Lê Minh Sơn vẫn luôn là một con sói lang thang, đến rồi đi, không cần ánh trăng, chẳng cần sói cái…
Hết “bạn” thì “bè”
– Hiện anh đang làm gì?
– Một album guitar, gồm 10 bản hòa tấu, trong đó non nửa là những bài quen như “Ôi quê tôi”, “Người ơi người ở”, “À í a”…; còn già nửa là bài mới, viết riêng cho guitar. Định lấy tên là “À í a”, dự tính ra vào trung tuần tháng này. Tầm cuối tháng 10 thì làm một live show tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm nào cũng vậy, cuối năm là vụ mùa mình kỳ vọng nhất, tâm huyết, tiền bạc, sức lực…
– 7 năm cho Vol 2, kể từ sau Vol 1 “Guitar cho ta” có tương xứng với 28 năm cầm đàn?
– Thì mình cứ làm theo cảm xúc của mình thôi, chừng nào cảm thấy có những điều không thể nói được bằng lời thì cậy đàn vậy!
– Chứ không phải vì nhạc không lời ở ta vốn kén khán giả sao? Hay vì trong 7 năm qua, “nữ hoàng nhạc nhẹ” phải là ưu tiên số 1?
– Kén khán giả thì chả phải, một khi đã là fan của Lê Minh Sơn. Cũng chả phải vì bận làm cái này thì không làm được cái kia. Đơn giản, khi ca từ là thừa thãi thì guitar lên tiếng.
– Anh từng bảo rất ít ca sĩ hát được nhạc của anh. Thế nhưng lần lượt hết Tùng Dương đến Thanh Lam… đều “bỏ anh đi như những dòng sông nhỏ”. Thì giờ đành phải… nhạc không lời thôi, chứ còn biết làm thế nào?
– À, họ chưa bao giờ bỏ đi nhé, vì cần thì vẫn có thể gọi về mà! Mà kể cả là không về thì cũng là chuyện thường tình. Cũng như bên bóng đá thôi, huấn luyện viên giỏi mấy thì cũng chỉ nên dẫn dắt đội bóng trong ba năm, một khi đã đạt được mục tiêu đề ra rồi thì nên chia tay nhau để đi làm việc mới. Những người hát nhạc tôi, nếu xưa là bạn thì giờ là bè, có việc thì gọi, đâu có sao!
– Gọi về thì được, nhưng để là đồng cảm, cộng hưởng sâu sắc như đã từng thì liệu còn không?
– Thì mới bảo đấy là cái duyên. Hết duyên rồi thì có muốn cố cũng không lại! Mà cũng chả nên cố!
– “Có mới nới cũ” theo anh có xấu?
– Chả xấu! Có điều, thị trường này có khoái cái mới đâu mà phải đi “nới cũ” cho mất thì giờ!
Có ai đánh đâu mà phải lì đòn
– Từ gì có thể nói lên thể trạng của anh lúc này?
– Lỳ!
– Lỳ là lì đòn, hay phẳng lỳ?
– Có ai đánh đâu mà phải lì đòn, dù làm nghệ thuật ở ta nhiều lúc đúng là phải “(vờ) điếc (để) không sợ súng” thật! Cũng không hẳn là phẳng lỳ. Lỳ lợm thì có lẽ đúng hơn. Bởi trước, nếu như ăn thua là kiểm soát được tác phẩm, thì bây giờ, còn là kiểm soát được lòng mình…
– Vắng những người cũ, không còn ngồi “đo ni đóng giày” như vẫn thường, liệu có vắng Lê Minh Sơn – ca khúc?
– Đương nhiên là vắng, hay ít nhất, tạm thời là thế. Nhưng đừng tưởng trong lúc “nằm im giả chết” ấy, hắn không biết thị trường đang chuyển động ra sao, người nghe đang cần gì nhé! Nghề này, sợ nhất là lỗi mốt. Nhạc nhẹ mà lỗi mốt thì xin lỗi, không ngửi được!
– “Nữ hoàng nhạc nhẹ” vừa “cầm tay mùa hè” bằng “mây trắng” thế có là “lỗi mốt”?
– Không trả lời câu này.
– Lê Minh Sơn mà không thể thẳng thắn sao?
– Đấy chính là thẳng thắn. Thẳng thắn đến mức không trả lời!
Thanh Lam làm việc với ai chả được!
– Vậy làm ơn “cong” cho, để câu hỏi này được “tiếp đất”: Thanh Lam quay lại với Quốc Trung, anh thấy sao?
– Họ đã xa nhau bao giờ đâu mà trở lại?
– Thanh Lam quay lại với Quốc Trung. Còn…? … Lê Minh Sơn thì sao?
– Lê Minh Sơn thì sao ư? Lê Minh Sơn vẫn luôn là một con sói lang thang, đến rồi đi, không cần ánh trăng, chẳng cần sói cái…
– Quay lại, dù rằng, chỉ trong âm nhạc, anh nghĩ đấy là tình yêu hay tình… thế?
– Lam là người xứng đáng được tôn trọng và yêu thương trong cuộc sống. Còn trong công việc, cô ấy là người có tài, Lam làm việc với ai chả được!
