“Dọn mình” để làm sang vai diễn - Tạp chí Đẹp

“Dọn mình” để làm sang vai diễn

Sao
Những ngày cuối đời, trong căn phòng nhỏ, thầy Nghi mệt nặng, khó thở, học trò già trẻ quây quần thăm nom. Biết thầy Nghi thích hoa lạ, Lê Khanh chạy xe máy vòng quanh Hồ Gươm, kiếm về một bông chuối rừng lớn đỏ tươi, cắm vào độc bình góc nhà để thầy vui mắt…

Thế rồi thầy đi, bỏ lại sau lưng bao ước nguyện chưa thành, bao hy vọng đổi mới sân khấu dở dang, cả cô học trò nhỏ Lê Khanh mà ngay sau khi ông mất, đã có mặt cạnh thi hài ông, ròng ròng nước mắt. Chẳng phải chính thầy Nghi đã tái sinh Lý Chiêu Hoàng từ “Rừng trúc” của nhà văn Nguyễn Đinh Thi – một vẻ đẹp cao cả, uy nghi trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ bằng thanh sắc và tài năng đã chín muồi của Lê Khanh đó sao?

Chính thầy đã dạy Lê Khanh cách hóa thân trọn vẹn cho nhân vật Lý Chiêu Hoàng, hóa thân cùng kiệt vào thâm sâu nhân vật, đến độ có nhiều đêm, khi đã ra khỏi ánh đèn sân khấu, Lê Khanh vẫn chưa ra khỏi ám ảnh nhân vật Lý Chiêu Hoàng – vai diễn mà thầy Nghi đã có công khơi mở, dẫn đường, khám phá và đặt nó vào tay Lê Khanh để giúp cô có được một vai diễn để đời.

Học từ NSND Song Kim về phẩm cách lao động nghệ thuật: bao giờ bà cũng đến nhà hát sớm nhất, vào phòng hóa trang, ngồi thiền như đắm mình vào nội tâm nhân vật, để khi ra vai, sẽ đầy ắp tâm trạng sân khấu. Lê Khanh cũng y thế: thường đến thật sớm, thực hiện nghi lễ “dọn mình” cho nhân vật Lý Chiêu Hoàng. Nhìn vào cách chị chinh phục vai kịch đầy thách thức ấy, có thể đoán biết Lê Khanh đã nỗ lực thế nào và được đạo diễn Nguyễn Đinh Nghi khai sáng, chỉ dẫn và giải phóng mạnh mẽ cá tính sáng tạo của người diễn đến mức nào.

Đâu phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Đinh Thi đa gửi nhiều nỗi niềm vào Lý Chiêu Hoàng, muốn “giải mã” nhân vật có số phận bi kịch đế vương lớn lao, phức tạp nhất trong lịch sử các vương triều thuộc kỷ nguyên Đại Việt bằng sân khấu, chứ không phải bằng văn chương thuần túy. Điều gửi gắm nghệ thuật sâu xa triết lý ấy khiến cho nhân vật Lý Chiêu Hoàng lấp lánh nhiều sắc màu sân  khấu đối nghịch, và tất nhiên, đã đặt Lê Khanh trước một thách thức “kép”: hoặc sẽ có một vai diễn rất hay, hoặc sẽ phải “chào thua” nó.

Văn chương trong văn bản kịch “Rừng trúc” của Nguyễn Đinh Thi đậm đặc ý tứ thâm sâu, không dễ gì đọc được trên bề mặt ngôn từ, lại mang rất rõ dáng dấp kịch lịch sử – luận đề. May mắn là Lê Khanh đã gặp đúng đạo diễn Nguyễn Đinh Nghi, người có một sức mạnh chữ nghĩa vô cùng thâm hậu, đã giải mã được văn bản kịch “Rừng trúc” và đương nhiên, Lê Khanh đã được thầy Nghi “đánh thức tiềm lực”.


