Sai 1 ly, đi một dặm

1. Che chắn, trốn chạy ánh nắng là đủ

Thêm một lần nhắc lại với bạn rằng: tất cả các vật dụng như ô dù, quần áo hay khăn choàng đều “có” chỉ số SPF không quá… 5. Bởi vậy, chúng chẳng giúp được là bao như bạn hằng tin tưởng. Bên cạnh đó, ánh nắng có thể phản chiếu qua nước, kính, gương, tuyết hay thậm chí là bê tông, bởi vậy chẳng có gì đảm bảo nếu bạn trú ngụ ở một nơi “tưởng như ánh nắng không thể xuyên tới được”.

Vì vậy, bạn nên sử dụng các sản phẩm chống nắng càng sớm càng tốt bởi theo các nghiên cứu, nếu bạn sử dụng các biện pháp chống nắng từ 20 tuổi thì có khả năng giảm thiểu tác hại của ánh nắng từ 57% đến 67% cho tới khi 70 tuổi. Thêm vào đó, ánh nắng mặt trời chiếm 80% trong số các nguyên nhân khiến da bạn bị lão hóa, bởi vậy, chống lại các tia cực tím cũng là một cách hữu hiệu để trẻ hóa làn da của bạn. Chỉ cần đều đặn thoa kem chống nắng hoặc các sản phẩm dưỡng thể có thành phần chống nắng với chỉ số SPF15 mỗi ngày, thì một làn da trắng mịn và khỏe mạnh chắc chắn không còn là điều huyễn hoặc.

2. Không sử dụng sản phẩm dưỡng thể chống nắng hàng ngày
  
Nhắc đến sản phẩm chống nắng, hầu hết mọi người đều mặc định rằng đó là sản phẩm mang theo khi đi bơi, đi biển hoặc những dịp tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Khái niệm, cách sử dụng sản phẩm chống nắng, dưỡng da hàng ngày dành cho cơ thể còn mơ hồ và không được coi trọng. Thực tế thì sử dụng sản phẩm dưỡng da có thành phần chống nắng cho cơ thể không chỉ giúp bạn có làn da mịn màng, đều màu mà còn khỏe mạnh, sẵn sàng đối mặt với ánh nắng hàng ngày.

Sản phẩm dưỡng thể với tác dụng đơn thuần là dưỡng trắng sẽ cho bạn làn da thực sự trắng sáng nhưng không khỏe, thậm chí còn dễ bắt nắng hơn cả khi chưa sử dụng. Vì vậy, bạn nên chọn sản phẩm dưỡng thể có chỉ số SPF/PA ít nhất là 15 để nuôi dưỡng làn da trắng mịn và bảo vệ da khỏi tác hại của nắng.

3. Thoa kem chống nắng không đúng thời điểm

Bạn mải ngắm chiếc váy mới mua đến nỗi suýt muộn cả giờ làm? Vậy rất có thể bạn chỉ kịp vội thoa một ít kem chống nắng trước khi ra đường!

Các nhà khoa học Mỹ ghi lại quá trình chuẩn bị của 352 gia đinh trước khi ra bãi biển. Kết quả là có đến 98% các gia đình thoa kem chống nắng… khi đã ra đến bãi biển. Cá biệt có những trường hợp sau 30 phút mới bắt đầu nhớ đến kem chống nắng. Bạn hãy nhớ hiệu quả bảo vệ da của kem chống nắng hay giá trị của SPF trong kem chống nắng phụ thuộc vào cách bôi. Cần phải bôi ít nhất 30 phút trước khi tiếp xúc với ánh nắng, đủ để kem chống nắng thẩm thấu vào da và có khả năng chống nắng tối đa nhất. Mỗi độ chống nắng SPF của kem tương thích với khả năng chống nắng tự nhiên của da (xem bài trên).

4. Bỏ quên nhiều vùng trên cơ thể

Bạn có thể chăm sóc vùng tay, chân và lưng rất kỹ, nhưng kết quả là gương mặt bạn phồng rộp, đỏ ửng. Hãy luôn ghi nhớ cần phải thoa kem chống nắng ở tất cả những vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Lưu ý:

– Kem chống nắng thường ít khi gây dị ứng, nhưng nếu bạn có làn da mẫn cảm thì phải bôi thử một ít ở mặt trong cánh tay trong vòng 24 giờ để theo dõi, nếu không có phản ứng đỏ, ngứa thì mới bôi rộng ra ở vùng cần thiết.

– Trước khi bôi kem chống nắng, cần vệ sinh da sạch sẽ, lau khô da.

– Không nên sử dụng dầu thơm ở vùng da hở khi đi ra nắng vì da dễ bị bắt nắng gây nám da.

– Tránh thoa kem chống nắng vào mắt, những vùng da bị hở, trầy xước hoặc tổn thương.

– Đừng quên chống nắng cho mái tóc bằng dung dịch chống nắng dành riêng cho tóc hoặc sản phẩm gội, xả, dưỡng có SPF.

5. Keo kiệt với làn da

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo bạn nên sử dụng ít nhất 2mg kem chống nắng cho mỗi cm2 làn da. Tuy nhiên khi thử nghiệm với 42 tình nguyện viên thì tất cả họ đều thoa kem ít hơn một nửa so với mức tổi thiểu cần thiết. Cho dù sản phẩm bạn sử dụng có chỉ số chống nắng cao nhưng nếu thoa với lượng quá thấp thì khả năng bảo vệ da khỏi tia cực tím cũng rất hạn chế. Hơn nữa, lớp kem chống nắng không thể tồn tại lâu trên da bạn. Chỉ một chút bụi bặm trên đường, mấy tiếng đồng hồ tại công sở cũng đủ để làn da trở nên mỏng manh trước ánh nắng mùa hè. Bởi vậy, dù đi bất cứ nơi đâu, bạn cũng đừng quên mang theo kem chống nắng trong túi xách và thoa hai giờ mỗi lần.

