"Luxury" - cũ và mới: Hơi thở từ quá khứ - Tạp chí Đẹp

“Luxury” – cũ và mới: Hơi thở từ quá khứ

Xu Hướng
 “Luxury” là một khái niệm
ai cũng hướng đến, ai cũng muốn sở hữu, ai cũng muốn đạt được, nhưng ít
ai có thể diễn giải được. Những nhà mốt lâu đời với những thăng trầm
gìn giữ và phát huy những “di sản” với hơi thở từ quá khứ.


Những nhãn
hiệu thời trang trẻ trung với phong cách đương đại, những thiết kế được
làm bằng chất liệu cao cấp hứa hẹn sẽ trở thành những biểu tượng
“luxury” đương đại và tồn tại cùng năm tháng. Đó là những giá trị
“luxury” được xây dựng từ quan niệm thẩm mỹ cá nhân, chinh phục không
chỉ người tiêu dùng mà cả giới phê bình và khiến cho đối thủ không khỏi
bất ngờ.

Một
vài di sản thời trang của Gucci là mô típ hoa “flora” được thiết kế làm
quà tặng Grace Kelly từ thập kỷ 1960 và túi xách da có từ những năm
1950 và sau này trở thành hiện tượng khi Jacqueline Onassis sử dụng. Hãy
tạm gác lại phong cách sexy quá khích của Tom Ford trong thập kỷ 1990
trong chốc lát. Gucci, cũng giống như thời trang thế giới hiện đang cần
hơi thở khẽ khàng từ một quá khứ xa xưa hơn và đẳng cấp hơn.



Giám đốc sáng tạo của Gucci, Frida Giannini

Vintage và Rock and Roll



Hậu trường show Thu Đông 2011-12 của Gucci

Người đàn bà của Gucci thu đông năm nay mặc áo khoác vải cashmere cổ lông thú; áo khoác hay váy da thuộc mềm nhuộm màu hồng hay màu vang đỏ; váy lụa đen dài in chấm bi nhỏ, hay trong các tông màu hồng đậm, xanh lá cây, xanh turquoise. Đây là sự kết hợp giữa chất liệu truyền thống, đắt tiền như lông thú, da thuộc, lụa, cashmere nhuộm các tông màu tinh tế với phong cách vintage deluxe của thập kỷ 1970.

Frida giannini hướng hình ảnh người đàn bà của Gucci trong mùa thu Đông năm 2011 có phong cách nữ tính, đài các, bohemian pha vintage và mang đậm âm hưởng của nhạc rock and roll. Sàn diễn của Gucci không còn là nơi những xu hướng táo bạo của thời trang được đem ra thử nghiệm. tuy vậy “cuộc cách mạng âm thầm” đem lại cho thời trang thế giới phong cách của thập kỷ 1970 khởi đầu chính tại đây.

Với doanh thu trên 3 tỷ đô la hàng năm, Gucci là một trong những thương hiệu lớn nhất trong ngành công nghiệp thời trang thế giới hiện nay, là con át chủ bài của tập đoàn PPR. Theo tờ Wall Street Journal, 70% doanh thu có được là từ những chiếc túi làm bằng canvas in logo GG, nhất là các loại túi nhỏ với giá khoảng vài trăm đô la, được mọi người đổ xô săn tìm và sở hữu.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua đã làm cho ngành kinh doanh bán lẻ thời trang phải thay đổi đường hướng. Người tiêu dùng quay trở lại với các sản phẩm đẳng cấp thực thụ, càng đắt tiền, khan hiếm và tinh tế bao nhiêu thì càng bán chạy bấy nhiêu. Đồng thời, dòng sản phẩm “thực chất” này cũng giúp cho thương hiệu ít bị ảnh hưởng từ những xoay chuyển thất thường của thị hiếu.

Di sản đẳng cấp

Các thương hiệu thời trang châu Âu quay về với truyền thống lâu đời của mình vì chỉ tại châu Âu, cuộc sống xa hoa của tầng lớp quý tộc mới có “bề dày lịch sử” đáng khâm phục và tự hào. Tại các cửa hàng của Gucci, sản phẩm “di sản” được đặt vào vị trí trang trọng và nổi bật nhất. Có thể hiểu “di sản” có nghĩa là mỗi sản phẩm đều có một câu chuyện lịch sử, nhất là khi câu chuyện đó liên quan đến văn hóa hay cuộc sống của tầng lớp giàu có. túi xách có phần quai làm bằng tre “new Bamboo Bag” dựa trên một thiết kế từ năm 1947, khi những người thợ lành nghề của Gucci phải khắc phục vấn nạn thiếu thốn chất liệu trầm trọng sau thời chiến và nước Ý còn chìm trong nghèo đói.