Lê Khanh trong “Rừng Trúc”

Kết quả không  thể mong đợi hơn: Lê Khanh đã theo sát vai diễn của mình từ đầu đến cuối vở kịch một cách ngoạn mục, đã diễn tất cả những đoạn đường trần ai, sóng gió của Lý Chiêu Hoàng với tư thế vị nữ hoàng duy nhất và cuối cùng của nhà Lý, hiểu rõ sứ mệnh của vương triều Lý là phải chuyển giao ngôi báu cho nhà Trần như một sứ mệnh lịch sử và sau đó, đã ra đi thanh nhẹ không chút bận lòng.

Trước đó, Lê Khanh đã cắt nghĩa rất rõ: Lý Chiêu Hoàng của Lê Khanh không  phải người vợ nhường ngôi cho chồng, mà là vị nữ hoàng thấy cần chuyển giao ngôi báu cho người xứng đáng làm vua hơn mình, khi cảm thức rõ vương triều Lý đến lúc phải kết thúc vai trò lịch sử. Lê Khanh đã đặc biệt xuất sắc khi diễn đạt những vỡ lẽ lịch sử đầy bi tráng ấy của nhân vật Lý Chiêu Hoàng trong cảnh hai của vở “Rừng trúc”. Trước bàn thờ vua cha, Lý Chiêu Hoàng của Lê Khanh độc thoại nội tâm dài đến vài ba chục phút bằng đài từ sân khấu với kỹ thuật buông câu nhả chữ điêu luyện, khiến cả khán phòng lặng đi trước bi kịch nội tâm lớn lao của một vị vua trẻ tuổi.

Lê Khanh bảo, diễn đến đoạn ấy, dù đã dày dạn kinh nghiệm sân khấu, song chính Khanh đã không ngăn được nước mắt, trong một trạng thái thăng hoa như thể nhập đồng… Nhờ sự rung cảm mãnh liệt ấy, chị đã hoàn thành xuất sắc một vai kịch chính luận – lịch sử đầy thách thức và cũng là vai kịch tròn đầy, sáng nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Lê Khanh.

Khả năng giúp các vai diễn trở nên nhiều màu, hoặc nói cách khác, biết khai thác tính thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập vốn được nhà viết kịch thiết kế cho các vai kịch phức tạp, nhiều sang chấn tinh thần kiểu vai Lý Chiêu Hoàng, lại được làm việc với những đạo diễn hàng đầu của sân khấu như Nguyễn Đinh Nghi, Lê Hùng đã liên tục đưa Lê Khanh đến những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp diễn xuất của mình với các vai kịch kinh điển thế giới như: Thị Bình trong “Lôi Vũ”, Klêa trong “Con cáo và chùm nho”, Min-pho trong “Âm mưu và tình yêu”, Nora trong “Nhà búp bê”…


Lê Khanh trong “Nora”

Trong đó, Nora gây được tiếng vang lớn khi có cơ hội giao lưu quốc tế nhiều hơn cả. Chắc chắn, cuộc đối đầu và thâm nhập vào vai Nora – nhân vật búp bê phương Tây là một cuộc trải nghiệm và phiêu lưu kì thú nhất về diễn xuất của Lê Khanh sau vai Lý Chiêu Hoàng – bà hoàng phương Đông.

Quả không hổ danh  một trong ba ái nữ (Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi) của cặp vợ chồng nghệ sĩ: NSND Trần Tiến – NSƯT Lê Mai (Lê Mai là con gái nghệ sĩ tài hoa Lê Đại Thanh), Lê Khanh đã tiếp thu được huyết thống nghệ sĩ rực rỡ của cả hai bên nội ngoại, lại được hạnh ngộ với những đạo diễn bậc thầy, vậy nên Lê Khanh cứ như tự nhiên mà hình thành một tài năng biến báo khôn lường trong sự xâm nhập và thể hiện các vai kịch khác nhau một trời một vực, đối lập như màu đỏ – màu đen, như nước – lửa, như vai Lý Chiêu Hoàng và Nora, một vai kịch phương Đông cuối thế kỉ XX và một vai kịch phương Tây đầu thế kỉ XXI.

