Người ta biết đến Nghệ sĩ ưu tú Thúy Hường nhiều hơn vai trò một liền chị quan họ.
Thứ nhất, ngôi sao tỉnh lẻ ấy đã có tới 3 vai chính điện ảnh, trong đó đáng kể nhất là vai chính của “Thương nhớ đồng quê”- một tác phẩm thuộc loại kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Đĩa nhạc quan họ phát hành đều đặn và bán chạy. Sắp tới lại còn hát cả nhạc Dương Thụ trong chương trình Con đường âm nhạc như một ca sĩ nhạc nhẹ nữa…
Nhưng đã có quá nhiều nước mắt khi lật lại những trang đời của liền chị Quan họ mặn mà này… Còn duyên thì khổ mà hết duyên còn đớn đau hơn!
Tôi nhớ nhất Nghệ sĩ ưu tú Thúy Hường, không chỉ bằng những làn điệu Quan họ mượt mà, mà chính bằng sự táo tợn đầy bản năng sống trong vai Di – người đàn bà giữa “Đầm hoang”!
Cũng không có gì mâu thuẫn cả. Sự ghê gớm, hoang dã của Di chính là cuộc đời tôi gần 20 năm trước. Thân con gái đi buôn rượu kiếm sống, dù muốn tôi cũng không thể nhẹ nhàng yểu điệu. Đến giờ vẫn có người còn nợ tiền rượu của tôi từ ngày ấy. Nếu không đanh đá tôi đã không thể tồn tại được. Tôi cũng ghê gớm lắm, pha 7 lít rượu với 3 lít… nước lã để đi bán. Từ hai bàn tay trắng mà mua được hai chỉ vàng và một chiếc xe đạp làm vốn vào đời đấy!
Và cuộc đời của một liền chị bắt đầu từ nghề buôn rượu như thế?
Vâng, quê tôi ở Quế Võ – một huyện nghèo nhất của Bắc Ninh. Nhà nông một năm hai vụ, có khi còn mất mùa, luôn phải ăn cơm độn khoai độn sắn.
Nếu không đanh đá tôi đã không thể tồn tại được. Tôi cũng ghê gớm lắm, pha 7 lít rượu với 3 lít… nước lã để đi bán. |
Là con gái, mà tôi không chỉ gặt hái, còn phải cày bừa. Sáng đi học, chiều vào các làng mua lá dâu về nuôi tằm. Khốc liệt nhất là năm 80 – 82, mất mùa, đói kém, không đủ ăn nên tôi cao 1m63 mà chỉ nặng 39kg. Học hết lớp 12, nhìn thấy người ở phố sao mà sướng thế, còn người quê mình làm lụng cả đời vẫn chẳng đủ ăn.
Nếu không thoát ly, lại lấy chồng quê, cắm đầu xuống ruộng chả biết bao nhiêu đời mới ngóc lên được. Tôi thi vào trường Văn hóa Nghệ thuật với mong muốn được ra thị xã, thoát khỏi lũy tre làng. Học hết 3 năm, tôi về đoàn Quan họ Bắc Ninh. Không được đi diễn ngay đâu, vì hồi đó nổi tiếng là cô Thúy Cải cơ.
Vì đói bụng – nhu cầu mưu sinh cả thôi, nên tôi vay 5.000đ đi buôn rượu, nhảy ô tô ra Hà Nội cất cho các quán.
Khởi đầu của một nghệ sĩ cũng khắc nghiệt quá!
Tuy là người nhà quê nhưng tôi luồn lách ở tất cả mọi ngõ ngách Hà Nội: từ Phương Liệt đến khu trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, Nhổn…
Có lần đói hoa cả mắt, thèm được ăn bát phở, mà không có một xu dính túi. Đáng lẽ phải hỏi “Nhà bác có lấy rượu không?”, thì tôi hồn nhiên nói “Nhà bác có bán phở không?”. Khổ thế đấy!
Còn chuyện gia đình riêng của liền chị nổi tiếng nhất đất Quan họ bây giờ?
23 tuổi, tôi lấy chồng. Chúng tôi yêu nhau chưa đầy nửa năm thì cưới, có thể do suy nghĩ của tôi còn trẻ con khờ khạo, chưa đủ chín chắn trước quyết định quan trọng như thế.
