GIỚI là một vấn đề luôn được quan tâm. Trong đó, bình đẳng giới là một mong đợi của cộng đồng xã hội. Nhưng những hiểu biết về giới không phải đã được phổ cập. Vẫn có nhiều suy nghĩ đánh đồng giới với giới tính.
Kamla Bhasin, một nhà hoạt động xã hội của Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO), người đeo đuổi chiến lược chống đói nghèo hơn suốt 30 năm qua, một chuyên gia nổi tiếng về giới, đã có mặt ở nhiều nước để tập huấn cho những tổ chức có các hoạt động bình đẳng giới. Tại quê hương Ấn Độ, bà còn được biết đến như một nhạc sĩ sáng tác và trình bày những ca khúc về giới với một giọng ca khá mượt mà. Trong các buổi tập huấn, bà luôn dẫn dắt vấn đề bắt đầu từ những câu chuyện đời thường. Với phong cách từ tốn, hài hước, bà lôi kéo rất tự nhiên sự chú ý và tham gia của mọi người. Bà là một mẫu người hiện đại tại Ấn Độ, là một tấm gương phấn đấu cho sự bình đẳng của nhân loại. Đẹp đã có cuộc trò chuyện thú vị với bà về GIỚI…
Giới, được định nghĩa như thế nào, thưa bà?
Nếu giới tính (SEX) là do trời định thì giới (GENDER) hoàn toàn do con người tạo ra. Những quy định của văn hóa xã hội làm nên sự khác nhau giữa nam và nữ trong cách ăn mặc, đi đứng, hành vi, trách nhiệm… gọi là giới. Vì thế, giới không giống nhau ở mọi quốc gia, ở mọi thời đại và có thể thay đổi nhưng không bất biến như giới tính. Từ khái niệm về giới, người ta còn đưa ra hàng loạt những khái niệm về công bằng giới, bình đẳng giới, kỳ thị giới, mù giới, nhận thức giới, nhạy cảm giới… để hiểu một điều nam nữ đều có cơ hội như nhau, được đối xử như nhau trong xã hội, nhưng không có nghĩa là “nam sao nữ phải vậy”.
Tạo hóa không sinh ra sự bất bình đẳng, mà chính là giới, với những quy định của xã hội mới tạo ra sự bất bình đẳng. Ví dụ, thay vì động viên cho cả nam và nữ đều làm việc nhà, đều chăm sóc con, thì xã hội lại nhấn mạnh đó là công việc của phụ nữ. Nhiều phụ nữ hy sinh sự nghiệp cho gia đình không phải do họ muốn thế, mà vì do sức ép của xã hội. Lối mòn trong suy nghĩ đó khiến họ xa dần so với nam giới.
Những quy định của xã hội gây ra sự bất bình đẳng giới từ đâu đến?
Từ hệ tư tưởng gia trưởng của đàn ông. Từ bao nhiêu đời nay, ngay lúc xuất hiện trên mặt đất, đàn ông chế ngự thiên nhiên, quản lý mọi nguồn năng lượng, họ xây dựng và kiểm soát xã hội bằng hàng loạt các hệ thống luật pháp, tôn giáo, chính trị, truyền thông… và tất nhiên là cả những quy định dành cho người đàn bà. Những vị trí quan trọng trong xã hội đều là cơ hội thăng tiến của đàn ông. Lịch sử được viết bằng quan điểm của đàn ông, thế giới được nhìn nhận qua đôi mắt của đàn ông. Nam quyền có ở mọi nơi, mọi thời đại, dù không hoàn toàn giống nhau. Một thời gian dài, người phụ nữ được coi như vật sở hữu của nam giới. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” bao trùm xã hội châu Á, cản trở mọi sự phát triển của phụ nữ và tụt lại một khoảng cách quá xa với nam giới. Vì thế, như một vòng luẩn quẩn, họ lại càng bị coi thường, bị bạo hành, bỏ bê. Ngày nay, tỷ lệ ly hôn ở nhiều nước châu Á tăng nhanh, điều đó phần nào nói lên nhận thức của người phụ nữ về quyền hạn của mình, khi đã bắt kịp hoặc tiến nhanh hơn nam giới, họ muốn một cuộc hôn nhân bình đẳng. Thế nhưng, cuộc hôn nhân ấy tan vỡ vì người đàn ông không muốn thay đổi vị trí “ông chủ” của mình.
