học nào ở Hà Nội cũng có một hàng nước chè chén bán thêm rượu trắng. Xa hơn nữa và
đương nhiên xa xỉ hơn nữa là một hàng cháo lòng, một hàng bún đậu mắm tôm và có
thể là một hàng sang trọng cực “khủng”, xáo măng vịt.
Đối với tất cả đám nam sinh viên biết uống, đôi khi
có vài ba nữ sinh chán đời thi lại, thì những hàng ấy đều được trân trọng nhân
văn gọi là “quán”. Trong chữ “quán” ở đây luôn ngấm ngầm có chữ rượu mà không cần
đầy đủ viết thành “tửu quán”. “Ra quán” là mời nhau đi uống rượu, “cắm quán” là
thanh toán tiền rượu. Để có được sự ngắn gọn này là nhờ cấu trúc đặc biệt của
nước mắt ngữ pháp thuần Việt. Ví như có người tử tế oan ức nào đấy phát âm chữ
“mẹ ơi”, thì người ta đều dễ dàng hiểu đó là chữ “thảm thiết xót xa” hay là chữ
“chới với tuyệt lộ”.
Theo bọn sinh viên, “quán” hay “tửu quán” là một nơi phi thường. Nó không thể bình thường như quán cháo quán phở ăn sáng,
lại càng không thể tầm thường như quán cà phê quán giải khát. Chủ quán đa phần là một cặp vợ chồng có tuổi, cũ kỹ lâu đời tới mức “sinh ra tôi hiển nhiên đã có
họ” (mượn ý thơ Văn Cao). Cũng có thể là giáo viên “mất dạy” về hưu non. Cũng có thể là công nhân thâm niên của một nhà máy ế
ẩm việc làm đang nghỉ không lương.
Quán lờ mờ tối âm ẩm mùi vất vả mồ hôi của đủ
loại người, nhưng luôn thơm tho bừng sáng bởi một hoặc hai cô con gái chủ quán
xêm xêm như tuổi bọn khách học trò đang nhấp nhổm luyện thi đại học. Thằng nội
trú nào mà làm được nàng xúc động thì chắc chắn “mỏ” của nó phải “dẻo” ngang “bo
đì” của nữ diễn viên múa thượng thặng Linh Nga.
Trong tất tật các quán, đều tàng
trữ một thứ siêu việt ấn tượng, có lẽ còn hơn cả cô con gái chủ quán. Đó là một quyển sổ dày nhem nhuốc đóng bằng mấy tập vở học
sinh. Chữ ghi ở đấy bí hiểm phức tạp, đại loại là một thứ chữ “nòng nọc” đẩu văn
Phạn ngữ ở bí kíp võ công của đảo Long Mộc (“Hiệp khách hành” – NXB Văn Học –
tập 2, trang515), hoặc loằng ngoằng tối giản như mật thư Tây Tạng. Bố học giả
nào “ngộ” nổi câu “Tiến n/định, trả 21 còn 112. Khóa”. Rồi “Hằng, văn k23 từ 6,9
-> Rằm. Tổng 57”.
Người ta chỉ đôi chút vỡ lẽ khi thấy thằng sinh viên tên là Tiến, vào cái buổi trưa hôm nó bị thi lại thì
vừa nài nỉ vừa dụ dỗ được thầy tới hàng cháo lòng. Phê phê ăn xong, nó lễ phép
hào hoa mời thầy về trước, cứ để em thanh toán. Lưỡng lự chờ ở cửa, sốt ruột
thầy ghé mắt nhìn vào. Đệ tử yêu của thầy đầu tóc bơ phờ nhưng mặt lầm lũi lỳ
lợm, đang bị chủ quán cầm quyển sổ bí hiểm kia xỉa xói vào trán. Hoảng hốt giật mình, thầy mới chợt
nhớ ra “nickname” của thằng này là Tiến “cắm”. Cuốn kỳ thư đó chính danh nhan đề là
sổ nợ. Với bọn sinh viên hồi bao cấp, biến cố “cắm quán” là chuyện rất thường,
nó giản dị như những biến cố om sòm từ các ngôi sao showbiz thời nay nổ bạo chém
gió.
“Trong tửu quán phát sinh biến cố”, đây là một trong những câu văn đẹp nhất của
văn chương võ hiệp Tầu được tinh tế dịch sang ta. Có 7 chữ thì có 6 chữ là Hán,
vậy mà vẫn trong veo một hồn cốt quốc ngữ Việt. Uống rượu thì đương nhiên phải
sinh chuyện và những chuyện được phát sinh từ quán luôn tiềm ẩn những hoành
tráng lạ thường. Án mạng thì ly kỳ lắt léo, ái tình thì lãng mạn đẫm lệ.
Dân cư
ở trường Tổng Hợp ngày xưa, từng ngẫu nhiên đau lòng vì phải chứng kiến cái kết
thảm thiết của một mối tình bi kịch. Chàng học năm cuối, si tình ròng rã ngồi
quán bất cứ khi nào có ý trung nhân trông hàng hộ bố mẹ. Rồi một lần nàng sơ ý
quay đi, chàng gắp trộm cả cái mề gà, vội vàng nuốt bị nghẹn tới mức phải đi cấp
cứu.
Các phim trinh thám hoặc tiểu thuyết diễm tình ở ta ngày nay sở dĩ hết
quyến rũ hồi hộp là vì câu chuyện thường bắt đầu ở nhà nghỉ. Còn cái gì nhạt
nhẽo hơn là một cái xác thiếu nữ nằm chềnh ềnh giữa giường cùng một tay quan
chức. Còn cái gì nhàm chán hơn là lời tỏ tình ở công sở hay đánh ghen ở bãi biển
đông người. Thà xem mấy cái clip hời hợt của đám ca sĩ là lam là trường là
phương là dũng còn thấy nghẹt thở hơn. Cướp, giết, hiếp mà không mang xuất xứ từ
tửu quán thì chỉ là chủ đề vớ vẩn của bọn lá cải. Thảo nào độc giả thất thanh
kêu, một thảm họa của báo chí Việt.
Với nhiều người trót lầm than có tuổi, thì ký ức về thời sinh viên luôn là một
rưng rưng nỗi nhớ. Và thăm thẳm sâu trong nỗi rưng rưng ấy, các quán nhếch nhác
ngoại ô lợp tranh, lợp giấy dầu luôn nghẹn ngào đọng những nét long lanh.
Bây
giờ ngang qua, bỗng nao nao hụt hẫng, không biết ông bà cụ chủ quán đã đi đâu. Ở
chính chỗ đấy, chỉ thấy một dung tục nhà nghỉ đang cố khát khao vươn lên thành
khách sạn. “Quán tranh ơi hỡi quán tranh. Ngấm bao nhiêu rượu (mà) nỡ thành hô
theo”. Câu lục bát sái vận xót xa này tương truyền là của một giáo sư lừng danh
toán học, có một thời sinh viên khét tiếng từng là chuyên gia “cắm quán”, và
cũng từng tuyệt vọng khi đơn phương yêu một cô con gái chủ quán.
Người ta còn đồn rằng, trong một lần tỏ tình ngay tại quán, chàng đã xúc động
tới mức chết nghẹn phải gọi xe cấp cứu. Và không hiểu sao, kể từ sau lần tan vỡ
của mối tình bất hạnh ấy, ngay cả khi đã thành danh giáo sư, chàng có thói quen
rất sợ ăn mề gà.
Minh họa: Crazy Monkey