Văn hóa…Bốp

Từ bé tôi đã bị mắc một căn bệnh quái lạ. Không biết gọi cái bệnh ấy là gì, chỉ biết là mỗi khi nghe thấy tiếng động mạnh, bất chợt là người tôi bị mẩn ngứa đỏ.

Đầu tiên tôi tưởng đó là do mình ăn ở thiếu vệ sinh, thiếu văn minh, sau mới biết cũng có nhiều người bị chứng bệnh tương tự. Hồi đó tôi tạm gọi đó là bệnh “dị ứng tiếng động”.

Kể từ khi không còn ai đốt pháo nữa tôi đã tưởng mình thoát được chứng ngứa ngáy khổ sở đó. Thế mà đến một ngày tôi chợt hiểu là mình không thoát nổi nó.

Chỉ khác là bây giờ, những cơn ngứa đã biến chứng thành một căn bệnh mang tính thời đại hơn, bệnh dị ứng với thói thiếu văn minh của những người quá vệ sinh. 
 
Vâng, tôi nói chẳng ngoa đâu. Kể từ khi đường phố khắp nơi được đào tung lên cho cuộc sống thành thị mang khí thế hừng hực thay đổi thì người ta bắt đầu đeo khẩu trang.

Song song với sự xuất hiện của “văn hóa khẩu trang” ngoài đường là “văn hóa khăn ướt lau mặt” trong các hàng quán. Chuyện cái mặt nó liên quan đến cái tai tưởng chẳng có gì ăn nhập nhưng lại là sự thật.

Thay vì việc nhẹ nhàng bóc cái túi nilông bọc khăn ra thì người ta lại hứng chí cầm đập bốp một cái cho nổ rõ to. Tưởng chỉ một vài người thích nghịch chẳng dè về sau thành ra cái mốt đập khăn ướt. Xuất phát từ một ý nghĩa tốt đẹp là giúp người ta làm vệ sinh da mặt và đôi tay trước khi ăn, cái khăn ướt đã trở thành vật tạo âm thanh đầy ấn tượng để giúp người nào đó khẳng định sự có mặt của mình. “Bốp! Tớ đến đây rồi nhé!”. Thế là “văn hóa bốp” ra đời.
 
Ở đâu “bốp”?

Lúc đầu chỉ có tại các quán bia hơi, nơi mà thứ âm thanh đặc trưng của nó là những tiếng gào thét gọi thêm bia của hàng trăm cái yết hầu đỏ như gà chọi thì vài tiếng nổ “bốp” của mấy cái khăn ướt chẳng nhằm nhò gì, có khi còn có lợi cho việc giục nhân viên phục vụ mang bia ra nhanh hơn.

Thế rồi hàng xôi, hàng phở, bất kể đâu cần một thứ để lau những cái mặt đầy bụi là ở đó xuất hiện những tiếng động gần giống như ngày xưa trẻ con hay chơi pháo giấy gập.
 
Cho đến bây giờ, đi theo bước chân của những con người thích cảm giác mạnh từ hàng bia hơi, “văn hóa bốp” đã len lỏi cả vào những chốn cần sự ứng xử văn hóa.

Nhà hàng sang trọng, yên tĩnh là thế, “bốp!” các ông tây bà đầm giật thót mình, mắt dáo dác nhìn quanh, vài tiếng cười hô hố vang lên. Chắc họ phải thấy cái tiếng động mình vừa tạo ra nó hay ho lắm, văn minh lắm thì mới cười được to đến thế.

Hôm vừa rồi được mời đi ăn bò bít tết trong một quán sang trọng yên tĩnh. Yên tĩnh đến độ khi người ta mang một đĩa thịt ra thì người bàn bên cạnh còn bị giật mình vì tiếng mỡ xèo xèo. Ấy thế mà tự dưng lại có một tiếng bốp trơ trọi, khô khốc vang lên ở một góc phòng. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một ánh mắt hối lỗi sau khi thể hiện “văn hóa bốp” ở chốn đông người.
 
Đám cưới mới vui chứ! Cứ ngồi vào bàn là quan viên hai họ chia vui với gia đình bằng những cú đập khăn lạnh. Bốp! bốp! bốp!… Chú rể đứng ngẩn tò te còn cô dâu nép người vì sợ hãi. Bạn bè bên nhà trai phải nổ to hơn nhà gái chứ! Loạn cả hội trường. 
 
Sắp sửa đến phần mọi người bảo tôi nói ngoa đây. Bạn có tin nổi không? Cái thứ “văn hóa” ấy đã xuất hiện cả ở những chốn linh thiêng.

Số là đang thả hồn giữa dòng suối Yến chùa Hương, bỗng “bốp” một phát. Thế là thôi, người tôi ngứa ngáy râm ran cho đến khi đò cập bến.

Dọc đường leo lên “Nam Thiên Đệ Nhất Động” đầy vỏ nilông bọc khăn ướt của những người đi lễ Phật. Cứ leo một lúc mồ hôi túa ra là lại đập khăn ướt để lấy thêm khí thế leo tiếp. Khốn khổ thân tôi vừa thoát cơn ngứa này lại mắc ngay cơn ngứa khác.
 
Ai “bốp”?

Bạn tưởng chỉ thanh niên đập khăn thôi à? Nhầm rồi, “văn hóa bốp” đã “ngấm” đến cả các bậc lớn tuổi, những người tưởng như không còn thích âm thanh ầm ĩ từ lâu rồi, nay thấy bọn trẻ đập thì cũng đập.

Những thế hệ phải chứng kiến tiếng nổ của bom đạn chiến tranh nay có dịp để hồi tưởng ký ức oai hùng. “Các bạn trẻ không biết chứ ngày xưa bom nó nổ còn to hơn thế này này… BỐP!”.

Thế là các bậc trung niên đập, thanh niên đập, thiếu niên đập, nhi đồng cũng đập. Tại các cơ quan đoàn thể, trông các sếp bình thường đạo mạo là thế mà cũng bỗ bã ra phết.

Sau vài lần vào quán karaoke được các em đập khăn lau mặt cho, về nhà lắm lúc nhớ các em quá nên cũng lôi khăn ướt ra đập cho đỡ nhớ. Tóm lại, ai cũng có thể “bốp” hết.
 
“Bốp” thế nào?
 
Ngoài việc tự mình đập khăn lạnh vào lòng bàn tay, người ta có thể đập xuống mặt bàn cho tiếng nổ đanh, gọn, to hơn. Như thế tạm gọi là người “sành điệu”.

Sành sỏi hơn nữa, có người còn đập một cách thô bạo vào người khác, có thể là các em phục vụ trong quán hay thằng bạn bên cạnh. Người bị đập thì giật mình ngơ ngác, người đập và những người ngồi cùng thì cười khà khà khoái chí.

Mức độ vui vẻ của tiếng cười hoàn toàn phụ thuộc vào bộ phận nào của cơ thể “nạn nhân” được tiếp xúc với cái túi nilông bọc khăn ướt ấy.

Tôi thấy mình khi vào quán tốt hơn hết là để ý mấy ông bạn mình một chút cho yên tâm. Họ mà đùa một cái là lại lên cơn ngứa. Mất ngon!


From the same category