Nhưng xét cho cùng, ngày nay, người phụ nữ đã có nhiều quyền dân chủ và rõ ràng, chúng ta đã có những nữ thủ tướng, nữ lãnh đạo trong lĩnh vực chính trị, kinh tế… Vậy tại sao, vẫn cần đòi bình quyền cho phụ nữ?
Theo thống kê của Tổ chức lao động quốc tế ILO, phụ nữ gánh vác 66% công việc, nhưng thu nhập của họ chỉ chiếm 10% tổng thu nhập thế giới và chỉ sở hữu được 1% tài sản. Phần lớn phụ nữ được thuê làm những công việc giản đơn, thu nhập thấp như may, dệt, nuôi trẻ, y tá, tiếp viên… gần như chỉ mở rộng việc nội trợ họ đã làm ở nhà. Trong các nhà máy hiện đại, trước cơ hội tìm được việc làm, phụ nữ càng không thể cạnh tranh với nam giới. Ở các nước Đông Nam Á, sự tồn tại của thái độ gia trưởng làm hạn chế sự phát triển của phụ nữ. Ở Ấn Độ, trẻ em gái và phụ nữ vẫn còn bị phân biệt đối xử, bỏ bê và bạo hành. Ở nhiều nước Nam Á phụ nữ không có đủ điều kiện học hành. Hầu như ở khắp nơi, so với nam giới, phụ nữ tụt hậu trong nhiều lĩnh vực. Ở một số quốc gia, sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí quan trọng rất đáng khích lệ, tuy nhiên sự có mặt của họ không thể chứng minh được rằng địa vị xã hội của phụ nữ ở đó đã đạt đến mức thỏa đáng và không cần đến phong trào đòi bình quyền nam nữ. Thế giới phải được nhìn lại bằng đôi mắt phụ nữ.
Theo thuyết bình đẳng nam nữ có nghĩa là chống lại đàn ông?
Chủ nghĩa bình đẳng nam nữ không chủ trương… “ghét bỏ” đàn ông mà chỉ chống lại hệ thống gia trưởng, kiểu nam trị. Tuy nhiên, hệ thống tư tưởng “nam quyền” không hiếp đáp, không hành hạ phụ nữ mà chính là người đàn ông. Không phải tự nhiên, đàn ông có kiểu độc đoán, áp đặt mà đó là do kết quả của cả một quá trình “nhào nặn” của xã hội và cũng như phụ nữ, họ cũng bị nhiều áp lực mà xã hội đòi hỏi ở họ. Vấn đề đáng bàn là họ không nhận ra điều đó, không biết mình cũng cần phải đấu tranh để giải phóng bản thân, để trở nên dân chủ hơn, nhân bản hơn. Song tệ hơn, một số đàn ông còn chống lại những người cố giúp họ nhận ra điều đó.
Nghĩa là đàn ông cũng là nạn nhân của sự bất bình đẳng giới?
