đều thanh cao, tài năng đều lỗi lạc. Đã thế, phong khí bọn họ lại cô ngạo bất
cần, thẩm mỹ thì “bông gu” đẫm đầy tinh tế. “Chè ngon xin chớ ướp hoa. Ướp hoa
khó biết đâu là chè ngon”. Đây là hai câu thơ đã được lục bát ra Nôm của danh sĩ
Cao Bá Quát (1809 – 1855), một người đàn ông Việt tinh hoa kiêu sa vô đối.
Tương
truyền cái tuyên bố khét tiếng của ông “thiên hạ có ba bồ chữ thì một mình Quát
này chiếm hai bồ” được đám văn nhân tài tử đương thời xứ Sơn Nam hạ, hầu hết đều là những kẻ “chẳng ai chịu về nhì”,
chân thành cho là rất xứng. Ông Cao còn là quân tử thẳng lưng “uy vũ bất năng
khuất”, cuộc khởi nghĩa “giặc châu chấu” chống triều đình hủ bại Tự Đức mà ông
trực tiếp tham gia với tư cách quốc sư đã minh chứng điều đó. Vậy mà ông Cao đã
từng “nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, sụp xuống lạy một cành hoa mai.
Này, cành hoa kia, xin làm ơn cho đám hậu học đi sau tủi thân được biết, tại sao
một đại danh sĩ khí tiết lồng lộng như vậy lại phải khấu đầu trước mi.
Hơn một trăm năm sau, cái vấn nạn ấy hình như được Kim Dung tiên sinh, đại văn
sĩ quê Trung Hoa đại lục, lờ mờ trả lời ở trong bộ tiểu thuyết “Hiệp khách hành”
(NXB Văn Học – 2003).
Cuốn kỳ thư này kể về cuộc đời một cậu bé chân chất lương thiện, mồ côi khốn nạn tới mức bị
gọi là Cẩu tạp Chủng (đồ chó đẻ hoang). Trải qua nhiều biến cố thăng trầm long đong vất vả
“nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương” (Kiều), rồi nhờ thuần hậu nên một ngày kia
cậu bé bỗng thành “thiên hạ đệ nhất võ công”, một thứ danh hiệu mà không biết
bao nhiêu siêu việt đàn ông hoặc cần cù khổ luyện hoặc la liếm quỳ lạy mong có được nó. Vào cái hôm cậu bé vô học không biết chữ, đột
nhiên vô thức đạt tới cảnh giới “đệ nhất nhân”, may mắn làm sao trời cao có mắt,
cậu được sự ấn chứng của hai tuyệt đại cao thủ, Long và Mộc đảo chúa.
Cả hai
đích thực võ lâm chí tôn, ngay cả đám đệ tử loại hai loại ba của họ, nhỡ có
trượt chân ra đời sa vào vòng dung tục danh lợi, thì hèn nhất cũng phải cỡ giáo sư, tiến sĩ, thứ
trưởng. Thế mà, khi bất ngờ chứng kiến cậu bé luyện công đại thành, “Long đảo
chúa nói “huynh đệ được trời phú cho kỳ tài, Thật đáng mừng, thật là đáng mừng,
xin nhận của lão phu một lạy”. Lão nói xong phục xuống lạy, Mộc đảo chúa cũng
sụp lạy theo” (Sách đã dẫn – Tập 2, trang 520). Nên nhớ rằng, cả đời hai lão
quái hiệp Khuyến Thiện Trừng ác này chẳng bao giờ lạy ai, mà chỉ vô vàn cao thủ văn nhân trí thức xếp hàng đôi quỳ lạy hai lão.
Vì
thế cậu bé cả kinh “vội quỳ xuống khấu đầu lia lịa, trán dập xuống đất kêu binh binh”. Cao
cả thay là những tấm lòng liên tài biết sợ trời. Tất tật đàn ông tử tế đọc tới đây chắc đều
mơ hồ ngộ ra được một điều, tại sao Cao Chu Thần lại “đê thủ bái mai hoa”.
