Trụ cột

NHÀ KHÔNG CÓ… NÓC

Có một ông chồng ham chơi, bao gái, nhậu nhẹt, lô đề, chị Thanh Lý trở thành người trả nợ triền miên. Không phải chị cố nhẫn nhục chịu đựng, nhưng nếu làm ngơ, thì trong nhà ông xã quát tháo, còn bên ngoài chủ nợ làm ầm ĩ lên sẽ bể mặt gia đình, mà chị vừa đăng ký đạt “Gia đình văn hóa” của phường 16, quận Gò Vấp.

Chị giỏi làm ăn, mua bán, làm ra tiền, nhưng ở trong nhà, người ra lệnh lại là anh chồng. Đến gặp chuyên viên tư vấn, chị tâm sự: “Ông ấy lại vừa mới vay 50 triệu để đi du lịch với cô bồ nhí. Tôi muốn ly hôn, nhưng sợ con cái hụt hẫng, thất vọng, rồi hư hỏng. Lâu nay, tôi cố dựng lên một hình ảnh người cha tốt đẹp trong mắt các con, biết lo cho gia đình. Tôi biết tính toán, nên làm ăn không thua lỗ, nhưng thật ra trong thời buổi cạnh tranh gắt gao này, tôi cũng phải dựa vào thân thế chức quyền của ông xã mới có nhiều lợi thế trong kinh doanh. Vì thế, tôi không nỡ thẳng tay bỏ mặc ông ta. Còn chồng tôi, luôn miệng nhắc các con: “Đừng tưởng má bây làm ra tiền là do công sức, tài năng của chính bà ấy, không có tao chở che, làm trụ cột… thì cái nhà này sụm từ lâu”. Thế nhưng trong thực tế, nhà anh chị đã… sụm rồi. Mối quan hệ vợ chồng chỉ còn vẻ bề ngoài. Nhà cao, cửa rộng, khá đầy đủ tiện nghi, nhưng gia đình ngày càng rệu rã. Vợ chồng gần như không tâm tình nói chuyện. Anh cũng chẳng dành thời gian quan tâm, dạy dỗ con cái. Theo anh “chuyện đó của đàn bà”.

Còn chị Túy Hoa (phường 1, quận Tân Bình), không phải đi làm, không có ông chồng ham chơi, mà cuộc đời cũng đong đầy nước mắt. Chị không thể nào quên, một thời gian dài ở bên Nga, chị làm lụng cực khổ kiếm tiền để nuôi người yêu học hành. Về nước, với tấm bằng Tiến sĩ, anh được một công ty liên doanh mời làm việc. Sau đám cưới, có con, anh bảo chị ở nhà, chăm sóc con, quán xuyến nhà cửa, tiền bạc đã có anh lo. Chị tâm sự: “Ban đầu, tôi vui lắm, chắc là ông xã muốn bù đắp cho tôi, muốn tôi được nghỉ ngơi. Nhưng từ khi, anh gánh vai trò trụ cột gia đình, thì cũng lên mặt gia trưởng. Việc gì, anh cũng muốn tôi răm rắp nghe lời anh. Anh đưa tiền cho tôi, luôn kèm theo yêu cầu, hướng dẫn mua sắm, sợ tôi tiêu pha phung phí. Tôi hoàn toàn không biết gì về công việc của anh. Có hỏi, thì anh bảo: “Em chỉ biết nấu cơm, đi chợ, đi gội đầu, làm móng tay… anh có nói các đề tài nghiên cứu của anh, làm sao em hiểu”. Với thu nhập của chồng, nhà tôi không đến nỗi túng thiếu. Nhiều chị em ao ước có được tấm chồng như tôi, nhưng họ đâu có biết tôi khổ thế nào, không bao giờ được cùng chồng bàn bạc chuyện gia đình”.

Rồi có chồng không hề gia trưởng nhưng chị Yến Minh, đại lý của một hãng bảo hiểm, cũng không vui nổi, vì anh cũng chẳng tròn trách nhiệm đối với gia đình, nên chị phải cố cáng đáng vai trò trụ cột trong nhà. “Tôi không quá đòi hỏi ông xã phải làm ra tiền, phải nuôi sống vợ con, nhưng lắm lúc tôi tủi thân vì có chồng bên cạnh mà vẫn đơn độc, vẫn không được anh ấy cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ tinh thần. Tôi cứ vẫn một mình lặng lẽ đối diện với bao nỗi lo trong cuộc đời”.









“Tôi không quá đòi hỏi ông xã phải làm ra tiền, phải nuôi sống vợ con, nhưng lắm lúc tôi tủi thân vì có chồng bên cạnh mà vẫn đơn độc, vẫn không được anh ấy cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ tinh thần. Tôi cứ vẫn một mình lặng lẽ đối diện với bao nỗi lo trong cuộc đời”.
Khoa Tâm lý của Trung tâm sức khỏe tâm thần TP.HCM, đang điều trị căn bệnh nhức đầu, chóng mặt cho ông K.Đ (phường 21, Bình Thạnh). Ông đã đi khám ở nhiều phòng mạch, uống thuốc Tây y, Đông y vẫn không khỏi. Hóa ra, bệnh của ông có căn nguyên tâm lý. Từ ngày về hưu, vai trò trụ cột gia đình của ông bị lu mờ. Vợ ông lại tôn vinh người con trai trưởng, giám đốc một công ty may mặc, lên thành người chủ gia đình. Mọi ý kiến của chồng không còn giá trị đối với bà. Thấy con trai mình thành đạt, ông cũng mừng, nhưng nỗi buồn của ông lại nhiều hơn, ông cảm thấy bị vợ con coi như một kẻ ăn bám, vô tích sự. Trong nhà, không ai thấu hiểu nỗi lòng của ông. Ông ngã bệnh, khi vẫn còn là chồng, là cha mà không được làm chồng, làm cha thật sự.

BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG

Bà Nguyễn Thị Thương, phó giám đốc Trung tâm tư vấn TY-HN-GĐ (Hội LHTN VN) cho rằng, theo từ điển, danh từ “gia trưởng”, không mang nghĩa xấu. Đó là người chủ nhà, là người đứng đầu trong gia đình và vị trí đó là của người chồng. Nhưng trong suốt một thời gian dài dưới chế độ phong kiến, đa số người đàn ông dùng quyền hành của mình để bắt vợ con phải tuân theo, mọi việc trong nhà đều do ông chồng quyết định. Dần dần “gia trưởng” không còn là danh từ mà được coi như một tính từ khi muốn nói đến thái độ độc đoán, áp đặt, đến tư tưởng coi thường phụ nữ. Và phía sau các ông chồng gia trưởng, thường là các bà vợ phải biết nghe lời, biết chịu đựng, chấp nhận… bởi họ không còn cách lựa chọn nào khác.

Xã hội hiện đại tạo điều kiện cho người phụ nữ tự giải phóng mình khỏi sự mặc cảm, tự ti, đồng thời đòi hỏi, mời gọi họ tham gia vào công cuộc phát triển đất nước. Vì thế, hoạt động của số đông phụ nữ không còn quanh quẩn ở góc bếp trong nhà. Trình độ, hiểu biết, năng lực… đã tạo cho họ sự nghiệp, sức mạnh. Điều này làm thay đổi mối quan hệ vợ chồng. Giờ đây, nếu muốn nhà cửa êm thấm, thì người người chồng phải biết chấp nhận từ bỏ thái độ, tư tưởng gia trưởng.

Thế nhưng, có một số ông giã từ gia trưởng, nhưng cũng trốn tránh luôn trách nhiệm đối với gia đình. Núp dưới “chiêu bài” bình đẳng nam nữ, cho rằng “phụ nữ mới là người chỉ huy thật sự của gia đình và xã hội”, các ông giao hết mọi sự cho vợ lo, từ chuyện con cái, kinh tế… đến việc đối ngoại, phần mình chọn những cái vui trong hưởng thụ, trong những cuộc nhậu nhẹt với bạn bè…

Ở một góc nhìn khác, chuyên viên Nguyễn Thu Hiên nhận thấy, cũng có không ít các bà vợ khi tấn công tư tưởng gia trưởng, vô tình “thủ tiêu” luôn vai trò làm chồng, làm người chủ gia đình của ông xã. Điều này dẫn đến thái độ bất bình, bất mãn của ông xã khi bị tước đi quyền làm cây đa, cây đề tỏa “bóng mát cho cuộc đời vợ con”. Đó là nỗi khát khao, là ước mơ của bao đấng trượng phu!

Chính vì thế, trong xã hội ngày nay, khi lập gia đình, người đàn ông phải dứt khoát từ bỏ thái độ gia trưởng, nhưng vẫn nhiệt tình, tự nguyện lãnh nhận vai trò trụ cột trong nhà. Còn người phụ nữ phải biết thừa nhận vị trí trụ cột của chồng, giúp ông xã hoàn thành nhiệm vụ, tạo cho chồng nhiều cơ hội để tự khẳng định mình. Cùng với tình yêu vợ chồng, điều đó đảm bảo cho một gia đình êm thấm, hạnh phúc.

Trong buổi giao lưu các gia đình thành đạt phường Phú Hòa Đông, Củ Chi, ông Minh Khánh, bày tỏ kinh nghiệm của mình: “Khác với thời của ông và cha tôi, tôi được tự do chọn một người phụ nữ như ý mình muốn, được sống với một người vợ, cùng tôi lo kinh tế gia đình, nuôi dạy con. Tôi hạnh phúc vì bên cạnh mình, bà xã là một cộng sự đắc lực trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Dù có một người vợ đảm đang, khéo léo, tôi vẫn tự nguyện giữ vai trò trụ cột trong nhà, là một tấm gương sáng cho các con trong lối sống, lý tưởng, làm một chỗ “trút bầu tâm sự” của bà xã khi vui, cũng như lúc buồn. Bao giờ tôi cũng lãnh về phần mình những khó khăn, thử thách của cuộc sống, tất nhiên là tôi không đơn độc, khi có sự hỗ trợ của bà xã. Thế nhưng, không phải gia đình tôi không có sóng gió, vợ chồng tôi không có bất hòa. Có lần, khi giận nhau, vợ tôi khóc: “Những gì em nói cũng giống như anh thôi, sao ý anh thì đúng, còn ý em lại sai, vì sao vậy”. Nghe vợ nói, tôi giật mình. Thì ra mê mải với “chức vụ trụ cột”, đôi khi tôi mất cảnh giác với thái độ gia trưởng, nó len lỏi vào. Tôi nhận ra, vừa làm trụ cột trong gia đình, mà lại vừa là một đối tác bình đẳng với vợ mới đúng là một ông chồng thời hiện đại. Và đó là sự lựa chọn của những người đàn ông bản lĩnh”.

(Phước Chung)


From the same category