Nhưng không phải. Lý do để Nguyễn Việt Hà dừng viết là vì ông muốn trở thành ẩn sĩ, xa lánh cõi đời nhiều bàn nhậu và thị phi. Tới số này thì ông quay lại, làm một cuộc “tái xuất giang hồ”. Tại sao? Là vì ông mới đọc một cuốn tiểu thuyết khiến ông rùng mình toát mồ hôi suốt một buổi chiều trong phòng máy lạnh. Đọc cuốn sách, nhà văn Nguyễn Việt Hà hiểu ra rằng cõi đời này thản nhiên lạnh lẽo vậy thôi, nhưng đâu có nhẹ nhàng mà thoát ra nổi.
Tác phẩm gây rùng mình đó là “Thất lạc cõi người” (tức “Nhân gian thất cách”) của nhà văn Nhật Bản Dazai Osamu (Hoàng Long dịch, Phương Nam & NXB Hội Nhà văn, tủ sách “Tinh hoa văn học”). Dazai thuộc “vô lại phái”, một nhóm văn chương gồm vài văn tài lừng lẫy nhưng đều có thiên hướng tự sát.
Tuy không đến mức bi tráng “seppuku” nhưng Dazai cũng tự sát đến lần thứ năm thì qua đời ở tuổi 39 sau một cuộc đời cũng nhiều phần “thất cách” giống nhân vật Oba Yozo trong “Thất lạc cõi người”, và để lại không nhiều tác phẩm, nhưng rất nhiều yếu tố trong đó đã đi vào folklore văn hóa Nhật Bản, như tên các tiểu thuyết trở thành lối nói thông dụng, “tà dương” và “nhân gian thất cách”, hoặc một số miêu tả núi Phú Sĩ. Dazai cũng để lại một vệt sắc nét trong nỗ lực trả lời câu hỏi lớn: trước cuộc đời, thái độ của con người là gì?
Thái độ của Oba nằm trong một cái nhìn không tách bạch bản thân với “thế gian”: “Thế gian sẽ chẳng dung tình đâu. Chẳng phải thế gian. Chính là mi không tha thứ ấy chứ”, rồi “Bây giờ thế gian đã chối bỏẳng phải thế gian. Là mi chối bỏ đấy” (tr. 101). Nhận thức ấy làm nhân vật “toát mồ hôi lạnh”, đồng thời cấp thêm ý chí cho anh ta.
Tuy nhiên, chỉ là trong những giây phút phấn khởi đột xuất thì Oba Yozo mới có ý chí, mới có sự nhìn nhận thế gian, cuộc đời mang chút tích cực, chứ ngay từ đầu, và từ đầu cho tới cuối, với nhân vật chính: “Tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn”, bởi “Tôi không dự tưởng được cuộc sống của một con người” (tr. 15). Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là sự diễn dịch cho trạng thái tâm lý mở đầu này.
“Thất cách”, Oba Yozo không lồng được mình vào trong cuộc đời, không cảm nhận được mình như là một con người. Một trong những cách diễn tả điều này là đoạn: “Đó chính là tôi. Không phải chuyện thế gian tha thứ hay không, bị chối bỏ hay không mà vấn đề tôi là một con vật còn hèn kém hơn cả chó mèo. Một con cóc. Cử động khềnh khàng chậm chạp” (tr. 103).
Điều ghê gớm hơn cả là nhân vật lại thấy rất rõ điều này, một cách tỉnh táo, một cách rõ ràng và đầy tỉ mỉ, gợi cho ta nhớ tới nhân vật chính trong tiểu thuyết “Một nỗi đau riêng” của Oe Kenzaburo sau này, nhân vật đó trong bản dịch tiếng Việt (Lê Ký Thương) tên là “Điểu”. Dạng nhân vật này không chỉ là sống bên lề xã hội, vì nhiều khi họ vẫn xâm nhập được xã hội với rất nhiều năng lực (Oba còn có thể gọi là một tài năng hội họa, lại xuất thân từ một gia đình rất giàu có), mà vấn đề ở đây là họ tự thấy mình “thất cách”, không có điểm chung với con người.
Kiểu sống đày đọa và tự đày đọa của Oba trong truyện, rồi cái kết cục bi thảm của nhân vật, là những điều không có gì lạ, ở trong chuỗi nhân quả của một không gian “thất cách” như trên, nhưng điều quan trọng là tài năng của Dazai Osamu trong việc miêu tả trạng huống đó, và nhất là sự can đảm của ông trong cuộc đối mặt với đời.
Tình thế của Oba có thể khiên cưỡng mà gọi là tuyệt vọng, nhưng Dazai chưa dừng ở đó: ông còn cho nhân vật dùng “phương pháp trò hề” để xoay xở trong cuộc sống, làm hề trong một khoảng không gian thất cách chính là sự tuyệt vọng nữa, sự tuyệt vọng đặc thù, bên trong một môi trường chung của tuyệt vọng.