Phái nữ nhà tôi những dịp sum vầy lại ngồi tỉ tê miếng trầu bên nhau. Bà bỏm bẻm nhai trầu với phân nửa số răng đã rụng, mẹ tôi vừa đi thay răng giả xong cũng nhai rất sung sức, tôi thì khỏi nói, nghiện miếng trầu và nghiện cái cảm giác được ăn trầu với những thế hệ phụ nữ trong gia đình. Nó ấm cúng và chia sẻ như điếu thuốc của những người đàn ông đốt với nhau những khi bàn việc đại sự.
Cuối năm cấp ba, tôi mừng như bắt được vàng khi chơi với một cậu bạn cũng nghiện trầu. Bọn tôi gọi nhau là người nhà quê, nói thứ tiếng địa phương cũ kỹ khi ăn trầu với nhau và trích dẫn những câu ca dao tục ngữ. Mẹ tôi cười ha hả vì giữa chốn thị thành, mẹ tôi lại được ôn luyện giọng điệu vốn có mà ít người xung quanh hiểu được.
Nên đôi khi bạn tôi đến nhà, chả phải để gặp tôi, chỉ để vào nhà, xin mẹ tôi miếng trầu và ăn xong thì đi về. Giống như người ta được đi một chuyến tàu tốc hành về với quê hương đâu đó trong ký ức. Xa Việt Nam rồi, tôi cũng chả nhai nổi kẹo cao su. Nó chỉ đánh lừa người ta được một lúc, rồi tan biến ngay, không quyến luyến và hòa quyện như miếng trầu. Cũng bởi thế, nó chỉ là miếng ăn, là thói quen, là phương tiện vệ sinh đơn giản như đúng chức năng của nó.
Chỉ có miếng trầu ở Việt Nam mới nồng nàn chuyển tải cái ý nghĩa thấm đượm của “Miếng trầu nên nghĩa phu thê. Mẹ cha đã định em về với anh. Hết rồi áo tím áo xanh. Bây giờ em đã có anh là chồng”. Xa Việt Nam rồi, tôi cũng không ăn trầu nữa. Đàn ông uống rượu có bạn hiền, phụ nữ ăn trầu cũng phải có hội.
Nhai một miếng trầu mang từ Việt Nam qua, nuốt tí nước cay nồng xuống cổ họng lại dâng lên nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cái cảm giác ấm áp lan tỏa khi ăn trầu bên nhau, lại thấy như mình vẫn còn là đứa trẻ con lên mười của ngày hôm qua nhón tay lấy một miếng trầu trong đám cưới ra bờ ao lén lút ăn mà má cứ đỏ hồng lên, đỏ hồng lên.
Nhật ký một người Việt
Tôi gặp một người đàn ông có gương mặt Á Đông tại một bữa tiệc thân tình đầu hè Hà Nội. Hỏi: – Anh là người nước nào? Trả lời: – Tôi là người Anh.
Lại hỏi: – Anh đến Việt Nam lâu chưa? Trả lời: – Tôi làm việc ở đây 2
năm rồi. À, mà ngày nhỏ tôi cũng sinh ra và lớn lên ở đây.
Câu chuyện trôi qua như bất cứ câu chuyện xã giao nào khác, cho tới cách đây 1 tháng, tôi biết rằng thật ra anh là người gốc Việt. Tôi hiểu rằng, trong thế giới mà một con người có thể có cha là người Mỹ lai Thái Lan, mẹ người Việt lai Pháp, sinh ra và lớn lên ở Đức, mang quốc tịch Nam Phi và hiện sống và làm việc tại Nhật… thì chuyện định nghĩa một con người thuộc về nơi nào đã không còn đúng ý nghĩa, và cũng không còn quan trọng nữa. Nhưng cái ý nghĩ, tại sao một người không thể tự hào nói rằng tôi là người Việt Nam, vẫn ám ảnh tôi.
Chuyên đề bao gồm các bài viết:
1. Thư viện không giá sách
2. Vắng mặt ngày hôm nay tại Hà Nội
3. Người Việt trẻ ăn trầu
4. Một lần nữa tôi lại yêu
5. Việt Nam trong Guidebook
Tổ chức chuyên đề: Danh Quý