Trên chuyến tàu miệt mài phăm phăm về phía trước ấy, hẳn hành khách chúng ta chỉ
háo hức dừng chân ở các ga lớn, rực rỡ, sôi động…
Trên chuyến tàu chộn rộn miên man ấy, hẳn chúng ta không có thì giờ ghé thăm các
ga xép. Để, đôi khi, bắt gặp ở đây chút bồi hồi, xao xuyến…
Trên chuyến tàu của mình, nữ đạo diễn Việt Linh hẳn đã dừng chân ở nhiều ga xép
như vậy. Và, đôi khi, chị muốn chia sẻ cùng chúng ta…
1. Ông già sống cạnh công viên. Mấy mươi năm nay, trừ lúc đi xa hoặc ốm đau, mỗi
ngày ông vẫn hay bách bộ ra công viên hóng gió, cho chim ăn như một nhịp đời
không thể thiếu. Ông luôn nhớ đám bồ câu, đám chim sẻ cứ nhác thấy bóng ông là
ríu rít vây quanh, như anh chị em ông lít nhít năm xưa vây quanh mẹ chờ chia
bánh. Đám chim cũng nhớ ông, cứ hớn hở khi thấy ông xuất hiện. Đó là ông tự nghĩ,
chứ lũ chim kia thì biết nhớ nhung gì, chỉ đơn giản theo người để kiếm ăn thôi.
Vậy rồi bỗng dưng các con ông nói dứt khoát không được cho chim ăn nữa. Rằng do
lũ bồ câu sinh sản vô độ, gây mất vệ sinh thành phố nên chính phủ Pháp phải ra
lệnh cấm cho chim ăn. Ai cho ăn sẽ bị phạt. Nhìn lũ chim xác xơ ông già quá xót
xa, nhưng các con ông nói người ta đã đăng bảng thông báo, ông mà lộn xộn có
ngày bị phạt. Các con ông không dọa, trong công viên luôn có nàng trực ban đi
rảo rảo, trước để canh chừng tai nạn trẻ em, nay canh me thêm mấy ông bà lão tốt
bụng.
Ông già rốt cuộc cũng nghĩ ra được cách: chọn một băng ghế ở mép này công viên,
đợi trực ban đi qua mép kia thì… động thủ. Dăm con bồ câu, chim sẻ thấy ông ngồi
xuống, mon men đi tới, líu chiu, líu chít. Ông nhìn chúng, rên khẽ: “Chỉ ăn thôi,
đừng kêu…”. Có vẻ như chúng hiểu, nhưng ông vừa thảy tung bánh ra thì hàng mấy
chục con ào tới. Một góc công viên náo động tiếng hân hoan. Ông già quýnh quáng
la lũ chim: “Đồ ngu, kêu om sòm, con nhỏ đó quay lại bây giờ !”.
Nàng trực ban quay lại thật, nhìn ông nghiêm khắc: “Ông không đọc thông báo sao?
Lần nữa tôi sẽ phạt”. Ông già lắp bắp: “Thấy tụi nó đói tội nghiệp…”. Nàng trực
ban nhún vai: “Tôi biết, nhưng thương chim là làm khổ con người”. Ông già rúm
vai, buồn hiu.
2. Phía sau cao ốc chung cư nhà chị lâu nay có một khoảnh sân vài chục mét vuông bỏ
hoang, cây cỏ mọc um tùm. Đầu hè vừa qua, không biết từ ý tưởng của ai, ban quản
trị đưa ra thông báo: “Bắt đầu hôm nay, nếu muốn, mọi người có thể đặt cây cối,
hoa kiểng ở sân này”. Như chẳng còn gì hưng phấn hơn, chỉ trong một ngày có đến
vài chục chậu cây èo uột do thiếu sương, thiếu gió được các chủ nhân mang xuống,
trong đó nhà chị có ba chậu. Đặt cây trên nền đất chang chang nắng chang chang
gió, chị rất vui, mường tượng chỉ vài tuần thôi những thân cây yêu quý nhưng còi
cọc của mình sẽ hồi sức, trổ hoa trở lại…
Hai ngày sau, vợ chồng chị háo hức xuống thăm cây, không quên mang theo chai
nước tưới. Từ xa, chị cau mày thảng thốt: khác đinh ninh xanh tươi, tất cả cây
của chị đều đột nhiên cú rũ. Chị lao tới, hiểu ngay nguyên nhân khi thấy cả ba
đều… ngập nước! Khi này, chồng chị mới phát hiện ra ở cuối bảng thông báo có một
câu thiết tha: “Cảm ơn tôn trọng cây của người khác. Cảm ơn tưới giúp các cây
bên cạnh khi có điều kiện”. Rõ ràng ai đó đã có điều kiện – dư nước, dư lòng tốt
– tưới giúp đám cây của chị. Và hình như không chỉ một người tốt, bởi xung quanh
có rất nhiều cây bị ngập. Vợ chồng chị lui cui trút nước ra, nghĩ tại “vườn mới”
nên ai cũng nhiệt thành.
Ba ngày sau xuống thăm cây, chị nhói tim thấy một cây
chết hẳn, hai gốc kia – cũng lại – nước dầm dề. Quá thương cây, chị quyết định
phản đối… lòng tốt bằng cách cắm vào mỗi gốc cây tấm biển “Làm ơn không tưới cây
này”. Nhờ hai tấm biển trớ trêu, đám cây ngoắc ngoải suýt tiêu của chị bắt đầu
tươi tắn lại. Nhưng chị không thấy vui, bởi biết chắc những dòng chữ kia đã làm
ai đó bẽ bàng…
3. Ông không bao giờ hiểu vì sao người vợ sau của ông lại nghiệt ngã, xung khắc với
con riêng mình đến vậy. Nhưng con gái ông biết. Biết từ buổi tối quan trọng ông
chính thức mời nó ăn cơm cùng với người phụ nữ mà ông tuyên bố sẽ đi bước nữa.
Trong bữa cơm vui vẻ, ấm áp, riêng tư đó, trước mặt đứa con gái hai mươi hai
tuổi của người vợ trước, vị cán bộ miền Nam tập kết hiền lành, trung thực đã tâm
tình gan ruột với mẹ kế tương lai của con: “X. là kỷ niệm mối tình đầu của anh.
Mẹ X. là một phụ nữ tốt, đã chờ anh biền biệt suốt mười năm mới chịu lấy chồng.
Mẹ X. đẹp, mà phụ nữ đẹp thì cuộc sống trong vùng địch càng nguy hiểm, nhọc nhằn.
Chia tay, nhưng anh luôn cảm thông, tôn trọng cô ấy…”.
Bằng sự trung thực, chân thành nhất, người đàn ông không hiểu mình đã vô ý làm
đau người phụ nữ mà ông quyết định chung sống cả phần đời còn lại. Bằng sự trung
thực, chân thành nhất, người đàn ông không hiểu mình đã vô ý làm khổ đứa con mà
ông rất yêu thương: Không ai đủ cao thượng để vô ưu với kỷ niệm đẹp, với bản sao
hình dáng người phụ nữ chồng mình luôn cảm thông, tôn trọng…
Bài Việt Linh