6. Thoa không kiểm soát

Đừng keo kiệt với làn da không có nghĩa là phải thoa quá nhiều kem chống nắng bởi lớp kem thừa không kịp thẩm thấu vào da sẽ là nguyên nhân gây dị ứng da trong mùa hè.

7. Kem nào mà chẳng là kem

Bạn có thể mua quần áo theo cảm tính, nhưng không thể mua kem chống nắng theo cảm tính được. Bởi hậu quả của nó sẽ là dị ứng, bỏng da, nghiêm trọng hơn là một số các bệnh da liễu và trong trường hợp xấu nhất, bạn có thể bị ung thư da. Vì vậy, hãy dành thời gian tìm hiểu thật kĩ trước khi chọn mua bất kỳ loại kem chống nắng nào. Khi mua, cần chọn hãng có uy tín, đọc kỹ thông tin trên bao bì, thành phần, thông số và xuất xứ rõ ràng, coi chừng có thể mua loại đa “đổi ruột” bên trong hoặc quá hạn sử dụng.

8. Cho rằng kem chống nắng có chỉ số cao có thể bảo vệ da cả ngày

Để da được an toàn, bạn không được “chủ quan khinh… nắng”. Rất nhiều người vô tư nghĩ là kem chống nắng có chỉ số càng cao, thì thời gian bảo vệ càng lâu mà không nghĩ là kem chống nắng cũng sẽ bị “suy yếu”, giảm tác dụng bởi yếu tố khác như vận động, thấm mồ hôi, rửa với nước… Vì vậy, cho dù SPF là bao nhiêu, việc thoa kem bổ sung đúng giờ và thoa đủ lượng vẫn là điều cần thiết.

9. Quên chống nắng cho môi

So với da mặt, đôi môi có thời gian tiếp xúc với nắng nhiều không kém. Vùng môi rất dễ bị tổn thương bởi ánh nắng, nếu sắp phải ra nắng, bạn cần chắc chắn là sẽ thoa loại lip gloss có chỉ số SPF dưới 20 sau khi đa thoa son dưỡng chống nắng. Cuối cùng, đừng quên đôi môi cũng cần được chăm sóc thường xuyên.

Bạn nói chuyện, ăn uống và liếm môi… khiến cho môi rất dễ bị tổn thương, vì thế hãy dặm lại son môi bất cứ khi nào có thể.

10. 1 cho tất cả

Da mắt vốn mỏng manh chỉ dày bằng 1/5 da mặt nên vùng da này là nơi nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất đồng thời dễ bị xuất hiện đốm sẫm màu và nếp nhăn. Bởi thế, mắt có quyền đòi hỏi loại kem chống nắng dành riêng cho nó. Sản phẩm chống nắng cho mắt cần tinh khiết, dịu nhẹ, không chứa dầu, ngoài ra tính chất phải cực kỳ ổn định và không gây kích ứng. Nếu thực sự yêu quý làn da của mình, bạn hãy sử dụng kem chống nắng có công thức riêng cho từng vùng da (mắt, mặt, cơ thể) cũng như cho từng loại da (khô, nhờn, hỗn hợp, da nhạy cảm).

11. Rửa mặt với sữa rửa mặt bình thường sau khi dùng kem chống nắng

Thành phần chính của kem chống nắng như chất chống trôi, chất chống thấm nước, chất phản xạ tia cực tím, kẽm dioxit, anhydrite titannium… đều không thể làm sạch triệt để bằng sản phẩm sữa rửa mặt hay sữa tắm thông thường. Nhiều sản phẩm tiên tiến còn kết hợp giữa tính chất chống nắng hóa học với chống nắng lý học để tối ưu hóa khả năng chống nắng, bảo vệ da. Các hoạt chất này nếu bị tích tụ lâu ngày trên da có thể gây bí tắc lỗ chân lông, thậm chí nổi mụn. Vì vậy, dù dùng kem chống nắng loại nào, chỉ số chống nắng cao hay thấp, bạn vẫn phải dùng sản phẩm tẩy trang chuyên dụng gốc dầu để rửa sạch các hoạt chất, sau đó làm sạch da bằng sữa rửa mặt để lấy đi toàn bộ dầu thừa, bụi bẩn trên bề mặt, trả lại cho làn da sự tinh khiết tự nhiên.

12. Chỉ số SPF có thể cộng gộp

Dùng kem lót trang điểm có chỉ số SPF30, sau đó dùng phấn phủ có SPF15 không có nghĩa là làn da bạn đa được bảo vệ với mức SPF45 mà chỉ được tính căn cứ vào sản phẩm có chỉ số SPF cao nhất (trong trường hợp này là SPF 30).

13. Sử dụng thực phẩm và thuốc có chứa thành phần nhạy cảm với ánh sáng

Nhiều người không biết rằng một số loại thuốc được kê theo toa như thuốc tăng huyết áp, thuốc ngừa thai, và thuốc kháng sinh có thể gây ra hiện tượng bắt nắng và nguy cơ da bị cháy nắng.

Ngoài ra một số thực phẩm cũng được liệt vào danh sách những thực phẩm khiến da nhạy sáng như cần tây, chanh và các loại trái cây có múi. Những thành phần hóa học có trong những loại thuốc hay rau quả nói trên có khả năng tương tác với ánh sáng mặt trời, khiến làn da tăng sinh những đám sẫm màu phải rất lâu sau mới giảm bớt. Vì vậy, khi lựa chọn trái cây, bạn cần cân nhắc thêm yếu tố này.

Bài: P.V

From the same category