Tự ái đàn ông

Theo nghĩa thông thường, chắc không có bà vợ nào dại dột chọc nghẹo chồng quê độ tới mức… ông phải vác đơn ra tòa. Thế nhưng, trong cuộc sống chung, với lối cư xử chủ quan, vô ý, nhiều bà chạm tới cục tự ái to bằng… cái nhà của ông chồng. Đàn bà tự ái, được dỗ dành mãi cũng nguôi, chứ đàn ông thì…

Bất ngờ

Hơn một năm sau khi ly hôn, hai vợ chồng anh Tuấn, chị Quỳnh vẫn không ngớt gấu ó nhau. Theo lời kể của chị Quỳnh với chuyên viên tư vấn, người chồng cũ liên tục đến tìm chị để kiếm chuyện gây gổ.

Trong một năm, chị đã phải đổi nhà thuê đến 5 lần, nhưng anh vẫn kiên nhẫn bám theo chị khi chị rời cơ quan để tìm ra nơi chị cư trú. Anh ta thề rằng, phải làm cho cuộc sống của chị xáo trộn, anh mới hả dạ.

“Thế điều gì khiến anh quyết tâm quậy chị”. Chị không tìm được một lý do thuyết phục người nghe. Chị thừa nhận, vợ chồng chị lấy nhau vì tình yêu và 2 năm đầu sống với nhau rất hạnh phúc. Thậm chí anh Tuấn, còn là một người chồng biết chiều vợ.

Thế mà sau khi đứa con gái ra đời, anh bắt đầu ăn nên làm ra tại một công ty xuất khẩu, thì mọi chuyện đổi thay. Anh đi sớm về khuya, mở miệng ra chê vợ nhiều hơn khen, nói năng cộc lốc. Chị nhịn cho êm cửa êm nhà, nhưng trong lòng ấm ức. Dẫu sao, chị cũng có bằng tốt nghiệp đại học như chồng, đang làm việc tại một công ty chuyên về dịch vụ giáo dục, ngoại hình tuy không rực rỡ, nhưng cũng bắt mắt, nhiều người khen…

Thấy vợ im lặng, anh càng tức tối. Anh thấy trong phản ứng “không lời” của vợ như có một sự khinh bỉ, không thèm chấp. Trước sự thô bạo của chồng, chị càng lạnh lùng và một hôm bảo chồng: “Anh đừng dọa, cứ viết đơn tôi sẽ ký, không có anh cuộc đời tôi còn đẹp hơn”.

Thái độ bất cần của chị làm cho anh chưng hửng và lồng lộn. Anh không thể ngờ, mình lại mang tiếng bị vợ bỏ. Một người chồng thành đạt như anh chẳng lẽ là thứ vô tích sự đối với một người đàn bà thua anh nhiều mặt. Một bà vợ chẳng đẹp, chẳng giàu có lại không níu kéo chồng, mà còn sẵn sàng từ bỏ gia đình. Những câu nói của bà vợ chứng tỏ thái độ coi thường chồng quá đáng.

Sau khi ly hôn, bạn bè gặp anh ai cũng bày tỏ sự cảm thông, làm cho anh càng đau đớn. Dư luận lại không ủng hộ anh “chắc sao đó mới bị vợ bỏ”?

Trong khi đó, chị Quỳnh lại nhanh chóng ổn định cuộc sống, công việc tiến triển, vẫn nuôi con đầy đủ, thi thoảng lại có một vài cây si đến trồng trước cửa nhà… Gương mặt chị luôn rạng rỡ chứ không buồn bã kiểu “bị chồng bỏ” càng chứng tỏ cuộc đời của chị “đẹp hơn khi không có chồng”.

Sự hụt hẫng, tự ái… khiến anh như phát điên và tìm cách trả thù bà vợ kiêu hãnh.

Đàn bà vốn có khả năng nhớ dai, nhưng chỉ để trong lòng, hoặc lúc không vừa ý, lôi ra cằn nhằn cho bõ tức. Còn đàn ông, vốn mau quên, nhưng một khi đã “ ghim gút” trong ruột thì có cơ hội sẽ… cho đối phương một bài học.
Điều này được rút ra từ kinh nghiệm của bà Ái Sương, một bà vợ đang đau khổ vì ông chồng quá ích kỷ, nhỏ mọn. Một thời bà rất thành công với dịch vụ karaoke ngay tại nhà. Hai căn phòng lúc nào cũng đông khách. Người đến giải trí, đa số là đám trẻ trong xóm. Nhưng càng ngày, đám trẻ mê “chát”, khoái lên mạng hơn, nên quán của bà ế ẩm. Bà phải xoay sở tìm cách khác làm ăn.