– Càng có tài càng phải kén người chứ!
– Âm nhạc thì làm gì có đúng sai. Từng làm việc với Thanh Lam, tôi tin cô ấy có đủ từng trải để biết mình nên làm gì, có thể làm gì và nên làm việc với ai. Còn thì bạn bè mình, ai làm được gì và còn chịu làm, nhất là lại còn kiếm được nhiều tiền nữa thì mình phải mừng cho họ chứ!
– Từng trải chắc gì không nhầm! Thanh Lam + Đàm Vĩnh Hưng đấy thôi?
– Tôi thì tôi lại thấy làm với Đàm Vĩnh Hưng là một điều rất tốt cho cô Thanh Lam. Vì bao giờ một hành động cũng có thể giúp ta trả lời câu hỏi: Có nên tiếp tục làm thế nữa hay không, hay là nên dừng lại. Tôi thấy buồn cười khi thấy nhiều người đọc báo hay xem phim xong cứ hỏi: “Sao cô ấy/anh ấy lại tự tử?”. Mình có phải là người ta đâu mà phán xét. Đều là người lớn cả rồi, người ta làm gì cũng đều là có lý của người ta! Chả có ai ngu và cần dạy đời ở đây cả! Một nụ hôn cũng vậy! Chắc gì một nụ hôn lão luyện đã ăn điểm hơn một cái hôn vụng về nhưng đúng lúc đúng chỗ? Nếu ngày xưa liền anh liền chị lấy được nhau thì làm gì có được dân ca quan họ Bắc Ninh hay đến thế…
– Ôi lẽ nào Thanh Lam thuê anh làm luật sư?
– Nói thật là kể từ sau show “Lam xưa”, tôi không còn quan tâm đến công việc của cô ấy nữa. Nhưng cũng đừng quên, nếu không là một người giàu bản lĩnh và có thừa nhạy cảm, thông minh thì không thể nào nghễu nghện ngồi được bao năm trên chiếc ghế ấy như thế đâu! Lam làm gì tôi nghĩ cũng đúng, và nghe đâu, mọi việc với cô ấy cũng đang rất tốt thì phải!
Tôi ăn được 10 bát, sao lại bắt tôi ăn nửa bát?
– Chẳng phải anh vừa nói âm nhạc làm gì có đúng sai sao? Nên biết đâu, cái đúng này lại là cái sai khác, trên một tiêu chí đánh giá khác?
– Tiêu chí nào thì cũng chủ yếu xoay quanh mối quan hệ: Tiền và nghệ thuật. Nói sang nói đẹp thì dễ lắm, nhưng giờ đố ông nào dám bảo tôi làm nghệ thuật không thèm nghĩ đến tiền. Có mà ra đường gặp gió độc quẹo mồm! Biết thế nào là nghệ thuật? Thế nào là sang, là sến? Cứ bảo âm nhạc chính thống, âm nhạc bác học thì mới là sang. Nhưng cứ thử ra ngoại thành xem những bà những chị vừa rửa rau dưới ao vừa say sưa hát nhạc sến xem: “…Cả một trời yêu bao giờ trở lại…”. Trời ơi tôi nghĩ cả đời tôi chắc cũng không viết nổi một câu giàu xúc cảm và nhân văn đến thế! Hẳn người ta phải đau đớn lắm mới thốt lên được một câu khát cháy và mênh mông đến thế!
– Khi nghe Tùng Dương hát: “Anh hôn em vầng trăng đọng lại trên môi… Giận anh em ném trả vầng trăng lên trời… Trăng khuyết rồi em à, tình em quá mong manh…”, tôi thấy Lê Minh Sơn cũng “mênh mông” lắm đấy! Trăng khuyết thì đẹp, tình yêu khuyết cũng đẹp, còn Lê Minh Sơn mà khuyết thì sao nhỉ?
– Điều khiến tôi tự hào nhất về mình là: Sản phẩm của tôi, người ta có thể thích hay không thích, ít hay nhiều có thể khiếm khuyết, nhưng quyết chưa bao giờ là một sản phẩm xuống cấp.
