Tránh “sát thủ đeo nơ hồng” - Tạp chí Đẹp

Tránh “sát thủ đeo nơ hồng”

Sức Khỏe

>> Ung thư không còn là “án tử”
>> Chiếc nơ hồng – hãy đeo và chia sẻ

Giữ vị trí đầu bảng trong số các bệnh ung thư phụ khoa, ung thư vú luôn là nỗi
ám ảnh đối với nhiều phụ nữ. Xác suất phải đón nhận những tháng ngày đen tối và
sợ hãi sẽ giảm đi nhiều nếu chúng ta biết cách giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh,
không phớt lờ việc thăm khám và đánh giá đúng vai trò của dinh dưỡng trong điều
trị.



1. Phát hiện sớm, điều trị tốt, khả năng khỏi bệnh hơn 90%

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Huy Quốc Thịnh,
Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM

Ung thư vú là loại ung thư diễn tiến chậm, đáp ứng điều trị rất tốt nếu được
phát hiện sớm nhưng vẫn là loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ do thường
được phát hiện trễ. Đây là lý do việc tầm soát ung thư vú cực kỳ quan trọng với
phụ nữ từ sau tuổi 30. Ở độ tuổi này, nếu không thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ
cao (đã bị ung thư và cắt một bên vú, có mẹ, chị bị ung thư vú…), cần khám lâm
sàng và siêu âm tuyến vú mỗi năm/lần. Tuyến vú của phụ nữ Việt Nam mỏng nên việc
khám lâm sàng và siêu âm có thể giúp phát hiện bệnh sớm.

Nhiều người vẫn nghĩ siêu âm vú là phương tiện tầm soát tốt nhất nên thực hiện
hàng năm mà bỏ qua khám lâm sàng, vì ngại. Siêu âm cho thấy nhiều bệnh vùng vú
như nang vú, u lành hay ác, viêm vú, tổn thương giả u… nhưng không giúp cảm
nhận được độ cứng, mềm của mô vú – cũng là dấu hiệu giúp chẩn đoán ung thư…
Phụ nữ dưới 25 tuổi nếu có bướu thì đa phần là bướu lành tính, nhưng vẫn phải đi
thăm khám khi thấy dấu hiệu bất thường ở tuyến vú. Sau tuổi 45, cần chụp nhũ ảnh
2 năm/lần để tầm soát ung thư vú. Người trẻ thực hiện việc này thường xuyên sẽ
không có lợi mà còn làm gia tăng nguy cơ tích lũy liều phóng xạ do chụp nhũ ảnh.

Hiện nay, số phụ nữ được điều trị ung thư vú bảo tồn (chỉ cắt bỏ vùng khối u,
không cắt hết vú) đã tăng lên nhờ được phát hiện sớm và có nhiều tiến bộ trong
xạ trị, hóa trị. Có tới 50-60% phụ nữ bị ung thư vú có liên quan đến lượng
hóc-môn estrogen. Nếu có kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn, không sinh con, không
cho con bú là thuộc nhóm có nguy cơ ung thư vú cao.


“Việc mang thai, cho con bú sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư vú. “


2. Nên sinh con trước tuổi 30


Thạc sĩ – bác sĩ  Võ Triệu Đạt, khoa Phụ sản, Bệnh viện FV





Nhiều người chưa quen tự khám vú để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường như:
xuất hiện một hay nhiều khối dạng u ở một hay hai bên vú, những biến dạng của da
vùng vú và núm vú. Hiểu được căn nguyên và yếu tố gây ung thư vú (ngoài yếu tố
do di truyền) sẽ giúp phòng ngừa sự xuất hiện của bệnh và hạ thấp tỷ lệ bệnh này.