Trong khi đó, ông chồng vẫn không ngừng nhậu nhẹt. Tiền lương ông lãnh đưa về cho vợ chỉ là chuyện “đưa cho có”. Nghe bà vợ thở than, ông bực mình “để cho bà đừng coi thường người khác”.





Đàn ông được coi là phái mạnh nhưng lại dễ cảm thấy tủi thân khi bị vợ bỏ bê, tự ái khi bị xúc phạm và ghê gớm hơn là cảm thấy mình không là cái đinh gì khi bị vợ coi thấp hơn một cái đầu.
Họ mau quên, nhưng một khi đã “ ghim gút” trong ruột thì có cơ hội sẽ… cho đối phương một bài học.
Hóa ra, người khác ở đây là ông chồng. Khi bà rủng rỉnh tiền bạc trong túi, bà coi lương của ông như muối bỏ xuống hồ, không đáng bao nhiêu. Bao giờ, nhận tiền của chồng đưa, bà cũng dè bỉu: “Có đủ ăn sáng không đây?…” Những lúc đó, ông im re, bà tưởng ông đồng tình, sẽ lo kiếm thêm, hoặc chỉ coi như một câu đùa.

Thế nhưng, ông lại cảm thấy tự ái. Trong nhà, vợ con chẳng coi ông là trụ cột. Ông chỉ là một người thu mua vỏ bia, gặp người mới quen, ông hay nổ “tôi là phó giám đốc hãng bia”. Vậy mà, một lần bà vợ “đính chính” công việc của ông ngay trước mặt khách hàng, làm ông sượng trân, muốn độn thổ xuống đất.

Những chuyện tày trời đó, cho đến khi bà “phá sản”, khóc lóc kêu trời có chồng cũng như không, ông mới nhắc lại. Để bà biết, sống với bà, ông nhiều lần bị tổn thương vì thái độ coi thường, xúc phạm của bà.

Theo ông, nếu bà luôn tự cho mình là người khôn ngoan hơn chồng, thì có khó khăn nào, bà đâu dễ chịu lùi bước. Với bà, ông là kẻ vô tích sự và ông cũng không có nhu cầu thay đổi để thành một ông chồng tốt.

Hãy nhẹ tay!

Đó là lời khuyên của các nhà tâm lý dành cho các bà vợ khi muốn chỉ trích các ông chồng không như mình mong đợi.

Nhiều bà vợ không hài lòng “Tôi đã quá mệt mỏi vì cuộc mưu sinh, lại càng phải cố nhỏ nhẹ với ông chồng đã gây ra bực bội cho mình, thật không thể chịu nổi. Mà các ông ấy lại có quyền nóng nảy, có quyền la hét và thậm chí còn “quýnh” vợ…

Tại sao? Câu trả lời: Có lẽ vì họ là… đàn ông. Họ đâu có được Thượng đế ban tặng cho sự dịu dàng, nhẫn nại, mềm mỏng. Chính vì thế, họ chỉ được tham gia phần “xây nhà”, còn “xây tổ” thì thuộc phần của các bà.

Đàn ông được coi là phái mạnh theo cả nghĩa đen, họ có cơ bắp để gánh những việc nặng của xã hội. Thế nhưng trong gia đình, sức mạnh đó đôi khi không được phát huy, mà ngược lại họ dễ cảm thấy tủi thân khi bị bà xã bỏ bê, thấy tự ái khi bị xúc phạm và ghê gớm hơn là cảm thấy mình không là cái đinh gì khi bị bà xã coi thấp hơn bà một cái đầu.

Điều đáng nói, theo bà Nguyễn Thị Minh Thủy, chuyên viên tư vấn của trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục tình yêu-hôn nhân-gia đình, là các bà vợ không cố ý cố tình tạo ra nghịch cảnh đó.

Sự không hiểu biết về tâm lý đàn ông mới là yếu tố gây ra sóng gió. Các bà hay suy bụng ta ra bụng chồng, mà không chịu động não xem đàn ông và đàn bà khác nhau như thế nào từ ngoại hình đến nội tâm.

Nhiều bà vợ sau vài năm lập gia đình “tôi biết ông ấy quá”, nhưng chẳng hiểu ông ấy muốn những gì?

Đàn ông dù độc thân, hay đã lấy vợ, đều mong dược đối xử dịu dàng, mềm mại… để bù lại sự cứng rắn, thô nhám của họ. Họ muốn được ngưỡng mộ để thỏa thuê tính kiêu kỳ của phái mạnh.

Biết được “huyệt” này, tại sao các bà vợ không điểm vào để các ông được thư giãn và trở nên ngoan ngoãn?

(Phước Chung)


From the same category