– Xuống cấp thì không, nhưng có thể sẽ ngon miệng hơn nếu như có những lúc anh (và diva số 1) không cho người ta ăn nhiều và ăn nhanh đến thế! Để đến nỗi sau này nhìn lại, chính Thanh Lam cũng thừa nhận: có những quyết định hồi ấy chưa hẳn đã khôn ngoan, vì không phải lúc nào cũng là “thiên thời, địa lợi”…
– “Thiên thời địa lợi” lúc ấy là gì? Là internet ở VN chưa phát triển như bây giờ, nhạc số và tệ ăn cắp bản quyền chưa làm ca sĩ và nhạc sĩ ở ta điêu đứng đến mức này và cái đĩa CD vì vậy được người ta nâng niu săn đón hơn nhiều. Muốn “thiên thời” thì phải làm người “đi trước thời đại”. Dù lúc đó bọn tôi bán “Nắng lên” với giá đắt nhất: 55 nghìn, trong khi ông Ngọc Đại bán đĩa “Nhật thực 2” 6.000 đồng – tôi nhớ một bài báo trên Thể thao & Văn hóa đã so sánh thế! Lẽ đương nhiên là chuyện lỗ lãi ở mình thì không bao giờ có thể so sánh được với nước ngoài, vì lãi ở mình có khi cũng chỉ ở mức “lấy công làm lãi”… Còn chuyện tôi làm nhiều, làm nhanh, sao lại mắng tôi, ô hay! Cái cơ địa tôi nó thế, hay ít nhất lúc ấy nó thế, mỗi bữa tôi có thể ăn 10 bát cơm, sao lại bắt tôi ăn có nửa bát? Vâng tôi nhà quê! Tôi có thể làm khỏe ăn khỏe yêu khỏe. Cũng như có những người có thể một ngày nghĩ đến phụ nữ 5.000 lần, sao cấm được họ? Chưa nói, ca sĩ người ta có thời. Bỏ lỡ cái thời của người ta có khi mình có tội. Làm thằng đàn ông lời nói chém đá, lời nói đọi máu, nói được phải làm được. Lê Minh Sơn vì thế làm việc có lúc như con hổ, thế nên hai năm liền năm nào cũng phải đón giao thừa trong bệnh viện.
– Thanh Lam “nghĩ lại”, anh có cảm thấy bị phụ lòng?
– Trái lại, tôi luôn biết ơn cô ấy vì đã cho tôi được làm nghề một cách đầy cảm xúc, được đắm chìm trong một không gian âm nhạc thật sự đúng nghĩa trong suốt gần 4 năm trời, để có thể ra được tới 11 đĩa CD và 7 live show… Còn thì đã làm thì bao giờ chả có lỗi, không làm thì mới không có lỗi. Đứng ngoài và ngồi không mà phán thì dễ lắm! Là thằng đàn ông mình có thể chấp nhận ăn cứt, nhưng cái gì thuộc về cảm xúc thì mình phải giữ gìn…
Giờ là con hổ bị vặt trụi ria
– Lê Minh Sơn làm việc như con hổ, vậy con hổ ấy giờ đâu rồi? Nó có “nhớ rừng” không?
– Con hổ ấy chưa móm nhưng đã bị vặt trụi ria và đang ngồi ngẩn tò te, haha!
– Là do nó tự vặt, hay…?
– Có hai loại: một do bị vặt, một do tự vặt. Riêng hổ này thuộc loại được vặt. Nhưng ai xứng đáng được vặt trụi ria của Lê Minh Sơn mới được chứ?
– Sao lúc nãy anh lại tự “phong” anh là… sói? Sói với hổ khác nhau một trời một vực!
– Sói hay hổ thì cũng đều là đi tìm mồi. Và nếu hổ bị vặt trụi ria thì gã sói già kia cũng chả hơn gì: tập tà tập tễnh (nhưng chốc chốc vẫn tru lên những tiếng ca đầy hoan lạc).
– Làm sao mà toàn bị thương thế nhỉ?
– Có thể đó là dấu vết của thời gian.
– Thời gian lấy đi của anh cái gì?
– Sự xốc nổi và cuồng ngông, những hương vị đẹp nhất của cuộc đời… Nhưng ngược lại, như tái ông mất ngựa, nó lại giúp mình trở thành một người không buồn không vui, và khát sống.
– Nhưng hay và?
– Nhưng! Nhưng khát sống. Sống cho ra một thằng đàn ông!
– Trước đây thì không ra à?
– Trước đây chưa phải là đàn ông. Mà chỉ là một cậu bé được “photo” phóng to.
Còn cảm xúc thì còn tiền
– Hồi giờ anh còn đi câu nữa không?
– Không.
– Vì toàn “tựa gối ôm cần lâu chẳng được”?
– Không, chỉ vì sau cái lần câu được một con cá trắm đen nặng gần 25 kg thì sợ quá bỏ luôn!
– Yếu bóng vía thế ư!
– Phàm con gì sống lâu thì cũng rất dễ thành tinh nên thực sự là mình bị ám ảnh!
– Diva số 1 mà không là con cá cực to sao?
– Nhưng tại sao không bảo cô ấy câu tôi mà cứ nghĩ tôi câu cô ấy nhỉ?
– Lúc này không đàn bà, không ca khúc…, kể cũng chán, nhỉ!
– Sao lại không đàn bà! Hỏi chán thế mà cũng hỏi! Sao không hỏi: Vì không có đàn bà nên mới không có ca khúc?
– Lâu nay anh sống thế nào, giàu lên hay nghèo đi?
– Lâu nay tôi cũng chả hiểu tôi sống bằng gì, tội nhỉ! Chả hiểu sao vẫn còn tiền, chưa phải đi vay. Nhưng thường thì những lúc này cơ hội mới hay đến…
– Anh có “nồi Thạch Sanh”?
– Còn cảm xúc thì còn tiền, và một khi đã điên lên thì sáng suốt lắm! Thế thì còn đợi gì nữa mà… không điên? Nhưng khổ nỗi hiện giờ tôi không điên nổi. Và nếu biết vì sao thì đã điên được!
Thư Quỳnh