“Lê Khanh đồng điệu với IDECAF” - Tạp chí Đẹp

“Lê Khanh đồng điệu với IDECAF”

Sao
IDECAF khẳng định thương hiệu của mình như một sân khấu có chuẩn mực nghệ thuật nhưng vẫn đáp ứng tốt yếu tố khán giả, thị trường. Lê Khanh hòa hợp được với chuẩn mực ấy chăng, nên mới thành sự lựa chọn của anh?

Gu kịch của IDECAF rất gần với Lê Khanh, hay đúng hơn, tiêu chí của IDECAF và Nhà hát Tuổi Trẻ có nhiều sự tương đồng. Tại NH Tuổi Trẻ, Khanh cũng sở trường dòng kịch chính luận, có hướng đi chính thống. Vì thế, khi cập bến IDECAF, Lê Khanh không hề ngỡ ngàng, không gặp phải trở ngại hoặc khó khăn gì đáng kể. Thêm vào đó là tác phong làm việc hết sức chuyên nghiệp và nghiêm túc đã giúp Lê Khanh hòa hợp rất nhanh với các cộng sự.

Một giọng thoại Bắc trên sân khấu phía Nam mà không hề bị va đập, đối chọi ư?


Quan niệm giọng Bắc, giọng Nam trên sân khấu kịch đã lạc hậu rồi. Quan trọng là năng lực và cái duyên của diễn viên. Trước Lê Khanh, chúng tôi cũng từng có Thanh Phương – một diễn viên gốc Hà Nội, thoại bằng giọng Hà Nội rất hay. Anh đã sáng tạo ra cách nhả chữ, nhấn nhá được người xem chấp nhận, và tán thưởng… Tương tự, chất giọng Hà Nội của Lê Khanh rất hợp “rơ”, ăn ý với bạn diễn mà không hề bị vênh như ai đó nghi ngại.

Là một sân khấu tư nhân nên luôn phải chịu áp lực về doanh thu, anh tin rằng Lê Khanh có thể là một cái tên giúp bán vé sao, ở trời Nam?

Lê Khanh là một nghệ sỹ có đẳng cấp, đã xây dựng được hình tượng cá nhân. Lê Khanh luôn có lượng “fan” hâm mộ riêng của mình, cả ở Hà Nội, ở nhiều tỉnh thành khác và tất nhiên là cả Tp.HCM. Vì vậy, thái độ của công chúng rất hồ hởi, hoan hỉ. Nhiều khán giả nghe tin Lê Khanh đang ở IDECAF, vội vàng tới xem bằng được. Lê Khanh quả thật luôn có cách thức đặc biệt để hút hồn người.

Lê Khanh hút khách vậy, sao IDECAF không tìm cách giữ lại?

Chuyện đi hay ở phụ thuộc vào cuộc sống riêng của Lê Khanh. Và giữa chúng tôi là sự cộng tác thân thiện, bình đẳng, hiểu và tôn trọng nhau, không cần phải áp đặt các điều kiện thuần lý tính hay đưa ra những lợi ích cá nhân để níu kéo, mời gọi. Mừng là ngày ấy, chúng tôi đã có được một lựa chọn sáng suốt, được công chúng chấp nhận và tán thưởng.

Lê Khanh thuộc biên chế của một nhà hát trung ương, nên gặp nhiều thuận lợi hơn so với các nghệ sỹ xã hội hóa trong việc được phong danh hiệu, được đi nước ngoài biểu diễn… Trong khi đó, IDECAF không thiếu những tài năng đỉnh cao chẳng hạn như Thành Lộc thì danh hiệu lại chưa xứng tầm. Anh có thấy thế?

Thành Lộc được bạn nghề, giới truyền thông và cả công chúng nhìn nhận như nghệ sỹ hàng đầu của sân khấu kịch. Đấy mới là sự tưởng thưởng xứng đáng, hơn là các danh xưng. Tất nhiên, nói thế không phải chúng tôi thiếu tôn trọng các danh hiệu, giải thưởng. Đơn giản, có nhiều tiêu chí nằm ngoài chủ quan của chúng tôi.

Anh có mơ đến sự kết hợp giữa cặp đôi Lê Khanh – Thành Lộc, hai tên tuổi xuất sắc nhất của kịch nói ở hai đầu đất nước trên sân khấu IDECAF?

Được thế thì quá mỹ mãn! Cùng đẳng cấp, cùng tình yêu cháy bỏng với sân khấu, Thành Lộc và Lê Khanh cực kỳ hòa hợp khi là bạn diễn của nhau.

Không giữ được Lê Khanh, IDECAF có mong sẽ được đón Lê Khanh trở lại?

Lê Khanh là của Hà Nội, tâm hồn Lê Khanh đặt ở Hà Nội, nên tôi nghĩ, cô ấy có đi đâu rồi cũng phải quay về. Nhưng IDECAF là sân khấu mở, luôn rộng vòng tay với các nghệ sỹ cùng chí hướng. Bởi vậy, lúc nào chúng tôi cũng nghênh đón Lê Khanh, nghênh đón cả nhiều nghệ sỹ phía Bắc đồng điệu với IDECAF.

Bài: Ngô Hương

Thực hiện: depweb

12/10/2010, 14:43