Sốt – chớ xem thường

SỐT KÉO DÀI KHÔNG RÕ NGUYÊN NHÂN

Đó là tình trạng sốt dai dẳng cả tuần lễ nhưng không tìm được nguyên nhân. Các trường hợp cần lường đến là:
– Bệnh nhiễm khuẩn như lao, áp xe phổi, nhiễm khuẩn mủ huyết, nhiễm khuẩn đường mật, đường niệu, túi thừa đại tràng bội nhiễm, sốt thương hàn, phó thương hàn, bệnh Brucella, bệnh sốt rét sơ nhiễm…
– Nếu không chứng minh được là do nhiễm khuẩn thì có thể là ung thư phổi, ung thư hệ tiêu hóa, tuyến tiền liệt, hệ sinh dục… Đôi khi lại là sốt do dược phẩm.
Với sốt không rõ nguyên nhân, đôi khi phải hội chẩn với ý kiến đóng góp của bác sĩ nhiều khoa để xác định nguyên nhân gây ra sốt.

SỐT LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG

1. Sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn Aedes egypti truyền bệnh, có thể lây lan thành dịch rất nhanh, do đó nếu có người nhiễm bệnh cần thông báo cho y tế địa phương biết để có kế hoạch phòng chống. Biểu hiện của bệnh sốt cao đột ngột và liên tục (39 – 40oC) trong vòng 2-4 ngày, có thể xuất hiện dấu xuất huyết dưới da mọc thành từng đám rải rác, có thể xuất huyết ở niêm mạc miệng, đi tiêu phân có máu…
Chú ý:
– Trường hợp trẻ đang sốt cao liên tục, đột nhiên nhiệt độ hạ thấp, chân tay lạnh, trẻ lờ đờ, đây là biểu hiện của sốc cần phải cấp cứu kịp thời.
– Trẻ có nghi ngờ bị sốt xuất huyết, tuyệt đối không được dùng thuốc hạ sốt loại Aspirin, vì dễ làm tăng nguy cơ chảy máu. Nên cho uống giảm sốt loại Paracetamol với liều lượng và dạng thuốc cho trẻ em.

2. Sốt rét
Sự quay trở lại của bệnh sốt rét bắt đầu từ thập niên 70 với các ký sinh trùng đã đề kháng với nhiều loại thuốc cổ điển như liệu trình chống sốt rét giá rẻ bằng chloroquine. Bệnh sốt rét đã làm châu Phi phải chi khoảng 12 tỉ đô-la hàng năm, chiếm hết 40% ngân sách phục vụ cho sức khỏe cộng đồng và làm giảm thu nhập bình quân đầu người dân.
Theo báo cáo gần đây của Viện Y học IOM thì bệnh sốt rét đang tái phát leo thang và cần bổ sung nguồn thuốc mới thay thế các thuốc cũ đã bị đề kháng với giá thành rẻ hơn để chiến thắng bệnh sốt rét.

3. Sốt do viêm não Nhật Bản và viêm màng não mủ
Viêm não Nhật Bản do nhiễm virus thường xuất hiện theo mùa, nhất là cuối hè, đầu mùa mưa. Tác nhân truyền bệnh là muỗi Culicinea tritaeniorhyunchus thưòng có ở nông thôn, chích vào gia súc và người. Thường trẻ em mắc bệnh nhiều hơn người lớn, nhưng trong nhiều trường hợp dịch bệnh nhất là ở các trại nuôi heo thì người lớn bị nhiễm cũng nhiều như trẻ em.
Tỉ lệ tử vong thay đổi từ 7-33% hay cao hơn. Tỉ lệ di chứng thay đổi ngược lại với tỉ lệ tử vong. Với nhóm có tỉ lệ tử vong 33%, di chứng xuất hiện từ 3-14%. Ngược lại với nhóm có tỉ lệ tử vong 7,4% thì di chứng lại lên đến 32%. Chỉ 80% bệnh nhân sống sót sau khi trải qua cơn cấp tính với mất quân bình thần kinh có hy vọng hồi phục hoàn toàn. Các di chứng của bệnh thường là liệt dai dẳng, mất điều hoà trương lực, chậm phát triển trí tuệ và rối loạn tính cách.
Bên cạnh bệnh viêm não Nhật Bản, cũng cần phải nhắc đến bệnh viêm màng não mủ. Đây là một bệnh nặng do nhiều loại vi khuẩn gây ra và thường gặp là Haemophilus Influenza loại B (HIB) có tỉ lệ mắc bệnh cao ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh gây tử vong cao dùâ được điều trị đúng cách cũng để lại nhiều di chứng như rối loạn thần kinh, điếc, bại liệt… Muốn phòng ngừa, biện pháp tốt nhất vẫn là tiêm chủng.

4. Vấn đề thời sự hiện nay: dịch cúm gia cầm
Cúm là một bệnh có thể lây lan trên toàn thế giới. Lịch sử cho thấy có những trận dịch cúm làm chết hàng chục triệu người. Dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919) gây tử vong hơn 20 triệu người, dịch cúm Á châu (1956-1957), dịch cúm HongKong (1967-1968), dịch cúm HongKong tái phát (1997-1998) cũng đã gây tử vong nhiều người. Chính tỉ lệ tử vong cao và diễn ra nhanh làm cho bệnh trở thành nguy hiểm.
Thời gian ủ bệnh ngắn trong vòng 48 giờ rồi phát bệnh với các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, sốt ho, khó thở. Bệnh diễn biến nhanh, suy hô hấp, ngưng tim dẫn đến tử vong.
Việc tăng cường dinh dưỡng khi có dịch bệnh, có các biện pháp phòng ngừa trong môi trường chăn nuôi gia cầm, chỉ sử dụng thịt gia cầm đã qua kiểm dịch là điều cần thiết để phòng bệnh. Đấy cũng là một trong các điểm quan trọng trong phác đồ điều trị bên cạnh việc dùng thuốc chống bội nhiễm.
Ngoài ra còn có thể kể đến một số bệnh thường gặp có triệu chứng sốt như:
– Viêm amidan làm sốt cao từ 39 – 40oC, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng nhiều. Trẻ trong tình trạng mệt mỏi, biếng ăn, biếng chơi. Viêm amidan cũng rất dễ gây biến chứng nếu không được điều trị đúng.
– Viêm họng cấp thường xảy ra vào thời tiết lạnh, nhiều nhất là mùa đông, gặp ở cả người lớn và trẻ em. Với triệu chứng xuất hiện đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, nói khàn tiếng… Nguyên nhân gây bệnh thường là do loại vi khuẩn liên cầu tan máu bêta nhóm A. Bệnh có thể gây đau khớp, biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim ở trẻ em. Trẻ có biến chứng thấp tim cần được điều trị chu đáo và phải được theo dõi điều trị kéo dài, có khi suốt từ tuổi thiếu niên đến năm 23 – 25 tuổi.


Như vậy sốt là một triệu chứng thường gặp trong cuộc sống mỗi khi bệnh, đó có thể là triệu chứng khởi đầu của những bệnh thông thường như cảm sốt, cảm ho, viêm amidan… nhưng đồng thời sốt cũng có thể là triệu chứng khởi đầu của những bệnh nặng như sốt ho do cúm gà, sốt xuất huyết… Vì thế không nên xem thường khi bị sốt do nghĩ chỉ là triệu chứng ban đầu của một bệnh thông thường./.


From the same category