Nhiệt độ, độ ẩm trong phòng được giữ chẳng bao giờ biến động với dàn điều hòa chất lượng cao nhất, chạy ổn định nhất.

Những lần Cục Bột ốm, nhờ thuốc ngoại gửi mua ở nước ngoài nên khỏi ngay, nhưng vừa hết bệnh này, nó lại dang tay tiếp nhận bệnh khác. Cứ thế, với nó, liều lượng thuốc cứ tăng dần. Chị Hồng tự an ủi: Chẳng qua mình sinh muộn, năm ấy đã băm mấy nhát rồi nên nó yếu là lẽ đương nhiên. Cũng còn may là có nó…

Ranh giới giữa bẩn và sạch

Ngày càng xuất hiện nhiều vi sinh vật gây bệnh bị nhờn thuốc, làm thuốc không chữa được bệnh hoặc giảm hiệu quả. Cách tốt nhất là giữ vệ sinh, ngăn chặn sự xâm nhập của chúng bằng môi trường vô trùng. Nhưng dường như luôn có một nghịch lý: sự vô trùng ẩn chứa không ít nguy cơ đối với sức khỏe, không kém sự mất vệ sinh.

Nhóm các nhà khoa học trường Đại học San Diego (Mỹ) đã bắt những con chuột lang phải nhiễm tụ cầu khuẩn để nghiên cứu. Loại vi khuẩn này thường liên quan đến nhiều bệnh nguy hiểm (viêm màng não, nhiễm trùng máu, một số bệnh viêm phổi, bệnh đường ruột…). Thế nhưng, lũ chuột không chết la liệt như dự đoán. Các thí nghiệm chứng minh một kiến thức mới là, một trong những hoạt động sống của tụ cầu khuẩn là sự tiếp xúc của chúng lên lớp da có tác dụng hấp thụ lượng melatonin dư thừa (hormone này điều chỉnh phản ứng của hệ miễn dịch đối với nhiễm trùng từ bên ngoài và khi dư thừa có thể làm phát triển các bệnh tự miễn dịch). Kết quả là nhờ chúng mà quá trình nhiễm trùng bị chặn đứng.

Hóa ra, tụ cầu khuẩn chơi trò hai mặt. Một mặt, nó tấn công cơ thể chuột, buộc hệ miễn dịch phải hoạt động tối đa để chống đỡ. Một mặt, nó ngầm giúp lũ chuột ngăn chặn để sự viêm nhiễm không xảy ra. Hiện tượng này minh họa cho một điều là đôi khi bẩn (để vi trùng tự do phát triển) cũng có lợi. Nói cách khác, tồn tại một ranh giới vàng giữa bẩn và sạch có lợi cho con người, cần được xác định và duy trì.

Nhiều công trình nghiên cứu miễn dịch học chứng minh, trong nhà nên có một lượng bụi nhất định để… bảo vệ sức khỏe. Các nhà nghiên cứu khuyên rằng: Chỉ nên dọn dẹp, lau thật sạch mọi thứ trong nhà mỗi tuần một lần và sau 3-4 tháng tổng vệ sinh một lần là đủ. Tất nhiên, lời khuyên này còn phụ thuộc vào môi trường bên ngoài. Sống giữa khu phố chật hẹp và bụi bặm, chắc phải làm vệ sinh thường xuyên hơn nhiều.

Nhà trẻ: môi trường chống dị ứng

Nhóm các nhà khoa học trường Đại học Manchester thu được không ít kết quả thú vị khi theo dõi tình hình bệnh tật của hơn 5.000 trẻ em từ ngày sinh đến khi chúng lên 5. Họ thấy các bé đi nhà trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi bị hen suyễn ít hơn 2,5 lần so với các bé cùng lứa, được chăm sóc rất cẩn thận ở nhà. Các bé đi nhà trẻ sau 1 tuổi bị hen suyễn ít hơn 35%. Một trong những nguyên nhân là số lượng vi khuẩn gây dị ứng ở các bé đi nhà trẻ giảm hẳn. Nhà trẻ là nơi thường tiếp xúc với sự nhiễm trùng của bọn nhóc, nhưng lại rèn luyện được hệ miễn dịch, giúp giảm nguy cơ dị ứng. Một điều đáng chú ý khác là trẻ em sống trong môi trường vô trùng kỹ lưỡng lại dễ mắc bệnh tim mạch khi trưởng thành. Cơ chế cũng như trên, khi hệ miễn dịch không được “tôi luyện” thì sẽ yếu dần đi, áp huyết tăng cao, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Môi trường vô trùng có nguy hiểm gì?