Đúng thế, xã hội từ Đông sang Tây, cho rằng đàn ông phải kiên quyết, táo bạo, mạnh mẽ, nóng nảy, can đảm, quyết đoán… đã là đàn ông thì phải có sự nghiệp, thành đạt, phải thành người trụ cột của gia đình, làm ra tiền nuôi vợ con, phải nghiêm khắc, không được biểu lộ sự yếu đuối. Ngay từ nhỏ, một cậu con trai đã được tự do, đi chơi xa, về nhà khuya, bố mẹ không lo lắng như con gái. Lớn lên vì kiểu “đàn ông mà” nên đàn ông sống phóng khoáng hơn, dễ buông thả trong ruợu chè, tình dục… Vì thế, điều gì sẽ xảy ra khi họ không đạt được những gì mà xã hội mong đợi? Họ bị coi là thiếu nam tính, không phải là người đàn ông thực thụå. Một người chồng bị thất nghiệp, liệu anh ta có chịu ở nhà vui vẻ làm việc nội trợ? Một người chồng thu nhập ít hơn vợ, không hơn vợ một cái đầu, liệu anh ta có hài lòng không?… Áp lực và các quy định của xã hội, nhất là xã hội châu Á, làm cho anh ta cảm thấy hụt hẫng, khó chịu và tất nhiên sẽ gây ra nhiều điều phiền toái trong gia đình, vợ con của anh ta trực tiếp lãnh nhận hậu quả của sự bất bình đẳng đó.
Như vậy, bình đẳng giới không còn là vấn đề của phụ nữ mà của toàn nhân loại. Có thể hình dung một người phụ nữ bình đẳng với nam giới trong phạm vi xã hội và với chồng trong phạm vi gia đình như thế nào?
Cô ấy có mọi cơ hội học hành, thăng tiến như nam giới, nhưng được xem xét theo nhu cầu và điều kiện của cô ấy. Ví dụ, cô ấy không phải làm việc nặng như một người đàn ông và cũng không thể hưởng một khẩu phần ăn nhiều như anh ta. Điều đó nói lên sự công bằng giới, là phương tiện để đi đến sự bình đẳng giới. Còn trong phạm vi gia đình, khi người chồng đảm nhận được nhiệm vụ kiếm tiền còn người vợ chọn công việc nội trợ, thì sự lựa chọn đó phải được người chồng tôn trọng và công nhận sự đóng góp rất xứng đáng của vợ.
Trong thời gian công tác tại Việt Nam, bà thấy nhận thức về giới ở đây ra sao?
Trong một phạm vi nhỏ ở lớp tập huấn của chúng tôi tại Action Aid Việt Nam có khoảng gần 30 thành viên tham dự, nhưng chỉ được gần một nửa hiểu được khái niệm về giới một cách tương đối. Nên nhớ, đây là đối tượng hoạt động xã hội, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến số phận của giới nữ, chứ không phải người “ngoại đạo”. Điều đó, chứng tỏ, không ai xa lạ với từ “giới”, hay cụm từ “bất bình đẳng”, nhưng họ vẫn chưa nhập tâm hết ý nghĩa của nó.
Trong mắt của bà, chân dung người phụ nữ Việt Nam thế nào?
Cùng làm việc với các bạn Việt Nam, tôi biết được rất nhiều thông tin về người phụ nữ Việt Nam. Họ ngày càng tự tin, giỏi giang hơn, họ đảm nhận những công việc, những trọng trách mà trước đây dường như chỉ có đàn ông mới làm được. Đi trên đường phố, tôi cũng thấy một con số rất đông phụ nữ từ nông thôn ra thành phố làm những công việc đơn giản như bán hoa, bán xôi. Họ đi xe đạp hoặc đi bộ. Con số này nhiều hơn ở Nepal, Bangladesh… chứng tỏ sự năng động, chịu khó, vươn lên của người phụ nữ Việt Nam. Khi đã có thu nhập nhất định, họ tìm thấy sự độc lập và tự do trong lựa chọn và có khả năng đòi hỏi sự bình đẳng. Vấn đề còn lại, là gúp họ đấu tranh cho sự bình đẳng một cách đúng đắn, hợp lý và có tính khoa học. Có người cho rằng, khi người phụ nữ tiến quá nhanh, ý thức được sự bình đẳng, thì khi lập gia đình, họ dễ có nguy cơ tan vỡ. Nhưng theo tôi, thất bại trong hôn nhân, thủ phạm không phải là sự bình đẳng, mà cái chính là vì vợ chồng không hợp nhau, không yêu và tôn trọng nhau mà thôi.
Xin cảm ơn bà!
Thực hiện: depweb