Các tác phẩm mang đậm một cái tôi thách thức, quyết liệt, nhưng cũng trễ
nải và chìm trôi trong một thế giới sôi động.
Trần Thị Hương sinh năm 1983, tốt nghiệp khoa Hội họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam
năm 2009, hiện là giảng viên khoa Hội họa – Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Cô đang
theo học Cao học Hội họa. “Made in Hương” là triển lãm cá nhân đầu tiên của cô, bày tại VietArt Center năm 2011 với các chất liệu sơn dầu, khảm trai, đá…
Hương vẽ nhiều nhân vật, những cô gái, chàng trai với ngoại hình phong cách khá
quen thuộc. họ là những người trẻ, có mái tóc nhuộm nhiều màu,trang phục, và cả
phụ kiện kèm theo cực kỳ sành điệu. Những lát cắt “focus” (nhấn) vào những chi
tiết nhỏ như chỉ một bờ vai trần nuột nà với lọn tóc xoăn rất đỏm dáng thả dài
trên bộ ngực trần của một cô gái; hoặc một bàn tay cầm thuốc lá rất kiểu cách, kèm theo phụ kiện là chiếc nhẫn đeo ở ngón tay cái trông rất khiêu
khích, một chiếc đồng hồ màu xanh… Cũng có lúc là những chiếc vòng đeo cổ trông
rất đương đại, mang hơi hướng của người đàn bà đỏm dáng.
Thế nhưng, đằng sau
những chân dung, những tư thế rất cao ngạo ấy, là những chân dung, mang khuôn mặt hương,hoặc phảng phất hương, được tạo ra
bởi hương. Đó là những cô gái có đôi môi dày trễ nải, gợi cảm bởi những đôi vai trần, hiển lộ những vẻ đẹp thanh xuân căng tràn sức sống, nhưng cũng lạ thay, và đối nghịch
thay bởi chi tiết những đôi mắt.
Có hai trạng thái của đôi mắt: Một là những đôi
mắt rất đẹp, lông mi dày, rợn ngợp, và mở thật to, kiêu kỳ nhưng lại hơi e ngại,
băn khoăn và đầy hoài nghi (Tác phẩm “Báo đen”, “Mắt cá”…). hai là những đôi mắt
bị bịt lại, che lại, hoặc là mắt nhắm lại, hờ hững, hoặc đeo kính đen, che giấu
điều gì trong ánh mắt như không muốn nhìn, không nhìn được. Đó phải chăng là
những trạng thái vẫn xảy ra thường ngày, với những va đập xung quanh khiến cơ
chế của con người luôn phải lựa chọn một thái độ đóng hay mở, hay phải tiếp nhận
chúng bằng cách nào để tránh cho chính bản thân mình không bị tổn thương?
Trong “Party”, có ba cô gái ngồi trên cùng một chiếc
ghế sau của ô tô, ba cô gái, ba phong cách, ba trạng thái. Mỗi cô một màu tóc,
một kiểu trang phục khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là cực kỳ gợi cảm. Ba
cô gái ấy rất sexy, kiêu kỳ, đầy nhục dục, mỗi người một tư thế, người cầm điếu
thuốc, người cầm điện thoại, người cầm chai rượu Pinot Noir. Ngồi cùng nhau,
nhưng dường như họ không có sự kết nối nào cả, mà mỗi người một thế giới, một tâm tư riêng và trông họ thật lạc lõng với thế giới của mình.
Tác phẩm “góc riêng” cũng là một hàng ghế có 3 người đàn ông cởi trần xăm trổ đầy
mình và một cô gái mặc váy cực ngắn màu hồng, chân đi tất ren cao tới đùi và một
đôi giày thật cao, tay cô cầm điếu thuốc đặt hờ hững lên chân người đàn ông bên cạnh. Khuôn mặt của ba người đàn ông cởi
trần ấy phải chăng cũng chỉ là hiện thân của hương, của một bộ phận người sống
xung quanh hương với các trạng thái khác nhau. Chẳng thấy ai vui, chẳng thấy ai
hồn nhiên, ai cũng đang sống và thật trầm khác hẳn với những gì họ đang khoác trên mình như một lớp vỏ của hình dạng.
Và rồi đằng sau tất cả những lớp vỏ ấy là một trạng thái lơ lửng
và lộn ngược lại với thế giới xung quanh. Những cú rơi như những thứ trôi bảng
lảng với chú chim bay xung quanh như một giấc mơ không bị ai đó đánh thức, “cứ
mãi chìm trôi”, hay trong “Tồn tại” với những cú lộn ngược với những đôi giày thời trang như sắp bị chôn vùi bởi thế giới đồ vật.
Trần Thị Hương đã chọn cho mình một con đường đi mang màu sắc Pop art, rất đương
đại, bản năng, và đầy cảm xúc.
Bài: Bầu