“Cháu trai chị ơi”

Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Tôi thấy chưa đúng. Trong nhiều khía cạnh, ngữ pháp Việt Nam rất đẹp trời. Một ngày mùa hè mát mẻ, phải ra ngoài thưởng thức thiên nhiên. Tiếng Anh phải “swim, swam, swum, swims, swimming”, không cẩn thận là chết đuối. Tiếng Việt chỉ cần “bơi” là được rồi, áp dụng trong mọi trường hợp, ghép vào câu như ghép cột mới vào bảng tính excel. Tôi biết bơi. Tôi đang bơi. Tôi thích bơi. Ở Việt Nam thích bơi thì bơi thoải mái. Vậy mấy phong ba bão táp ấy là như thế nào?

Các cấu trúc ngữ pháp cơ bản đều rất dễ hiểu – tôi học mấy năm là có thể viết đủ một trang không bị sai chỗ nào (có thể nghe lạ, nghe “Tây Tây” nhưng không bị sai). Một người Việt Nam học tiếng Anh mấy năm sẽ rất khó làm được như thế – sẽ bị thiếu một “ing”, thừa một “ed”. Phong ba là ở đâu? Sao người Việt lại có câu thành ngữ đó?

Theo tôi, “phong ba bão táp” không nằm ở ngữ pháp chung mà ở điều tôi đặt tên 8X là “people pháp”. “People pháp” là ngữ pháp dành cho quan hệ các “people” với nhau. Mà nói thật, “people pháp” Việt Nam cực… “xấu trời” luôn. Ví dụ. Tôi có một người bạn 30 tuổi tên Thủy. Tôi và bạn ấy có một người bạn chung tên Huyền, chỉ có 25 tuổi.

Theo tôi quan sát, khi tôi nhắc bạn Thủy với bạn Huyền thì tôi có thể dùng đại từ “chị”. Chị Thủy bảo nọ, chị Thủy nói kia. “Huyền ơi, em nhớ qua nhà chị Thủy lấy chìa khóa nhé!”. Ý tôi là “Thủy: chị của em”. Mặc dù Thủy là em của tôi (năm nay tôi 32 tuổi), nhưng khi nhắc Thủy trong câu trên tôi sẽ “nói hộ” Huyền.

Nhắc Thủy từ góc nhìn Huyền, không phải từ góc nhìn mình. Đơn giản phải không? Khi nhắc người B trong lúc nói chuyện với người A thì mình có thể dùng đại từ “nói hộ” người A. Nhắc người B từ góc nhìn người A. Không đơn giản như thế đâu. (Mà với người nước ngoài mới học tiếng Việt, cái “đơn giản” đó đã khủng khiếp lắm rồi).

Phải mưa gió. Phải phức tạp hơn. Ví dụ, tôi thuê nhà cùng anh Hoàng, 40 tuổi, và anh Quân, 37 tuổi. Anh Hoàng gọi anh Quân bằng “em”, nhưng tôi không nên nói: “Anh Hoàng ơi, anh nhớ qua phòng em Quân lấy chìa khóa nhé!”. Ý tôi là “Quân: em của anh”, nhưng vì một phép màu ngữ pháp nào đó nên ý tôi sẽ không ra. Tôi phải nói “qua phòng anh Quân lấy chìa khóa” mới chuẩn. Có nghĩa là tôi không được nói hộ anh Hoàng. (Mày là ai mà dám nói hộ anh Hoàng?).

Tôi không được nói từ góc nhìn Hoàng mà phải nói từ góc nhìn mình. Góc nhìn khiêm tốn nhất. Được: – Cháu ơi, cháu nhớ qua nhà cô Trâm lấy chìa khóa nhé! (Trâm: 20 tuổi, là em của tôi). Không được: – Bác Minh ơi, bác nhớ qua nhà cháu Long lấy chìa khóa nhé (Long: 38 tuổi, là anh của tôi). Cũng không được nhưng đỡ hơn một chút: – Anh Sơn ơi, anh nhớ qua nhà chú Kiên lấy chìa khóa nhé (Kiên: 65 tuổi, là bác của tôi và là chú của Sơn.)

Thế thì phải sửa lại luật “people pháp” trên: Khi nhắc người B trong lúc nói chuyện với người A thì mình có thể dùng đại từ “nói hộ” người A (nhắc người B từ góc nhìn người A) – trừ phi trường hợp người B lớn tuổi hơn mình và đặc biệt trừ phi trường hợp người B lớn tuổi hơn mình và người A lớn tuổi hơn người B (là phải nói từ góc nhìn mình)… Rất khác với “he/she” của tiếng Anh.

Hiện chưa có quyển sách nào mô tả hết các cấu trúc “people pháp” của Việt Nam (Có ai dám viết đâu?). Chủ yếu người nước ngoài học tiếng Việt như tôi phải mò vào, chỗ nào bị điện giật thì… nhớ đừng sờ vào chỗ đó. Nhưng giả sử có một nhóm người chịu khó thực hiện thì các trang chắc sẽ phải hiện như thế này: Phong ba lắm chứ! Có lẽ người nước ngoài học tiếng Việt sẽ mất tự tin và bỏ cuộc luôn – nếu không thấy có nhiều người Việt chính gốc cũng mắc lỗi “people pháp” liên tục.

Mỗi lần tôi thấy một người Việt bị chửi mắng vì xưng hô linh tinh, thừa một cái “thưa”, thiếu một cái “ạ”… thì tôi hiểu rằng hóa ra cũng không phải chỉ mình tôi. Vậy đó, “people pháp” Việt Nam không chỉ quá phức tạp với riêng sinh viên nước ngoài mà với cả nhiều người Việt Nam học tiếng Việt như lúc bác sĩ phụ sản kêu lên: “Cháu trai chị ơi!”.

Bài: Joseph Ruelle


From the same category