Học thuyết về vai trò của vi khuẩn đối với cơ thể người liên quan đến tên tuổi của nhà bác học Nga được giải Nobel Y học là Ilya Ilitch Metchnikov năm 1908. Từ năm 1907, ông đã viết rằng, nhiều tập hợp vi khuẩn, cư trú trong ruột người, quyết định cả sức khỏe tâm thần và thể chất của con người. Metchnikov chứng minh da và những chất nhầy ở người là những màng sinh học chứa hàng trăm loại vi trùng. Mặc dù vậy, chúng lại là đội quân bảo vệ sức khỏe cho chúng ta.

Thời gian qua, người ta thu được những dẫn chứng quan trọng chỉ ra rằng hệ vi khuẩn đường ruột có những chức năng sinh lý quan trọng. Đặc biệt, nó bảo vệ người khỏi sự xâm nhập của quần thể vi sinh vật gây bệnh từ bên ngoài và trấn áp sự phát triển của các mầm bệnh vốn có bên trong cơ thể.

Ý tưởng “ngông cuồng” của xã hội văn minh

Một ý tưởng ngông cuồng của xã hội văn minh là bằng mọi giá phải bảo bọc đứa trẻ cho đến tuổi trưởng thành khỏi các vi sinh vật và tác nhân gây bệnh càng nhiều càng tốt. Việc này đã loại bỏ những sự rèn luyện cần thiết của hệ miễn dịch đang phát triển, mà thiếu sự rèn luyện ấy, chúng không thể thích nghi với cuộc sống khi bước vào đời. Tại một hội nghị quốc tế về y học, nhà miễn dịch học hàng đầu thế giới Mc Dade đã kể về đứa con hai tuổi của mình thế này: “Khi chiếc kẹo mút của con tôi đang ăn bị rơi xuống sàn, tôi bảo nó: Nhặt lên, ăn tiếp đi con”.

Làm thế nào đây?

Chị Hồng than phiền với cậu em họ – một tiến sĩ Y khoa, vừa làm nghiên cứu sinh ở Đức – về Cục Bột. Cậu ta cười hì hì: “Chị quên cái đận chị về quê, em là thằng bé 11, 12 tuổi gì đó, đen như củ súng, tóc cháy nắng đỏ lòm, mũi lúc nào cũng thò lò như hai con sâu xanh rồi à. Tháng Sáu vừa rồi, Đức bị dịch “e-cô-li”, do những quả dưa chuột Tây Ban Nha đưa sang thì phải. Bọn Đức trong phòng thí nghiệm nhớn nhác, rón ra rón rén. Em cứ nhơn nhơn, chén tuốt chẳng kiêng kỵ gì. Chúng bảo em: “Mày là thằng người ngoài hành tinh”. Nhưng em tự tin ở sự miễn nhiễm của mình, có được nhờ những ngày tắm ao tù, hái trộm ổi xanh ăn, chăn trâu dưới trời nắng chang chang không thèm đội mũ. “Nhặt lên ăn tiếp” chính là cái thằng này đấy chị ạ, chứ đâu phải phát minh của ông giáo sư kia. Em không cổ vũ cho sự ở bẩn, nhưng phản đối cách nuôi con trong nhà kính vô trùng của chị. Mà chị biết không, giữ một nhiệt độ nhất định, độ ẩm nhất định là đã tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn đấy”.

Bài TUẤN HÀ

Thực hiện: depweb

10/02/2012, 12:40