BSB đi đâu cũng nói tốt về Việt Nam

Nếu chỉ nghe tên Đỗ Hoài Nam, có lẽ bạn sẽ thấy xa lạ. Nhưng hãy dành 1 phút để tóm tắt ngắn gọn những gì người đàn ông sinh năm 1977 này đã làm được: Thành lập SASme, chuyên cung cấp công nghệ truyền tin nhắn cho các công ty viễn thông lớn ở Úc, châu Á và châu Âu; Đồng sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Emotiv Systems chế tạo thành công EPOC – máy đọc cảm xúc con người được sử dụng rộng rãi tại các trung tâm nghiên cứu, công ty chế tạo máy bay, trường đại học… trên thế giới; được nhà sản xuất phim “Avatar” chọn để đo cảm xúc người xem trước khi công chiếu; được mời tới giảng dạy tại Trường Kinh doanh Harvard… Anh cũng chính là tổng đạo diễn trong “phi vụ” đưa Back Street Boys (BSB) về Việt Nam.


EPOC chắc hẳn từ quá trình nghiên cứu tới sản xuất đã trải qua hàng trăm lần thử nghiệm. Trong số đó, lần thử nghiệm nào gây ấn tượng và có ý nghĩa với anh nhất?

Quá trình nghiên cứu EPOC phải trải qua hàng chục ngàn lần thử nghiệm chứ không phải hàng trăm lần. Thành quả hiện nay Emotiv có được đều là do những lần thử nghiệm này nên mỗi cuộc thử nghiệm đều có tầm quan trọng như nhau. Tuy nhiên, bạn thường có nhớ tới những lần thử nghiệm lần đầu tiên mà kết quả như mong muốn. Lần đầu tiên khi chúng tôi đội chiếc mũ EPOC vào (thời đó hình dáng còn rất thô sơ) và nhìn thấy khối hộp trên màn hình chuyển động theo ý nghĩ của mình, cả “team” đã sung sướng đến chảy nước mắt và hò reo kịch liệt. Sau đó, cả đội kéo nhau đi cà phê sáng ăn mừng, mặc dù lúc đó là 9 giờ rưỡi sáng của ngày làm việc thứ 3 liên tiếp không ngủ.

EPOC có phát triển tiếp? Ví dụ thành một chiếc máy phát hiện nói dối?

EPOC luôn luôn phát triển cũng như nền khoa học kỹ thuật của nhân loại, nó không bao giờ dừng lại. Nhưng nếu hỏi trong tương lai nó có trở thành chiếc máy phát hiện nói dối hay không thì câu trả lời chắc chắn là không. Lí do đơn giản là vì trước khi trở thành EPOC của ngày hôm nay thì nó đã có thể là chiếc máy phát hiện nói dối từ nhiều năm trước. Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến một tương lai của khoa học kỹ thuật mà máy móc không những chỉ có khả năng thực hiện mệnh lệnh của con người, chúng cần phải hiểu được con người nữa. Nếu bạn nhìn vào sự kết nối giữa con người và máy móc suốt chiều dài lịch sử, chúng ta luôn luôn chủ động ra lệnh cho máy móc một cách rất cụ thể dù là việc đơn giản nhất như bật tắt bóng đèn cho đến việc phức tạp như lập trình robot. Tuy nhiên, sự kết nối giữa con người với con người luôn ở một tầm cao hơn hẳn, vì chúng ta luôn luôn lấy và phân tích những thông tin khác như biểu lộ nét mặt, ngôn ngữ cơ thể và cả cảm xúc của người đối diện. Tại Emotiv, chúng tôi phát triển công nghệ để giúp cho máy móc không chỉ hiểu chúng ta muốn gì mà phải hiểu cả chúng ta nghĩ gì và cảm xúc của chúng ta tại thời điểm đó như thế nào. Trong tương lai, sử dụng một chiếc máy tính không có EPOC cũng sẽ như có một người bạn chẳng hiểu gì về mình.

Với tốc độ phát triển này, liệu tới lúc nào đó chúng ta sẽ trở nên lười biếng cả trong hoạt động và suy nghĩ, do quá phụ thuộc vào máy móc? Đơn giản là bây giờ chẳng mấy ai nhớ được một số điện thoại của bạn bè nữa?

Tôi nghĩ con người sẽ chẳng bao giờ trở nên lười biếng trong hoạt động và suy nghĩ vì sự tìm tòi và phát triển là bản năng của con người, là điểm khác biệt lớn nhất giữa con người và động vật, là nguyên nhân tạo ra nền văn minh của chúng ta hiện nay. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, qua một quá trình dài, con người có thể thay đổi cách suy nghĩ và tiếp cận vấn đề, thay đổi các hoạt động trong cuộc sống nhưng lười biếng thì không bao giờ. Chúng ta luôn tìm cách để làm cho công việc trở nên dễ dàng, thuận lợi và văn minh hơn, đó luôn là mục tiêu của con người. Để bạn không phải nhớ các số điện thoại càng ngày càng dài ra thì phải có rất nhiều người bỏ công “suy nghĩ” và “hoạt động” để làm ra chiếc máy điện thoại có khả năng đó.