Nếu không phải là chính mình, Lê Khanh tự biết mình không dễ thoát khỏi ám ảnh vai Lý Chiêu Hoàng. Song, là một nghệ sĩ tài hoa, Lê Khanh đã đạt đến phẩm chất diễn xuất vai diễn tính cách – một kiểu diễn thuộc hàng của hiếm. Cùng thế hệ Lê Khanh có lẽ chỉ một người đạt đến ở sân khấu kịch Tp.HCM là  nghệ sĩ Thành Lộc. Lộc đa diễn những vai khác hẳn cái tôi tự nhiên của diễn viên, thậm chí còn lộn trái cả bản thân để diễn xuất nhân vật. Như thế mới thực sự là tài năng sân khấu!

Lê Khanh hiểu Nora là một vai kịch khác sau Lý Chiêu Hoàng. Đó là bi kịch của  một người phụ nữ đã nhận lầm thân phận của mình trong gia đinh. Chính sự vỡ lẽ đau đớn về cuộc nhận lầm ấy đã dẫn đến nổi loạn. Nora phải dứt áo đi, đóng sập cánh cửa nhà búp bê, để tìm lại mình và sống đúng với mình: Không phụ thuộc hoàn toàn vào ai, “không để tất cả trứng vào một cái rổ”, không nên là con búp bê của ai và có gan chịu trách nhiệm về bản thân mình như một cá thể độc lập… Hiểu rõ quá trình biến chuyển ấy và những vỡ lẽ kinh khủng ấy của Nora, lại được diễn xuất trong xử lý chuyển động thời gian, không gian sân khấu đầy sáng tạo của đạo diễn Lê Hùng, Lê Khanh đã thành công hơn mong đợi.

Giúp Nora của Lê Khanh nhận rõ bi kịch tréo ngoe của nhân vật: Nora làm vợ như làm búp bê, Lê Hùng đã bày trên sân khấu những con búp bê vải và cấp cho chúng một thứ ngôn ngữ im lặng đầy lời. Những con búp bê ấy như biểu tượng vừa cô đơn vừa phân mảnh của tâm hồn Nora an nát. Trên phông hậu chính giữa sân hấu là chiếc đồng hồ quả lắc – vừa là cánh cửa ra vào nhà búp bê, vừa là chứngnhân âm thầm những đau khổ, hạnh phúc của nhân vật, vừa là tiếng gõ  đập của thời gian và cuối cùng thành tiếng đập thổn thức của trái tim Nora, thay cho tiếng sập cửa rất mạnh trong kịch bản của Ibsen. Nora của Lê Khanh vì thế không sập cửa, nhưng tiếng đập đau đớn của trái tim Nora đa được vang lên trong tiếng đập thổn thức của chiếc đồng hồ quả lắc…

Cũng đã dăm năm nay, thành tâm phát nguyện theo lời dặn của thầy Nguyễn Đinh Nghi trước khi mất về hành trang nghề nghiệp mà một diễn viên sân khấu cần mang theo, đó là: Lòng yêu nghề, kĩ năng diễn xuất, tính kỉ luật nghề nghiệp cao, cái tâm làm nghề trong sáng… Lê Khanh thi đỗ, tốt nghiệp đạo diễn và đang theo học cao học ngành đạo diễn kịch tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội.

Có thể rồi đây sẽ có một Lê Khanh – đạo diễn hay một Lê Khanh – người truyền lửa, đều đáng để chúng ta chờ đợi. Nhưng riêng tôi, tôi vẫn thích nhất Lê Khanh – diễn viên, để sân khấu Việt còn được chiếu sáng bằng những pha chuyển màu đầy đẹp mắt và hút hồn của Lê Khanh. Liệu mong mỏi ấy có gì “không tưởng” hay xa xỉ, khi tôi chỉ muốn Khanh là nghệ sĩ trên sân khấu mà thôi?


Lê Khanh trong “Âm mưu và tình yêu”

 Cùng thế hệ Lê Khanh có lẽ chỉ một người đạt đến ở sân khấu kịch Tp.HCM là nghệ sĩ Thành Lộc. Lộc đa diễn những vai khác hẳn cái tôi tự nhiên của diễn viên, thậm chí còn lộn trái cả bản thân để diễn xuất nhân vật. Như thế mới thực sự là tài năng sân khấu!

Bài: Nguyễn Thị Minh Thái

Thực hiện: depweb

11/10/2010, 16:29