Đãng trí và nhớ dai

Tôi có một anh bạn vong niên bị vợ luôn mồm phàn nàn là ở nhà như ở trọ! Động đến cái gì đều không biết ở đâu. Mỗi lần vợ sai bóc tỏi hay mài con dao là y như rằng tìm khắp nơi khắp chốn. Có bận tôi đến để đón hắn đi nhậu, hắn đang chuẩn bị đi tắm. Nhìn điệu bộ của hắn ta mới thấy bà vợ nói đúng: vòng từ trên gác xuống dưới nhà qua tủ này, tìm tủ nọ để tìm xem cái khăn tắm của hắn đã thất lạc nơi nào, rồi lục tung cả tủ quần áo lên để tìm thêm… cái quần lót! Có mỗi chuyện đi tắm mà nhà cửa cứ rộn ràng lên. Bà vợ ra chiều giận dữ lại pha chút thương cảm: mọi khi tôi bật nước nóng lên rồi hầu tận các thứ vào nhà tắm, “lão” ấy chỉ việc vác xác vào! Hôm nay được bữa tự thân vận động, chú thấy có khổ không, rồi tí nữa còn tìm chán các thứ mới đi được cho mà xem, tôi nói cấm có sai. Đúng là “nhân nói như thần bảo” như dự đoán, phải mất vài “cuốc” marathon lộn đi lộn lại hắn mới trang bị được đầy đủ điện thoại di động, ví, kính, chìa khóa… Ngồi lên xe, hắn càu nhàu “chẳng hiểu nhà tôi có ma hay sao mà tôi không sao tìm được những thứ của tôi cả”!

Tôi hỏi: thế hàng ngày ông phải làm cái gì ở nhà? Hắn thở dài rồi bảo: “Cũng thương bà vợ lắm, nhưng đi làm về đã mệt đứt hơi, còn đâu là sức lực mà làm việc này việc kia, huống hồ là phải nhớ cái gì để chỗ nào, ấy là chưa kể những hôm “bận đi nhậu với bạn hữu, cơm dọn ra còn chẳng buồn ăn nữa”. Rồi như sực tỉnh, hắn lên giọng: “Nhưng, riêng việc đổ rác thì hễ đi làm về là mình đảm trách 100%”! Việc này, tôi không lạ, bởi từ lâu nay mấy ông hàng xóm nhà tôi đều mắc bệnh “nghiện” đổ rác. Chiều vác xác về nhà là ngồi chầu hẫu… đợi kẻng rác và như những vận động viên điền kinh, hễ tiếng “coong, coong” vang lên là tay túi rác, chân xỏ vội dép để xuất phát, thậm chí có những hôm trời mưa, xe rác không đến đúng giờ, các vị lại thấy nhớ bà đổ rác. Chỉ có điều, nấu cơm xong các bà lại phải đi tìm các ông mới… kết thúc hành trình đi đổ rác. Hóa ra, sau khi tiêu tốn không đầy 1 phút để quẳng túi rác vào xe, các ông tổ chức gặp mặt thân mật để “giao ban”, khi thì quán bia cỏ bên khu tập thể, lúc quán nước chè chén xế bên đường. Thôi thì quên hết, nếu vợ con mà không gọi, chắc quên cả lối về!
Có một tay họa sĩ được bạn bè đặt tên Lưu “mải chơi” vì thành tích: vợ sai đi mua mớ rau muống, ra đầu ngõ, gã gặp bạn. Thế là quần đùi, may-ô đi một mạch hơn tháng mới mang… rau về.

Ngược hẳn với các ông mắc bệnh đãng trí, các bà vợ lại nhớ tuốt tuồn tuột tất thảy mọi chuyện lớn nhỏ. Không chỉ củ hành bà để ở đâu, cái túi đựng mấy cái kim còn sót lại từ thời bao cấp, vài chục lẻ đi chợ về để trên nóc tủ, cái van nồi áp suất bị hỏng từ dạo sinh thằng lớn, sinh nhật cụ ngoại nhằm ngày nào, cách đấy 5 năm hai vợ chồng đi ăn giỗ bị xịt lốp bị thằng “mặt mẹt” vá xe chặt mất 2 ngàn đồng ở chỗ ngã tư ấy… Thôi thì trăm thứ bà rằn, không sót bất kỳ một chi tiết nào, nhưng tệ hơn cả là chứng nhớ những lỗi lầm của đối tác, mà không chỉ những lỗi có từ khi chung sống, kể cả những “phốt” mắc phải từ ngày còn chưa ai biết ai cũng được ghi lại cẩn thận trong một bộ nhớ có dung lượng khổng lồ của các bà.

Nếu tay nào vô phúc mà bị lộ tên của các bạn gái thời thanh niên thì hãy coi chừng đại họa có thể đến bất cứ lúc nào. Chừa những tên đã được “khắc cốt ghi tâm” ấy ra không đặt cho con đã đành, nhưng hễ đi đâu thấy loáng thoáng nhắc cái tên ấy là bà vợ liên tưởng ngay “hay là…?”. Nếu mà biết được đối tượng hiện định cư phía nào đó mà thấy ông chồng có nhiều cuộc đi về phía ấy là lại thêm một mầm đại họa đang chờ ngày mọc thành cây đại cổ thụ! Nếu đã có đức ông đáng kính nào bị vợ tra xét về một cái tên nào đó, thì chính cái tính hay quên của các ông lúc này đây không thể biện hộ được mà chỉ như đổ thêm dầu vào lửa. Có thể chắc tới 99% là không ai có thể nhớ được cái tên ấy gắn với sự kiện nào và xảy ra từ bao giờ, nhưng trước mặt các quan tòa tại gia thì bộ mặt ngố lúc ấy chỉ nói lên sự dối trá đã thành nghệ thuật. Phải cho đến khi can phạm mang bộ mặt của kẻ mắc lỗi mà còn dối trá và tự công nhận là tâm phục khẩu phục, cuộc tra tấn mới tạm dừng. Đen đủi hơn, tay nào lỡ một lần ăn vụng bị vợ phát hiện, thì phần đời còn lại coi như u ám. Xem phim thấy cảnh ngoại tình lại chì chiết, đọc báo thấy chuyện bồ bịch là mát mẻ, nói gần nói xa và kết thúc là “bới lông, tìm vết”, là tra khảo lại từ đầu như chuyện vừa mới xảy ra, cho dù “lần trót dại ấy” của anh chồng không biết chùi mép xảy ra cách đó cả chục năm.

Cuộc chiến giữa một bên là bộ nhớ bị virut nặng làm tê liệt với một bên được nâng cấp liên tục nhiều megabytes, đương nhiên là không cân sức nhưng vẫn phải chịu đựng thôi. Nhưng mà thôi, dẫu có đãng trí đến mức nào đi chăng nữa thì cũng nhớ ngày của các Mẹ để vác mặt về sớm cùng một bó hoa trên tay. Còn các Mẹ ơi, có thù dai nhớ lâu đến đâu cũng xin hãy quên đi dù chỉ trong một ngày khi các ông về đúng giờ, đón con, mua hoa và không nhậu xỉn./.


From the same category