Anh có khi nào mong dùng được chiếc máy này để hiểu cảm xúc người phụ nữ của riêng mình? Đàn ông vốn vẫn than phiền rằng phụ nữ khó hiểu đó thôi…

Nếu phải dùng đến EPOC để tìm hiểu cảm xúc của người phụ nữ của mình thì chẳng khác nào bây giờ bạn là cái máy. Máy móc không có khả năng đó nên chúng tôi mới phải nghiên cứu để chúng phục vụ chúng ta tốt hơn, hiệu quả hơn. Con người sinh ra vốn dĩ đã có khả năng này rồi, nếu người đàn ông chưa hiểu người phụ nữ của bản thân mình thì tức là anh ta chưa thật sự muốn hiểu, chưa thật sự để ý đến việc “nhận tín hiệu”. Còn than phiền về “nàng thật là khó hiểu” thì chính là “nghề của chàng” và có khi nó lại nhằm phục vụ một mục đích khác.

Trở lại show diễn mà anh đã tổ chức trong năm vừa qua. Để một ban nhạc quốc tế như BSB nhận
lời tới diễn ở một thị trường mà khả năng bán đĩa gần như “zero” như Việt Nam, anh phải trả mức cát-sê cao hơn bao nhiêu lần?

Nếu làm tròn số thì thị truờng bán nhạc ở Việt Nam đúng là “zero”, tuy nhiên, tình yêu âm nhạc, sự nồng nhiệt thì chúng ta không thua kém các nước khác. Điển hình như bạn có thể thấy qua concert của BSB tại Việt Nam, hơn 50 ngàn khán giả có mặt tại 2 show diễn của họ tại Tp.HCM và Hà Nội. Cát-sê mà nói thì đối với các ban nhạc tầm cỡ quốc tế, họ có những điểm chặn dưới rất cao, lí do chủ yếu là họ thường có một đội ngũ đi kèm đông đảo và rất giỏi. Đối với BSB, chúng tôi hoàn toàn không phải trả giá cao hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, nếu biểu diễn tại Việt Nam thì toàn bộ ê-kíp gần 30 con người phải tốn đến 1 tuần “đi công tác”, việc chi phí thù lao cho họ cao hơn các show diễn khác tại Mỹ là điều hoàn toàn công bằng.



Khi chưa có thị trường mà kỳ vọng vào lãi thì mới là phi thực tế.

Theo anh, điều gì là lý do chính khiến BSB (và các nhóm nhạc/ca sĩ quốc tế khác) nhận lời tới diễn ở Việt Nam?

Như tôi đã nói, người Việt Nam tuy sức mua còn thấp vì thu nhập chung vẫn nằm suýt soát trong nhóm các nước nghèo, nhưng tình yêu âm nhạc và sự cuồng nhiệt thì chúng ta lại không thua kém. Là nghệ sỹ, ai cũng mong muốn đem âm nhạc của mình tới tất cả mọi người. Đây là cách nghệ sỹ mang tầm ảnh hưởng của mình vào xã hội, là cách họ đóng góp cho xã hội và là ước mơ chân chính của họ. Nếu có thể làm cho họ thấy được điều này thì dù có khó khăn, họ vẫn sẵn sàng biểu diễn. Đối với BSB, đây chính là yếu tố quan trọng nhất. Mang âm nhạc của mình trực tiếp tới hàng chục ngàn khán giả Việt Nam và thông qua đó, ảnh hưởng tích cực tới hàng triệu người một cách gián tiếp.

Điều cuối cùng mà họ nói với anh trước khi rời khỏi Việt Nam là gì?

Trong nhóm 4 người, tôi hay đi chơi với AJ nhất vì tính anh ta rất sôi nổi. Tuy nhiên, vợ chồng Howie lại là nhũng người tôi nói chuyện nhiều nhất. Trước khi đi, Howie có nói với tôi là họ đã đi biểu diễn gần như tất cả mọi nơi trên thế giới. Ở đâu họ cũng nhận được sự tiếp đón chu đáo và đầy đủ. Có những show diễn ở Brasil mà 40 ngàn người cắm trại trước khách sạn họ ở hò hát thâu đêm suốt 4 ngày họ ở đó. Có những nước mà học sinh, sinh viên cắm trại tại sân vận động 1 tháng trước buổi biểu diễn không chịu về đi học. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít nơi để lại ấn tượng sâu đậm nhất với họ. Không phải vì cơ sở hạ tầng của chúng ta tốt nhất, không phải vì fan của chúng ta biết thể hiện một cách cuồng nhiệt nhất, càng không phải vì đây là show diễn hoành tráng nhất, mà là vì họ thực sự cảm nhận được tình cảm rất chân thành từ tất cả những người họ được tiếp xúc, từ đội ngũ làm việc đến fan hâm mộ, từ người hướng dẫn du lịch đến những người bán quán ven đường. Tình cảm chân thành luôn luôn là cái con người có thể cảm nhận được rất chính xác. Kể từ lúc họ trở về Mỹ, mỗi lần tôi qua bên đó họ đều liên lạc và tiếp đón rất long trọng. Tôi cũng được biết qua nhiều bạn bè trong lĩnh vực giải trí là BSB đi đâu cũng nói rất tốt về Việt Nam và luôn khuyên các nghệ sỹ khác là nếu có dịp, hãy tới Việt Nam, họ sẽ không bao giờ thất vọng.

