Bệnh viện Nội tiết TƯ
– Thứ nhất, những thực phẩm có sẵn chất độc, nhiễm độc loại này xảy ra phổ biến và thường xuyên như ăn phải nấm độc, cá nóc, sinh vật biển chứa độc, trứng cóc, khoai tây mọc mầm, sắn…
Nấm: Khi ăn phải nấm độc, triệu chứng thường xuất hiện sau ăn khoảng 12 giờ gây nôn mửa, tiêu chảy có thể kéo dài 2-3 ngày gây mất muối, mất nước, có thể trụy mạch, suy thận cấp, viêm gan nhiễm độc, nếu nặng có thể dẫn đến hôn mê. Trường hợp triệu chứng ngộ độc trước 6 giờ thường có triệu chứng nặng hơn như giẫy giụa, co giật , mê sảng.
Ăn khoai tây mọc mầm: Thói quen ăn khoai tây chiên rán, nhất là khi ăn ở ngoài hàng, sẽ có thể khiến bạn bị ngộ độc nếu như củ khoai tây đã mọc mầm. Mầm khoai tây chứa solamin là một loại alkaloid đắng và độc. Khi ngộ độc bị rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, ảo giác, mất cảm giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau rút ở dạ dày, đau đầu, nếu hàm lượng từ 3-6mg/kg trọng lượng cơ thể có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Ăn sắn: Trong vỏ sắn có heteroizit bị thủy phân trong nước thành axit xyanhydric, aceton và glucose. Độc tính của sắn chủ yếu là do axit xyanhydric. Để tránh ngộ độc, người ta bóc vỏ và ngâm sắn trước khi luộc.
– Thứ hai, những loại thực phẩm dùng phụ gia thực phẩm hoặc những loại thuốc kích thích tăng trưởng, nếu quá hàm lượng cho phép hay dùng thường xuyên kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nội tiết. Đây là loại nhiễm độc xảy ra âm thầm, kéo dài và rất nguy hiểm. Nghiêm trọng là ảnh hưởng đến chức năng sinh dục, gây ung thư… những triệu chứng này không xuất hiện ngay mà tiềm ẩn.
– Thứ ba, nhiễm độc thực phẩm từ những món ăn ôi thiu, xào, chiên, rán tái dùng dầu mỡ nhiều lần, không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm quá hạn sử dụng, bảo quản không đúng cách. Bạn rất dễ bị nhiễm độc kiểu này nếu như thường xuyên ăn hàng, nhất là các quán hàng vỉa hè. Khi ngộ độc các loại thực phẩm trên thường có biểu hiện nôn, tiêu chảy, trụy mạch và rối loạn nhịp tim, khi đó hệ nội tiết thuờng đáp ứng bằng cách tăng tiết hóc-môn tủy tuyến thượng thận để làm co mạch, tăng huyết áp. Đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể trong tình trạng trụy tim mạch nói chung. Tình trạng nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ nội tiết.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm
Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng
Những loại thực phẩm giàu protein (thịt, cá), thực phẩm chế biến với dầu mỡ (như các món thịt, cá xào, rán…) rất dễ gây ngộ độc do sự biến chất của các axit amin, quá trình thủy phân và ôxy hóa chất béo tạo nên chất gây độc cho cơ thể. Đây là nguyên nhân gây nên nhiều vụ ngộ độc tập thể.
Ngoài ra, hiện nay cũng có rất nhiều loại thực phẩm bị nhiễm chất hóa học trong nuôi trồng hay bảo quản như:
– Thực phẩm có dư lượng hóa chất trừ sâu
– Thực phẩm có hormone tăng trưởng
– Thực phẩm có một số phụ gia thực phẩm như:
+ Chất ngọt tổng hợp: Có trong các loại nước ngọt, bánh kẹo…
+ Mỳ chính: Có trong bột canh, hạt nêm, các gói gia vị trong mỳ ăn liền…
+ Nitrit và nitrat:Có trong các loại rau quả mà người trồng bón phân đạm; có thể có trong dưa chua bị khú.
+ E102: Có trong các loại mì ăn liền, mứt…
+ DEHP: Có trong thạch, nước trái cây…
+ Hàn the: Có thể có trong bánh cuốn, bánh phở, bánh đúc, giò chả…
+ Formol: Có trong bánh cuốn, bún, bánh phở…
+ Dùng túi nilon đựng thực phẩm: Những túi không phải dùng riêng cho thực phẩm có thể sinh ra các chất gây ung thư.
Bác sĩ Trần Huy Thông
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển sức khỏe cộng đồng
Nấm mốc là một trong các loại có nguy cơ gây nhiễm độc phổ biến nhất trong môi trường sống, nhất là các loại ngũ cốc, quả có hạt có dầu dự trữ bên trong như ngô, đậu, lạc… Nấm mốc sản sinh ra các độc tố nguy hiểm có thể gây ung thư gan và các bệnh khác.
Ngoài ra, thói quen ăn thịt tái, nem làm từ thịt sống, tiết canh có ấu trùng gây nhiễm độc, dị ứng… cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Các chất độc hại tạo ra trong quá trình chế biến thức ăn như các loại đồ nướng, thịt hun khói, dầu mỡ đã qua sử dụng, các hợp chất tạo ra do phản ứng hóa học trong thực phẩm là những chất có thể gây ung thư.