Tuy nhiên, nghe từ “tình cảm” trong tiếng Việt tôi thấy sợ.
“Anh ơi, tuần sau mình sang cơ quan đó gặp ông ấy, tình cảm tí”, em trợ lý vừa nói với tôi hôm qua. Là trợ lý lâu năm nên tôi rất hiểu ý em ấy. “Tình cảm” có nghĩa là một cái phong bì cộng với vài phút nói chuyện xã giao, thể hiện (sản xuất) sự quan tâm. Trong những trường hợp đó, tôi thích “lạnh lùng tí” hơn. Giá mà tôi có thể lạnh lùng gửi phong bì, ông ấy lạnh lùng nhận, không ai nói gì hết – không phải “Em có vợ chưa, dạo này em có hay lên truyền hình không, em thích món gì nhất?…”
“Tình cảm” là “phát triển quan hệ”. “Phát triển quan hệ” là đi nhậu lúc không muốn, đi cà-phê lúc không thích, đi về lúc không giờ. Không dừng lại ở đó, tôi cũng rất sợ từ “hữu nghị”. Hữu nghị ít khi có nghĩa là “friendship”. Hữu nghị nhiều khi có nghĩa là: “Tôi sẽ làm miễn phí cho ông với mục đích… thôi, sau này tôi mới nói”. Hoặc “tôi muốn ông làm miễn phí cho tôi với mục đích… tôi không mất tiền gửi ông”.
Tình cảm, quan hệ, hữu nghị. Tiền, tiền, tiền.
Thật ra, dùng từ thiêng liêng trong trường hợp thô tục là chuyện bình thường. Ví dụ, từ “mẹ”, một trong những từ thiêng liêng nhất của mọi ngôn ngữ. Trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, từ mẹ cũng nằm trong 1/2 của một câu chửi phổ biến. Chúng ta dùng từ dành cho người mình yêu nhất tặng người mình ghét nhất.
Vậy nên người Việt Nam dùng từ “tình cảm” ở trường hợp không tình cảm lắm là tôi có thể hiểu và chấp nhận. Tiếng Anh cũng có nhiều ví dụ tương tự. Điều này thuộc về bản chất con người.
Nhưng các bạn khác với tôi ở một chỗ quan trọng. Tôi đã học nghĩa xấu và nghĩa đẹp của từ “tình cảm” trong một ngày; buổi sáng thầy giáo tiếng Việt dạy nghĩa đẹp, buổi chiều trợ lý công ty dạy nghĩa xấu. Vậy ngay từ khi biết từ “tình cảm”, tôi đã có ác cảm với nó. Các bạn không bị như thế. Tôi đoán rằng các bạn đã hiểu nghĩa đẹp mấy năm trước khi tiếp cận với nghĩa xấu. Tức là nghĩa đẹp của từ “tình cảm” đã có thời gian để ổn định trong trái tim của các bạn trước khi nghĩa xấu tấn công.
Ví dụ, tôi có một người bạn tốt lâu năm, bỗng một hôm bạn ấy mượn tiền, mãi không thấy trả lại. Rất có thể tôi sẽ không giận bạn ấy. Cuộc sống nhiều chuyện phức tạp, tôi sẽ hiểu. Nhưng nếu tôi mới gặp một người vào buổi sáng, người đó bắt tay với tôi một cách rất thân thiện rồi chiều hôm đó đòi mượn tiền… thì tôi sẽ hơi ngạc nhiên, hơi khó chịu. Tôi cho mượn rồi tôi đợi thời gian dài không thấy người đó liên hệ thì cảm giác khó chịu có thể thành ác cảm. Anh Joe bị lừa, các bạn của tôi sẽ nói. Anh Joe bị dại gái!
Từ “mẹ” cũng vậy. Ý nghĩa đẹp đã ngấm rất sâu vào trái tim các bạn, từ khi các bạn mới biết nói – phải mấy năm sau, những từ bổ nghĩa ấy mới nhảy vào cuộc.
Với tôi, từ “tình cảm” dính nghĩa xấu ngay từ khi được nhập vào trí nhớ. Bây giờ tôi chẳng muốn có “tình cảm” với ai. (Tôi cũng chẳng muốn có “quan hệ” với ai, chán “hữu nghị”, mỗi khi nghe người ta nói “mẹ ơi” một cách bình thường vẫn thấy bậy bậy). “Tình cảm” là từ xấu trong mọi trường hợp. Tôi rất muốn bỏ cảm giác đó nhưng khó lắm! Uớc gì tôi có thể học lại tiếng Việt từ đầu, học lý thuyết hai năm để ổn định các nghĩa đen, các nghĩa đẹp, rồi mới ra đường tiếp cận với các chú xe ôm, các ông “cơ quan”, các cháu học sinh cấp 1… học thêm nghĩa xấu.
Giờ tôi hỏng không chữa được. Nếu tôi nằm cạnh một em xinh đẹp dưới hàng ngàn ngôi sao, gió thổi nhè nhẹ, em ấy dịu dàng nói với tôi:
“Anh ơi, em thấy em có tình cảm với anh đấy” – tôi sẽ có cảm giác là tôi phải nói lời cảm ơn rồi gửi em ấy phong bì trong đó có tờ 500.000 và tờ photo công chứng giấy đăng ký kinh doanh.
“Thôi em cứ nói em có ‘tình bạn đặc biệt’ với anh đi”.
“Sao vậy anh?”
“Chuyện dài!”
Bài: Joseph Ruelle