Dòng sản phẩm Gucci Diamante dùng loại vải bạt từ thập kỷ 1930 – loại chất liệu đã nổi tiếng trước khi xuất hiện chất liệu canvas in monogram GG. Sản phẩm số một hiện nay của thương hiệu Ý là túi xách bằng da thuộc mềm “new Jackie Bag” – một kiểu túi của Gucci từ thập kỷ 1950 và đã được Jacqueline Onassis yêu thích.



Abbey Lee Kershaw trong show giới thiệu

BST Thu Đông 2011-12 của Gucci

Năm 2010, một chương trình thẩm định đồ dùng vintage của Gucci được thành lập với sự hợp tác của các chuyên gia của nhà bán đấu giá nghệ thuật và đồ cổ nổi tiếng Christie’s. Tuy nhiên, người Ý không những chỉ nhắc lại quá khứ vẻ vang của mình. thương hiệu được thành lập năm 1921 và sẽ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập trong năm nay với lễ khai trương viện bảo tàng Gucci Museum đặt tại Florence, trở lại với truyền thống phục vụ cho giới quý tộc châu Âu.

Đầu năm nay, Frida giannini một lần nữa lại cho ra mắt bộ trang phục cưỡi ngựa thiết kế dành riêng cho Charlotte Casiraghi – vận động viên đua ngựa, cháu ngoại của bà hoàng grace Kelly và con gái của công nương Caroline của Monaco. Các trang phục thể thao trong tông màu tím than, đỏ, trắng thêu mô típ hoa hồng lấy từ kho lưu trữ của thương hiệu Ý và được cải biên bằng ký hiệu C.C. – tên viết tắt của Charlotte Casiraghi.

Từ FLorence đến New York

Thập kỷ 1950 là lúc Gucci bắt đầu mở rộng sự hiện diện của mình trên thế giới với các boutique mới mở cửa tại New York và Milan. Đây là lúc hình tượng sọc xanh lá cây – đỏ – xanh lá cây, “mượn” từ đai yên ngựa trở thành một chi tiết trang trí đặc trưng mới, dựa trên truyền thống sản xuất đồ dùng phục vụ cho môn đua ngựa quý tộc của Gucci.

Thập kỷ 1960 – 1970 có thể coi là giai đoạn hoàng kim đầu tiên trong lịch sử của thương hiệu gia đình xuất sứ từ Florence. Gucci lần đầu tiên trở thành thương hiệu có tầm cỡ thế giới, nổi tiếng với các sản phẩm đẳng cấp được giới thượng lưu phương tây, cũng như tại nhật, Hong Kong và Hollywood yêu thích. Jackie Onassis, Liz taylor, Peter Sellers dùng túi da thuộc của Gucci. Giày moccasin gài khóa horsebit trở thành biểu tượng của sự ăn chơi sành điệu và thậm chí được Viện bảo tàng nghệ thuật Metropolitan Art Museum đưa vào bộ sưu tập trưng bày cố định.



Natasha Poly trong show giới thiệu BST  Thu Đông 2011-12 của Gucci


Khăn lụa của Grace Kelly

Năm 1966, họa tiết “flora” được nhà vẽ tranh minh họa nổi tiếng Vittorio Accornero thiết kế theo yêu cầu của Rodolfo Gucci, con trai của Guccio Gucci và là chủ nhân của thương hiệu Ý. Một chiếc khăn nhỏ in mô típ các bông hoa mảnh mai nhiều màu là món quà của Rodolfo Gucci tặng grace Kelly, khi bà hoàng Monaco đến cửa hàng Gucci tại Milan mua túi quai tre màu xanh lam “Bamboo” nổi tiếng.

Trong nhiều năm liền, phụ nữ châu Âu liên tưởng mô típ “flora” thanh lịch đến gia đình grace Kelly, nhất là khi công nương Caroline xuất hiện trong trang phục in mô típ hoa đã một thời dùng làm khăn cho mẹ của bà. Năm 2005, Frida Giannini tìm thấy “flora” và nhớ đến những chiếc khăn lụa in mô típ hoa mẹ cô thường quàng cổ khi cô còn nhỏ.

