Lãnh địa riêng của các thương hiệu thời trang

Mỗi ấn phẩm là nơi một bộ sưu tập thời trang trở thành cả thế giới sống động của màu sắc, hình dạng, ý tưởng, hình ảnh nghệ thuật, thông điệp. Năm 1986, giám đốc nghệ thuật người Anh Marc Ascoli mời Nick Knight, khi đó là một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi nhưng đã gây chú ý qua các bức ảnh chụp những nghệ sĩ pop rock Anh cho tạp chí i-D, cùng nhà thiết kế đồ họa Peter Savile thực hiện cuốn catalogue cho nhà thiết kế mốt người Nhật Yohji Yamamoto. Marc Ascoli gây dựng ý tưởng và biên tập catalogue thời trang của nhà thiết kế thời trang avant garde người Nhật từ năm 1984, số cuối cùng được xuất bản năm 1991.

Bức hình Nick Knight thực hiện cho Yohji Yamamoto

 

Đối với cả Nick Knight lẫn Peter Savile, đây là lần đầu tiên họ thực hiện công việc liên quan đến thời trang. Đây cũng là lần đầu tiên một thương hiệu thời trang tự in ấn phẩm quảng bá cho bản thân mình. Catalogue có thể ví với album ảnh nghệ thuật độc đáo, khác hẳn với catalogue giới thiệu sản phẩm hay các tạp chí thời trang được xuất bản thời bấy giờ.

In với số lượng khoảng 2.000 – 2.500 bản, cuốn album này sẽ được gửi đến tay những người có nhiều ảnh hưởng trong thế giới văn hóa, nghệ thuật và thời trang.
 
Điều thú vị là bộ ba Marc Ascoli, Nick Knight và Peter Savile phải đối mặt với một số vấn đề kỹ thuật khá cơ bản, như làm thế nào để ảnh màu có thể gây ấn tượng mạnh mẽ không kém gì ảnh đen trắng, được coi là ảnh nghệ thuật?

“Ảnh màu trong thời trang và trong quảng cáo lúc bấy giờ”, Nick Knight giải thích, “thường chụp bằng phim dương bản và mang tính chất mô tả hiện thực”. Nhiếp ảnh gia trẻ tuổi đó đã dùng kỹ thuật được tìm ra trong thập kỷ 1970, chụp phim âm bản rồi rửa phim bằng kỹ thuật dành cho phim dương bản để có được những tông màu đặc sắc của technicolour.

Thời trang avant garde, những thử nghiệm với nhiếp ảnh trong xuất bản và thương mại là một sự kết hợp mới mẻ. Từ năm 1988 đến 1991, thương hiệu Nhật Comme des Garcons đã xuất bản 8 quyển tạp chí nghệ thuật –  thời trang mang tên “Six”. Đây là những tờ tạp chí khổ lớn (30 x 40cm) in các tác phẩm nghệ thuật bằng cách nào đó có liên quan đến thời trang của nhà thiết kế mốt Rei Kawakubo. Có thể coi đây là cách thức thương hiệu thời trang avant garde này lột tả mối liên hệ giữa nghệ thuật và thời trang của họ, cũng như những ý tưởng trừu tượng đằng sau các trang phục may sẵn.

Trong số các nghệ sỹ được nhắc tới trong “Six” phải kể đến Gilbert và George, Eliott Erwitt, Reiko Ikemura, Niko Pirosmani, Salvadore Dali, Brian Griffin, Dino Buzzati, Beaton Cecil, Kishin Shinoyama hay John L.Murphy. Xen vào giữa các bản in của tranh, đồ họa, ảnh nghệ thuật là những bức ảnh thời trang của Peter Lindbergh và Paulo Roversi.

Một bức hình Nick Knight thực hiện cho Yohji Yamamoto

 

Các quảng cáo của Comme des Garcons không thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí thời trang, nhưng ấn phẩm được gửi qua bưu điện đến tận tay một số khách hàng và báo chí mỗi khi bộ sưu tập mới xuất hiện có thể coi là một hình thức quảng cáo độc đáo của thương hiệu. Nhỏ thì như bưu thiếp, to như tranh cổ động. Nội dung luôn là những hình ảnh gây bất ngờ và đầy sức lôi cuốn.

Không thể không nhắc đến chất phản thời trang, những hình ảnh phản cảm hiếm gặp trong các bức ảnh của Cindy Sherman thực hiện năm 1994. Nữ nghệ sỹ nhiếp ảnh Mỹ nổi tiếng của phong cách chân dung tự họa hóa thân thành những con búp bê bị hỏng, tất nhiên là mặc trang phục của Comme des Garcons. Gần đây nhất, ấn phẩm chuyển phát qua đường bưu điện của thương hiệu Nhật này in các tác phẩm của nhóm nghệ sỹ Mondongo, Assume Vivid Astro Focus và nghệ sỹ Trung Quốc nổi tiếng Ai Wei Wei.
 
Giống như Yohji Yamamoto và Comme des Garcons, cuốn “Prada Fantasy Look Book” xuất bản sáu tháng một lần biến những bộ sưu tập mới nhất của thương hiệu Ý thành những ví dụ đặc sắc của nghệ thuật thiết kế đồ họa. Cuốn album-tạp chí này do OMA, phòng thiết kế do kiến trúc sư Rem Koolhas sáng lập, biên soạn.

Rem Koolhas là tác giả của siêu cửa hàng của Prada tại New York và Tokyo, còn OMA cũng là nhóm đạo diễn các buổi trình diễn thời trang của Prada. Ấn phẩm của thương hiệu Thụy Điển J. Lindeberg gần gũi với phong cách Bắc Âu của thương hiệu, bao trùm các lĩnh vực từ thời trang đến văn học, nghệ thuật.

Hermès xuất bản cuốn “Le Monde d’Hermès” sáu tháng một lần nhằm giới thiệu chủ đề hàng năm của thương hiệu, kết hợp hình ảnh và những câu chuyện nhẹ nhàng kể về truyền thống và phong cách lịch thiệp của người Pháp. Đặc biệt, trong năm 2011, chủ đề “nghệ nhân thời nay” được dành trọn cuốn album “La Maison” với các bức ảnh đầy tính riêng tư ghi lại công việc của các nghệ nhân Hermès.

 

Thời trang cũng là một dạng sản phẩm và cần quảng cáo để kích cầu. Mỗi bức hình quảng cáo thời trang chứa đựng những câu chuyện thú vị về ý tưởng hình thành để cho ra đời sản phẩm (bức hình) ưng ý.

Hình ảnh quảng cáo thời trang phải thể hiện được tinh thần của thương hiệu với những hình ảnh sống động nhất, thể hiện định hướng rõ ràng. Và người ta vẫn nói: quảng cáo thời trang là mảng “khó nhằn” nhất trong ngành công nghiệp quảng cáo. Những nhiếp ảnh gia chuyên chụp quảng cáo thời trang không nhiều, có thể kể đến những cái tên như Nick Knight, uergen Teller, Mario Testino, Steven Meisel,… Dĩ nhiên, để có được những tấm hình phù hợp với chiến dịch quảng cáo của các thương hiệu thời trang còn phụ thuộc vào sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác nữa.

Fashion Stories lần này mang đến 3 câu chuyện về một nhiếp ảnh gia, một nhà thiết kế và một xu hướng quảng cáo thời trang.

Mời độc giả đọc về hai câu chuyện còn lại:

Khỏa thân cùng Tom Ford

Quảng cáo thời trang xấu mà sành điệu 

 

Theo Đẹp số 150

From the same category