Nguyên nhân nội tiết, đặc biệt là cường estrogen là yếu tố nguy cơ cao đối với
ung thư vú, vì bệnh này phụ thuộc vào hóc-môn. Nói tổng quát, nguy cơ bị ung thư
vú tăng lên cùng số chu kỳ kinh, dù tự nhiên hay nhân tạo (do dùng viên thuốc
hóc-môn thay thế kết hợp estro-progestin). Điều này có nghĩa, mãn kinh trễ hay
dậy thì sớm hoặc điều trị hóc-môn thay thế (thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh
hoặc phụ nữ bị cắt bỏ buồng trứng) đều làm tăng số chu kỳ kinh và đều là yếu tố
nguy cơ của ung thư vú. Liệu pháp hóc-môn thay thế ở phụ nữ vốn được xem là biện
pháp níu giữ tuổi thanh xuân nhưng lại là con dao hai lưỡi, đòi hỏi phải sử dụng
đủ, đúng chỉ định, nếu không sẽ làm tăng khả năng ung thư vú và ung thư nội mạc
tử cung. Khi muốn dùng hóc-môn thay thế, cần kiểm tra phụ khoa trước, định kỳ
mỗi ba tháng để bác sĩ khám và làm xét nghiệm tầm soát ung thư vú.





Việc mang thai, cho con bú giúp giảm số chu kỳ kinh trong đời, nhờ thế giúp giảm
nguy cơ ung thư vú. Những người từng mang thai hoặc mang thai sau 30 tuổi cần
lưu ý vì đã nằm trong nhóm nguy cơ ung thư vú. Việc giảm số chu kỳ kinh trước 30
tuổi bằng việc mang thai giúp bảo vệ vú bằng cách biến đổi các tế bào tuyến vú
theo chiều hướng trở thành những tế bào biệt hóa tốt, “hững hờ” hơn với các chất
sinh ung thư hay sự tác động của nội tiết tố.





3. Đừng xem nhẹ vấn đề dinh dưỡng




Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Nguyễn Trung Đức Sơn, Giảng viên thỉnh giảng bộ môn Dinh
Dưỡng –

An toàn thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

“Cần có chế độ ăn giàu năng lượng, đạm nhưng dễ tiêu.”

Người bệnh ung thư bị tiêu hao nhiều năng lượng do liên tục có các đáp ứng viêm
của cơ thể với tế bào ung thư. Vì thế, nhu cầu năng lượng, dưỡng chất cao hơn
bình thường. Tuy nhiên, sự đau đớn do bệnh, khó khăn trong ăn uống và các hoạt
chất sinh học sinh ra trong quá trình bệnh làm giảm sự thèm ăn và ngon miệng.
Nếu không có sự can thiệp về thuốc, dinh dưỡng hợp lý, quá trình này sẽ khiến
người bệnh sụt cân, suy kiệt, giảm đáp ứng điều trị đặc hiệu và giảm chất lượng
sống, đồng thời làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng, tử vong.

Cần có chế độ ăn giàu năng lượng, đạm nhưng dễ tiêu. Chia nhiều bữa để ăn nhiều
hơn nhưng không đầy bụng. Bổ sung thức uống đặc biệt có chứa dưỡng chất, sữa,
nước ép trái cây, rau, thịt. Nếu nuốt khó, nên nghiền, trộn, xay nhuyễn… thức
ăn. Tránh nhiều gia vị, dầu mỡ, nặng mùi, cay nồng, nướng, rán… Cần bổ sung
axit Eicosapentaenoic (EPA), một loại axit béo omega 3 chuỗi dài nhiều nối đôi
mà cơ thể không tự tổng hợp được. EPA giúp giảm đáp ứng viêm bằng cách giảm sản
xuất các chất tiền viêm và viêm, giảm phân hủy cơ, giúp giảm sụt cân, phòng ngừa
biến chứng, tăng hiệu quả điều trị. EPA có nhiều trong cá thu, cá mòi, cá hồi,
cá trích…

Có quan niệm cho rằng nên nhịn ăn hay chỉ ăn gạo lứt – muối mè để cơ
thể không đủ dinh dưỡng nuôi khối u, làm chúng teo đi. Điều này là sai lầm, thậm
chí có thể gây tử vong. Phụ nữ mắc ung thư vú cần tránh thực phẩm có nhiều chất
liên quan đến việc tăng estrogen – nội tiết tố có liên quan tới sự hình thành,
phát triển khối u vú. Nên ăn nhiều xà lách, rau cải, súp lơ, cải củ… các loại
đậu, đặc biệt là đậu nành.

Thực hiện: depweb

14/10/2011, 10:03