Giám đốc nghệ thuật chương trình “Không gian âm nhạc” Chu Minh Vũ: "Thanh Phương - Tĩnh & Động" - Tạp chí Đẹp

Giám đốc nghệ thuật chương trình “Không gian âm nhạc” Chu Minh Vũ: “Thanh Phương – Tĩnh & Động”

Sao

 

Tôi quen Thanh Phương qua Trần Thu Hà. Sau này, Hà theo chồng qua Mỹ, Phương là đầu mối tình cảm của riêng tôi với bạn, vì Phương là nhà sản xuất đồng thời cũng là người nhà của Hà. Thi thoảng Hà viết thư về, nói tôi làm việc với Phương theo một cách hiệu quả nhất mà Hà đã từng áp dụng. Đơn giản rằng, Phương nghệ sĩ và tài năng. Nhưng chính tính nghệ sĩ đôi khi làm cho tài năng của anh ấy chìm đi, chìm trong thế giới của internet và các giá trị thương mại ngập tràn…

Phương có cuộc sống gia đình quá yên ấm, yên tới mức anh làm cho bạn bè cảm thấy ghen tị. Một người đàn ông hơn chục năm nay luôn kết thúc công việc đúng giờ, đậu xe đúng một chỗ vào đúng 4h chiều để đón con gái đi học về. Có thể đó mới là hạnh phúc của riêng anh ấy và anh ấy cảm thấy đích cuộc sống nghệ thuật của anh là ở đó. Trong “lịch sử”, chàng rocker Hà thành vào Sài Gòn chơi nhạc vũ trường chỉ với mục đích theo đuổi một cô ca sĩ Sài Gòn, rồi rước cô ấy về Hà Nội, thì xét cho cùng, anh ấy phải trân trọng và quý giá những thành quả của mình mà thôi…



Điểm yếu của Thanh Phương, theo lời Hà Trần “khuyến cáo” ban đầu, cũng chính là điểm mạnh của anh ấy: tình cảm. Vì tình cảm, Phương có thể làm một sản phẩm cực hay nhưng cũng vì tình cảm anh ấy có thể quên một sản phẩm rất lâu trong ổ cứng. Phương không như những nhà sản xuất khác, có thể làm một sản phẩm vì tiền hoặc một đơn đặt hàng thời vụ. Quanh Phương, chỉ có người quen và người thân. Và như bao nhiêu nhạc sĩ Hà Nội khác, Phương cũng ê a chờ cảm hứng đến mới làm việc được. (Hà Trần đã từng phải bưng cả gia đình anh qua Mỹ chơi, cắt cơn… đón vợ đón con, cà phê cà pháo Hà Nội… trong vòng 3 tháng thì… cảm hứng cho “Đối thoại 06” mới hoàn tất). Thế nhưng cái gì cũng có giá của nó, khi đặt anh vào một áp lực của thời gian, thế mạnh của bản năng và tài năng cũng luôn cho Phương những bản phối bất ngờ.




Tôi đã tìm được cách làm việc với Thanh Phương, là không để anh ấy dừng lại, không cho Phương một khoảng thời gian rảnh rỗi nào dựa trên những thời gian biểu không thể thay đổi của Phương (sáng cà phê và chiều đón con). Khoảng cách từ “Con đường âm nhạc” (lần đầu tiên tôi làm việc với anh) cho đến sản phẩm chung mới nhất là “Không gian âm nhạc”, chúng tôi đã đồng hành với nhau đủ để hiểu được gu thẩm mĩ của nhau. Tôi hiểu anh có nhiều khả năng hơn, không chỉ ngón đàn ghi ta mơ mộng mà còn cả rock, cả jazz hay worldmusic, electro… tôi thừa hiểu Phương có khả năng sáng tạo bằng sự phủ nhận. Anh có thể làm hay hơn chính sản phẩm anh đã từng làm chứ đừng nói là sản phẩm của những người đi trước. Hoàn toàn không phải sản phẩm kế thừa mà ở Phương là một sự sáng tạo có tìm tòi. Đôi khi tôi phải hỏi, bản nhạc này có hòa âm hay quá, anh có thể làm khác và hay hơn được không? Đôi khi, rất thật thà anh cũng phải trả lời, công nhận, bản phối này là hay nhất rồi, mình chỉ có thể làm khác đi chứ khó mà làm hay hơn… Nhớ hồi làm “Không gian âm nhạc” cho Hà Trần và Ngũ Cung, Hà ngồi giữa sân khấu và rùng mình thốt lên “Anh Phương, tại sao anh làm lại bản phối của chính anh lại hay thế này? Tại sao anh không làm hay ngay từ khi làm album đi…”




Có một lần Phương kể về quãng thời gian anh làm việc cùng Quốc Trung và ban nhạc lừng danh Phương Đông. Rằng đó là một ban nhạc tùy hứng, rất phóng túng khi cùng chơi nhạc với nhau, để chừa đất cho từng người solo. Khi Phương Đông rã đám, Phương cũng quay vào studio làm nhạc máy tính và độc lập như Quốc Trung, Lưu Hà An… và rất nhiều bạn đồng lứa của anh. Đó là xu thế, vì công nghệ tràn tới, lứa nhạc sĩ này hồ hởi tìm kiếm sự sáng tạo độc lập cho những con đường riêng…

Phương cũng khá may mắn khi có Hà Trần đứng ngoài mặt tiền như những cặp Quốc Trung – Thanh Lam, Anh Quân – Mỹ Linh… thành công thì cũng có nhiều rồi (Khánh Ly, Bạch Yến còn tìm đến anh, huống chi là những Hiền Thục, Hà Anh Tuấn…), nhưng nghĩ đến chuyện Hà Trần “tự ái yêu”, tôi mới ngẫm ra, có lẽ cuối cùng Phương vẫn không thoát khỏi bản chất nghệ sĩ tùy hứng của mình. Thanh Phương vẫn là một tay chơi đàn solo, vẫn phải có một ban nhạc riêng chơi live ngẫu hứng chứ không nên bó mình trong những thứ âm nhạc số hóa máy móc… Linh hồn nghệ sĩ của anh phải ở trên sân khấu, cất lên giữa khán phòng nén thở im phăng phắc, hoặc bùng nổ giữa tiếng rào rào vỗ tay tán thưởng của người nghe… Phương thuộc về nó, anh sống bằng nhịp thở chậm và cả tiếng dồn máu kích động của cộng sự và người nghe…


Hồn cốt “Không gian âm nhạc” là âm nhạc – nguyên thủy và thuần túy, mà người nắm hồn cốt ấy là anh – Thanh Phương. Chúng tôi muốn anh là người thủ lĩnh, người dẫn dắt những nhạc công tài năng của Hà Nội vào một cuộc chơi nhiều cảm xúc và sự ngẫu hứng nghệ sĩ. Chúng tôi muốn anh tìm kiếm ra một lứa nhạc công trẻ hơn và tài năng như những Phương Đông, Hoa Sữa, Anh Em, Chìa Khóa Vàng… đã từng có… Và các danh ca vẫn tiếp tục đến, đặt lòng tin ở anh và chúng tôi…



 

Thực hiện: depweb

08/02/2012, 10:10