Được biết, trước đó anh đã có ý định mời Celine Dion về diễn (và cô đã nhận lời) nhưng các điều khoản khó có thể đáp ứng được. Anh có cho rằng đây là một quyết định quá mạo hiểm và phi thực tế của mình, khi mà một show với mức giá “chấp nhận được” như BSB mà vẫn không có lãi?

Hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều người có quan điểm không lành mạnh về kinh doanh. Họ nghĩ, làm cái gì cũng phải có tiền ngay thì mới là kinh doanh. Chính nó làm hạn chế sự phát triển ở nước ta, không phải chỉ trong ngành công nghiệp giải trí mà tất cả các ngành khác. Nó làm chúng ta giảm tinh thần đầu tư và chấp nhận rủi ro, tất yếu dẫn đến giảm thiểu thị trường và lợi nhuận về lâu dài. Thị trường giải trí ở nước ta là rất tiềm năng, tuy nhiên, hiện tại thì như ta đã nói, nếu làm tròn số thì coi như bằng không. Để có thị trường thì đầu tư là tất yếu. Khi chưa có thị trường mà kỳ vọng vào lãi mới là phi thực tế.

Trong lĩnh vực âm nhạc này, nếu công ty nào kinh doanh với mục đích kiếm lời trước mắt thì sẽ sớm thất vọng và nản chí vì họ sẽ nhận ra ngay là thị trường chưa có. Để có thị trường trong vòng 5 năm nữa thì chúng ta phải đầu tư ngay từ bây giờ. Mạo hiểm? Chắc chắn là mạo hiểm, nhưng tôi luôn luôn tin tưởng vào sự công bằng của xã hội, bạn đem đến cho xã hội đủ nhiều giá trị thì xã hội sẽ trả lại bạn đủ nhiều lợi nhuận. Tiền lãi là hệ quả của giá trị đóng góp, không phải và không nên là mục tiêu của kinh doanh.

Thị trường show diễn quốc tế tại Việt Nam năm 2012 có khả năng sôi động hơn sau những “cú hích” 2011 không?

Theo tôi, sau sự bùng nổ năm 2011, sẽ có sự lắng xuống trong năm 2012. Tuy nhiên, sự lắng xuống này không phải do nền kinh tế đang khó khăn mà là do những người “phi thực tế”, kỳ vọng vào lãi ngay từ ngày đầu tiên sẽ biến mất. Thay vào đó là các doanh nghiệp biết cách đầu tư và trường vốn. Có thể sẽ không có 3-4 show diễn “high-profile” như 2011 mà chỉ là 1 hoặc cùng lắm là 2, nhưng các khán giả sẽ có nhiều những show diễn chất lượng cao hơn hẳn mặc dù có thể độ hoành tráng không bằng. Như thế thì đi xem concert mới thực sự trở thành một phần của cuộc sống chứ không phải chỉ là trào lưu như năm nay. Đứng về mặt thị trường, 2012 sẽ tốt hơn hẳn 2011.

Một câu hỏi cuối cùng, cũng liên quan tới âm nhạc: những cây đàn ghi-ta mà anh thường để ở nhà và nơi làm việc có tác dụng: xả stress/ thể hiện tình yêu âm nhạc/thời gian để suy nghĩ và sáng tạo?

“Show off”! Tôi chơi ghi-ta tương đối tồi mặc dù có cả thời học sinh sinh viên ôm đàn tưởng tượng ra mình là Slash. Giờ thì tôi có thú vui sưu tầm ghi-ta. Một phần lớn vì tôi luôn tôn trọng cái đẹp và nghệ thuật thủ công mà nhạc cụ thì là một điển hình của cả hai điều này. Bên cạnh đó, nó luôn giúp bạn thư thái hơn và luôn giữ gìn được những ước mơ thời còn nhỏ. Giờ đây, thỉnh thoảng tôi vẫn ôm đàn và vẫn nghĩ mình là Slash cơ mà!


Bài QUẾ SAN

Ảnh: TUẤN FR


From the same category