Bộ sưu tập túi in hoa “flora” là thành công lớn đầu tiên của nhà thiết kế mới làm việc tại Gucci. Năm 2005, bộ sưu tập đầu tay của cô cho Gucci với những chiếc váy yêu kiều in các mô típ “flora” vintage được cách điệu hóa đánh dấu bước ngoặt trong phong cách của thương hiệu.


Gucci Thu Đông 2011-2012

Thiết kế túi “New Jackie Bag” xuất hiện trong
BST Thu Đông 2011-12 của Gucci (xách tay)


Cô gái đến từ thành Rome

 Frida Giannini kể rằng khi chuyển từ Fendi đến làm việc tại Gucci trên cương vị giám đốc phụ trách thiết kế túi xách năm 2002, cô là cô gái nhiều màu sắc nhất tại studio, với “mái tóc đen, mặc quần bò, áo màu beige và dép xăng đan tông vàng kim”. Vẻ đẹp của cô gái trẻ thành Rome này khác hẳn với phong cách “hộp đêm và vũ trường” – phong cách điển hình của Gucci thời Tom Ford.

Frida Giannini sinh năm 1972 tại Rome trong gia đình trí thức trung lưu. Bố là kiến trúc sư, mẹ là giáo viên lịch sử nghệ thuật. Cô được tiếp xúc với thời trang từ khi còn nhỏ, giúp bà ngoại trong cửa hàng thời trang của bà buổi chiều sau khi tan trường. Sau khi thi tốt nghiệp trung học, trái với mong muốn của bố mẹ, Frida Giannini thi vào học viện thời trang của Rome. Cô bắt đầu sự nghiệp tại Saga Furs ở Đan mạch.

Trước khi về London làm việc dưới Tom Ford tại Gucci, cô thiết kế đồ jeans cho thương hiệu Swiss tại Thụy Sỹ và phụ kiện cho Fendi tại Ý. Năm 2004, Frida Giannini trở thành giám đốc phụ trách mảng thiết kế phụ trang cho thương hiệu và được phép tiếp cận kho lưu trữ các mẫu thiết kế cổ điển của Gucci. Sau khi thành công với bộ sưu tập túi xách in mô típ flora, cô thay thế Alessandra Facchinetti trên cương vị nhà thiết kế thời trang nữ cho thương hiệu.


Bộ sưu tập Xuân Hè 2006 của Gucci do Frida Giannini thực hiện


“Sau khi tom Ford rời khỏi
Gucci, người ta chỉ muốn giữ cho không có điều gì thay đổi cả” – Frida
Giannini trả lời phỏng vấn tờ Times trong năm 2005, vài tuần sau khi
trình diễn bộ sưu tập đầu tiên cho Gucci tại Milan, “10 năm là khoảng
thời gian quá dài cho những đôi giày cao gót của Gucci”.

 Bộ sưu tập đầu tay của Frida Giannini thực hiện cho Gucci dành cho mùa xuân hè năm 2006 tràn ngập váy in hoa đài các từ thập kỷ 1940 và áo veston mặc với quần dài theo phong cách của thập kỷ 1970. Boots đế bệt hoặc giày hở mũi bằng da thuộc với mô típ da cá sấu đã gây nên những phản ứng trái chiều trong ngành thời trang. Những tít bài nhận định tràn ngập trên các phương tiện truyền thông như “Đây không có chỗ cho xu hướng!” đến “Sự khởi đầu đầy ấn tượng báo hiệu cho một Gucci mới!”.


Thay thế Tom Ford không phải là một việc dễ dàng, mang đến một phong cách đặc trưng mới cho thương hiệu hàng đầu thế giới là công việc còn khó khăn hơn. Đây là một Gucci của áo khoác cổ điển bằng da lộn hay da đà điểu được cắt may hoàn hảo, chắc chắn làm vừa lòng các khách hàng sành điệu.

Quan niệm về người phụ nữ của Gucci, theo nhà thiết kế mốt người Ý “không những chỉ mê đi bar mà còn là một người phụ nữ bận rộn với công việc” và “thích gặp gỡ, giao lưu với bạn bè hơn là ăn chơi tại vũ trường”. Nói cách khác, đó cũng chính là Frida Giannini.


Bài: Lukasz Nguyễn
 Ảnh: AFP, Gucci



Thực hiện: depweb

07/10/2011, 23:09