Đàn ông đã thật có tài, thật có đức thường chỉ run sợ khi bất chợt hạnh phúc
được đối diện với những gì trong trắng tối thượng linh diệu của tạo hóa. Hoặc đấy là một đóa hoa đơn sơ nở giữa bao
nhiêu bạc bẽo tuyệt vọng. Hoặc đấy là núi cao mây mù, hoặc đấy là trường giang
cuồn cuộn. Hoặc nữa, đấy là sự tuẫn tiết hy sinh của một đoan trang mỹ nhân, hay
là sự kết thúc có hậu đầy
bi tráng của một vị tha đại hiệp đang tuyệt lộ. Dường như toàn bộ linh khí
thiêng liêng của giời đất bỗng “tự nhiên nhi nhiên” ngưng tụ vào vật đấy người
đấy. Không thể không quỳ lạy.
Đáng thương thay cho những đàn ông tự hào cả đời
mình chỉ biết đứng. Được tận mắt thấy sự huyền diệu của Thiên Địa phi thường,
con người ta mới phóng khoáng sâu sắc biết được cái nhỏ nhoi của kiếp người vớ
vẩn. “Ngẫm trời đất vô cùng. Một mình tuôn giọt lệ”, thi hào Trần Tử Ngang đời
sơ Đường đã vừa khóc vừa quỳ như vậy trước mênh mang vũ trụ.
Đàn ông hiên ngang biết quỳ lạy, thì may mắn thay, thời nào cũng có. Thời nay
vẫn đang có và hình như có đông nhất là ở giải vô địch bóng đá quốc gia V-league. Chuyện cầu thủ ở mọi vị trí bỗng rưng rưng vái lạy trọng tài đã thành cơm bữa, dù VFF bằng mọi
nỗ lực cố không khuyến khích. Tiền đạo lừng danh số 1 Việt Nam Lê Công Vinh là
điển hình ví dụ. Vào lúc chót vót kịch tính của trận cầu giữa Đồng Tháp và Hà
Nội T&T, đột nhiên danh thủ họ Lê chợt bi tráng “đê thủ bái” trọng tài. Một cảnh
tượng huy hoàng nghẹt thở, tuy chưa kịp đưa vào văn vào thơ vào phim nhựa, nhưng
cũng nhan nhản ngập tràn trên các trang báo thể thao.
Độc giả nồng nhiệt “còm”
và tất nhiên trong đó có lồ lộ thắc mắc. Công Vinh rõ ràng là một đàn ông song toàn tài đức, nên việc thỉnh thoảng xúc động quỳ lạy trước
một cái gì vốn là lẽ đương nhiên. Chỉ có điều, hình như trọng tài chưa hẳn là
vật được thiên địa hun đúc thành khối, mặc dù nhiều người được “hun” (công nghệ
hiện đại gọi là mạ) tới cảnh giới “đạn bắn không thủng”. Hơn nữa, kể cả đẹp giai
thì chưa bao giờ chưa ở đâu, dung nhan trọng tài lại giông giống như hoa mai đang nở.
Này, trọng tài, xin làm ơn cho khán giả được biết. Tại sao một tiền đạo hoành
tráng như vậy lại khấu đầu trước ông. Để trả lời rốt ráo cho vấn nạn này, theo
một vài học giả có bằng tiến sĩ thể chất thì nhân loại sẽ mất khoảng chừng trăm
năm nữa.
Xã hội văn minh tươi đẹp hôm nay, kinh tế thị trường vũ bão phát triển. Để “y
phục xứng kỳ đức”, nó không thích những đàn ông biết quỳ mà chỉ thích những chủ
nhân ông tự tin biết bay biết nhảy, biết đoán trước giá vàng biết chạy thành
quan chức. Dù lần đầu tiên được thấy sông dài biển rộng, những ông chủ này cũng
vẫn ưỡn ngực phanh áo không lạy bao giờ. Tất nhiên, đôi lúc thanh thản thỏa mãn, bọn họ cũng lầm rầm vừa quỳ vừa khấn. Nhưng quỳ lạy
trước cái gì lại là điều tuyệt bí mật.
Đại loại, nó được bí mật giữ gìn như số lượng tiền của họ đã và đang gửi ở ngân
hàng.
Nguyễn Việt Hà