Ba lần làm mẹ của tôi là 3 lần chửa ngoài dạ con. Điều đó thật khủng khiếp. Nhưng còn khủng khiếp hơn khi tôi nhận thấy sau mỗi lần mổ, chồng tôi càng lạnh nhạt hơn. Lần thứ 3, biết mình chửa ngoài dạ con, tôi ngất trên tay bác sĩ. Tỉnh dậy, tôi nghĩ cuộc đời mình coi như đã hết! Chán nản và suy sụp, tôi muốn chết đi cho xong, coi đó như một sự giải thoát!
Còn gì đau hơn khi làm vợ mà thấy người đàn ông 12 năm tay kề má ấp vì nghĩ vợ không còn khả năng sinh con, ngang nhiên phản bội. Gia đình trở thành địa ngục, chúng tôi phải ly hôn.
Tôi tủi lắm, không chồng, không con. Tôi như con thú bị trọng thương, thấy người là sợ. Sự suy sụp về tinh thần và thể xác đã làm sự nghiệp của tôi chếnh choáng theo.
Đàn bà thường thiệt thòi nhiều, không chỉ trong gia đình. Tại sao chị không gắng an ủi, đời vẫn có những người tốt cho mình nương tựa chứ?
Tôi đã nghĩ như vậy. Thậm chí tôi tưởng mình đã may mắn vì có người đàn ông khác xoa dịu nổi đau, bù đắp thiệt thòi. Tôi chấp nhận làm vợ bé của người ta. Nếu anh ấy ruồng bỏ vợ con, lao đến ăn ở với tôi có lẽ tôi đã không thương. Nhưng với anh ấy, gia đình vừa là trách nhiệm vừa là ân nghĩa, điều đó càng làm tôi phục.
Tôi cũng lụy tình, nhưng quả là khó hạnh phúc và càng không thể thanh thản khi mình yêu người đàn ông đã có vợ. Nhiều đêm, tôi dằn vặt cố xua đuổi ý nghĩ mình là người đàn bà cướp chồng người khác.
Tuy thế, nhiều lần không kiềm chế được, tôi cũng muốn dành giật người đàn ông đó về cho riêng mình. Nhưng bình tâm lại, sự đòi hỏi của mình không biết có được hay không? Nếu không được thì đau khổ, mà được chắc gì đã hạnh phúc? Đã chứng kiến chồng mình cặp bồ, tôi hiểu người đàn bà bị phản bội đau khổ như thế nào! Nên tôi không đang tâm lặp lại nỗi đau đớn đó với người đàn bà khác.
Hơn nữa, tôi có nghề hát để vịn vào. Khi đau khổ đi hát, tôi nguôi ngoai nhiều lắm. Còn rơi vào hoàn cảnh khác, không có chỗ vịn họ chết thì sao? Như thế thì cả đời tôi cũng không chuộc hết lỗi.
Thà tôi đau khổ một mình còn hơn để ba người cùng đau khổ và con trẻ cũng day dứt, oán trách bố mẹ. Tôi đã ra đi với nỗi đau, sự tự ti, sụp đổ…
Như thế phải nói thế nào về cuộc sống của chị nữa. Khó khăn vì chị cứ một mình mà đứng gốc đa lúc hết duyên?
Khó khăn, chưa đủ để nói về tôi! Bây giờ trong nhà, tôi vừa là đàn bà vừa là đàn ông; vừa là bà chủ vừa là ô sin.
Tôi không tin mình có thể tìm được người đàn ông thứ 3 nữa. 38 tuổi rồi, tôi chấp nhận sống một mình với quãng đời còn lại như thế này thôi, mặc dù điều đó quá ư chua chát. Tôi chọn cách phấn đấu đường công danh. |
Từ cái bóng điện hỏng trở đi, tôi phải tự lo liệu. Năm ngoái bị ốm, đang đi bị ngã sõng soài ở cầu thang. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đã nằm đấy hơn một tiếng. Quần áo, đầu tóc ướt sũng. Lúc đó tôi bật khóc vì tủi phận, thấy cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì nữa. Hôm đấy mà không kịp vịn cầu thang có lẽ tôi đã chết, mà chết chẳng ai biết…
Rồi những hôm trời rét như cắt, 4 – 5 giờ sáng đi diễn, 1 – 2 giờ đêm tôi thui thủi về một mình. Có những đêm ngoảnh sang trái, sang phải rồi cứ khóc thôi. Đi hát cũng có nhiều người yêu quý tôi lắm, nhưng chẳng còn ai để yêu thương tôi.
