Trò chuyện với con tuổi teen

Các bậc cha mẹ cần tạo nên những cuộc trò chuyện tích cực. Một cuộc trò chuyện vui vẻ chỉ có thể có được khi tâm trạng của cả bạn và con cái đều thoải mái. Bạn nên chú ý giữ cho cuộc hội thoại đúng với không khí mà bạn muốn, nếu bạn hoặc con bạn cảm thấy khó chịu, cuộc đàm thoại sẽ nhanh chóng “xuống dốc”. Nếu bạn yêu cầu con rằng bạn muốn được trò chuyện, muốn con dành thời gian cho gia đình thì chắc chắn chúng sẽ cảm thấy chán nản.

Bạn hãy nhớ rằng khi bạn đã ở độ tuổi teen như con bạn bây giờ, bạn cũng ham vui, ham chơi và ít tập trung cho gia đình. Bạn cho rằng ở bên ngoài nhiều thứ thú vị hơn nhiều. Vì thế, hãy nghĩ xem gia đình có thể có điều gì để thu hút con bạn hơn? Bạn hãy tạo cho ngôi nhà của bạn không khí thư giãn, dễ chịu. Bạn có thể tổ chức những buổi pic nic, vui chơi cho gia đình và mời bạn bè của con tham gia cùng.

Khi muốn trò chuyện với con, bạn đừng nên đặt câu hỏi quá nhiều, tâm trạng bạn phải bình tĩnh thì mới có thể bắt đầu được cuộc trò chuyện cởi mở. Một mẹo nhỏ để dễ dàng bắt đầu một cuộc trò chuyện tốt là cho con bạn ăn vặt.

Bạn hãy bỏ bất cứ gì bạn đang làm, ngồi xuống và nhìn con chăm chú. Nếu đang đọc báo khi con đi ngang qua phòng, bạn hãy đặt nó xuống và nói: “Con sẽ không tin những gì bố/ mẹ vừa đọc đâu”, sau đó chia sẻ câu chuyện từ bài báo hoặc lấy đó làm cái cớ để nói tới điều mình muốn nói với con. Nếu đang nấu ăn hay rửa bát đĩa, bạn hãy lau khô tay và nói: “Con lại đây với mẹ một chút”.

Bạn hãy mỉm cười và nhìn con một cách thân thiện. Một nụ cười sẽ giúp cuộc trò chuyện dễ dàng hơn là sự cau có, cái nhìn thân thiện sẽ có sức mạnh hơn những lời trách mắng, những bài giảng hay sự mỉa mai. Nếu con bạn vừa đi chơi khuya về và bạn muốn nhắc nhở, hãy thật thoải mái mở lời “Chào con yêu” khi cô bé/cậu bé vừa tới cửa. (Chú ý là đừng nói điều gì có thể gây rắc rối khi có mặt bạn bè của con). Sau đó bạn có thể nói chuyện nghiêm túc với con về giờ giấc được phép đi chơi.

Bạn không nên trợn mắt, nhìn con lắc đầu ngán ngẩm hay thở dài. Hồi còn là thanh thiếu niên, bạn cũng không thích điều này ở bố mẹ đúng không? Bởi vậy, bạn đừng hành động những gì mà bạn vốn cũng không thích. Bạn có thể kiểm soát con nhưng ở trong mức độ cho phép và đừng tỏ ra chán nản khi con bạn nêu một ý kiến bà bạn nghĩ rằng nó vô lý. Một số thứ có thể vô lý với bạn nhưng với con bạn thì không. Để con bạn chấp thuận ý kiến của mình, bạn phải thuyết phục dần dần và có căn cứ.

Bạn và con hoàn toàn có thể cùng nhau thảo luận về các chủ đề thú vị. Nếu mỗi cuộc trò chuyện của bạn với con xoay quanh vấn đề những gì họ đã làm, không làm hay sẽ làm, bọn trẻ sẽ tránh xa bạn. Nếu muốn con cởi mở hơn với mình, bạn nên tìm các chủ đề thú vị, ví như: chụp ảnh, âm nhạc, dance, thể thao…

Thỉnh thoảng, bạn nên rủ các thành viên trong nhà chơi trò chơi mà từ đó bạn có thể hiểu hơn về các thành viên. Mỗi người làm một danh sách lần lượt về 3 điều mà người khác không biết về mình. Hai trong số đó là đúng và 1 là được bịa ra. Sau đó những người khác sẽ đoán đâu là hai điều có thật và đâu là bịa.

Con bạn đang ở giai đoạn tuổi teen thì chúng sẽ luôn nghĩ rằng “Con biết nhiều hơn bố mẹ”. Sự thực, có những thứ chúng biết nhiều hơn bạn, ví như văn hóa nhạc pop, các sản phẩm công nghệ mới nhất… Vì thế, bạn hãy để cho con bạn được bày tỏ quan điểm của mình. Là bố mẹ, bạn có nhiều kinh nghiệm sống hơn nhưng khi trò chuyện, tốt nhất là bạn nên lắng nghe để có thể tìm hiểu thêm về những gì con bạn biết.

Khi trò chuyện với con bạn nên chọn những câu ngắn. Thời gian có thể làm cho cách trò chuyện trở nên khác đi. Nhưng nếu mong có được cuộc trò chuyện cởi mở thì hãy cố gắng giữ cho nó đơn giản, đừng văn hoa màu mè để diễn đạt điều muốn nói.

Bài: An Nhiên (theo Ehow)
Ảnh: ST

From the same category