Nhiều khi nghĩ mà đau đớn, tôi không phải người đàn bà kém sắc, kém tài mà sao không được hưởng hạnh phúc? Chắc kiếp trước tôi làm điều gì đó không phải đạo nên kiếp này phải chịu đựng thân phận cô quả, muốn chết cũng không được.
Ở tuổi này, chị cũng đừng quá bi quan. Mọi người rất yêu quý chị. Dù chỉ bù đắp cho chị được phần nào, nhưng họ đều thông cảm và quan tâm đến chị.
Không, tôi đã khép lại những mơ mộng. Tôi không tin mình có thể tìm được người đàn ông thứ 3 nữa. 38 tuổi rồi, tôi chấp nhận sống một mình với quãng đời còn lại như thế này thôi, mặc dù điều đó quá ư chua chát.
Tôi chọn cách phải phấn đấu đường công danh, tiếp tục đi học thêm ngành Quản lý xã hội đồng thời cũng để vơi bớt cô đơn.
Đến giờ chắc không chỉ tôi đã hiểu, tại sao đạo diễn Đặng Nhật Minh chọn chị thể hiện bi kịch của vai Ngữ trong “Thương nhớ đồng quê”?
Nhưng khởi sự cũng chẳng dễ dàng có vai diễn đấy đâu. Tôi biết anh Minh lang thang 3 tháng ròng ở các hội diễn chèo trên khắp đất nước mà vẫn không chọn được ai vào vai Ngữ.
Chị Nhuệ Giang, khi đó làm phó cho ĐD Đặng Nhật Minh giới thiệu tôi. Nhưng anh Minh đã thất vọng ghê gớm, khi thấy tôi mặc áo xanh nõn chuối, mắt xanh môi đỏ.
Thì tôi đâu có biết anh đang tìm một cô nông dân thuần chất, tôi chỉ muốn mình xinh hơn ngày thường trong ngày đầu tiên gặp đạo diễn nổi tiếng. May lúc đó anh quay phim Nguyễn Hữu Tuấn gàn anh Minh, đã sang đến Bắc Ninh thì cứ để chụp ảnh xem thế nào.
Đặng Nhật Minh yêu cầu tôi thay quần áo, xóa hết phấn son, làm tôi tự ái lắm. Nhưng nghĩ Đặng Nhật Minh là người lớn tuổi, lại nghe tiếng ông là đạo diễn giỏi, nên mới làm theo. Anh Minh lạnh nhạt lắm, xong xuôi chẳng thèm mời tôi đi ăn cơm, mà quay về ngay.
Đến ngày thứ hai, tôi nhận được điện thoại của anh Minh, anh ấy tươi tắn nói: “Đây đúng là cô Ngữ của anh rồi!”. Tôi chưa kịp hét toáng lên vì sung sướng, chưa biết có nên làm khó ông đạo diễn cho bõ tức không thì Đặng Nhật Minh đã gửi kịch bản, cho xe về đón tôi đi quay ngay mà không cần thử vai.
Đã có nhiều lời khen ngợi vai diễn này của chị. Tôi muốn biết thêm những dư âm của nó?
Đã tròn 10 năm từ khi quay phim này tôi đã im lặng về thành công của vai diễn. Thế là quá đủ rồi!
Tôi không diễn giỏi như người ta nghĩ, mà chỉ vì vai Ngữ ấy quá giống tôi! Cầm kịch bản trên tay, tôi đã giật mình, không hiểu sao cuộc đời, sự truân chuyên, cam chịu đàn bà và nỗi bất hạnh của chị ta lại giống mình thế. Cảm giác như Đặng Nhật Minh đang viết về chính cuộc đời của mình.
Khi đóng phim, hầu như tôi không phải quay đúp hai, kể cả đúp khó nhất đạo diễn chọn quay khi khai máy – Ngữ khóc trong bếp, nói với mẹ chồng “Anh ấy lừa con, anh ấy bỏ con, giam chân con ở nhà để đi lấy vợ hai”. Đang quay, bất ngờ anh Minh hô cắt và nói: “Không còn gì để nói, không quay lần thứ hai nữa!”.
Khi đó, không ai trong đoàn làm phim biết tôi đã khóc nấc lên với cuộc đời của chính tôi…/.