Có thể nói đây là Diva Việt Nam thành công nhanh chóng nhất, lên đến đỉnh cao nhất của sự hâm mộ, có gia đình riêng yên ổn nhất và cũng là người… kín tiếng nhất. Vào đúng lúc Mỹ Linh đang bận rộn “Chat với Mozart” thì chúng ta “Chat với Mỹ Linh”
Mọi người nói tôi chậm chạp, cũng đành chịu
“Chat với Mozart”, xem ra cái tên album của chị cũng thiếu sự khiêm nhường?
Tựa đề album chỉ là một cách chơi chữ. Ở đây không phải Mỹ Linh chát với Mozart, mà giống như cuộc chuyện trò giữa đại diện của hai thế hệ. Trong đó, Mỹ Linh là đại diện của giới trẻ hiện nay, còn Mozart là đại diện của những chuẩn mực âm nhạc.
Cuộc trò chuyện này sẽ rất thú vị, có sự duyên dáng của những giai điệu cổ điển, nhưng lại hiện đại vì có những nhạc cụ mới, những cách nghĩ mới của những con người mới. Có thể coi đó là sự giao thoa giữa nền văn minh của kỹ thuật số và nền văn minh thăng hoa của âm nhạc cổ điển.
Chị có nghĩ mình xứng đáng trong vai trò đại diện của thế hệ trẻ hiện đại để chát với Mozart?
Ở góc độ ca sĩ thì tôi hoàn toàn tự tin. Vì tôi là kết quả của học thuật và nhạc pop đương đại của Việt Nam. Tôi được đào tạo từ Nhạc viện Quốc gia HN – một trường quy củ và nghiêm túc về âm nhạc. Tôi được làm việc với nhiều nhạc sĩ hàng đầu của dòng nhạc nhẹ Việt Nam. Và tôi tự tin về cả con người của tôi nữa. Để có thành công ngày hôm nay, tôi đã chịu rất nhiều búa rìu dư luận. Người ta chê tôi bỏ cái cũ sang hát cái mới khó nghe hơn, nhưng cuối cùng tất cả việc tôi làm cũng được công nhận.
Tuy nhiên trong album này, tôi chỉ là một mắt xích nhỏ, đại diện phần hát. Còn đây là câu chuyện dài, có công sức của những người được học hành đàng hoàng như nhạc sĩ Dương Thụ, Anh Quân, Huy Tuấn… Trong đó Anh Quân, Huy Tuấn học nhạc cổ điển từ nhỏ và là sinh viên của Nhạc viện danh tiếng Traicopxky.
Chị ra album rất chậm, khiến nhiều khán giả chán Mỹ Linh trên sân khấu lúc nào cũng chỉ bấy nhiêu bài hát cũ?
Tôi thừa nhận điều này! Nhưng so với mặt bằng chung trên thế giới thì không có nước nào ca sĩ ra nhiều album như ở Việt Nam. Album là một khó khăn, đánh dấu bước ngoặt. Mọi người có kêu chậm tôi cũng đành chịu, không có lựa chọn nào khác. Và càng không thể làm nhanh hơn để khán giả nghe một lần rồi vứt đi.
Ca sĩ nước ngoài ra album chậm, nhưng không chạy sô nhiều, thậm chí 1 năm chỉ đi tour 1–2 lần. Còn chị đắt sô thì cũng nên chịu khó thay đổi?
Cũng là kế sinh nhai thôi. Tôi chỉ có nghề hát, không hát chẳng biết làm gì để sống. Gần đây tôi suy nghĩ rất nhiều để làm sao tươi mới hơn trong mắt mọi người. Nhưng từ suy nghĩ đến làm phải chờ thêm một thời gian nữa mới mong tìm ra cách phù hợp nhất với “gu” khán giả. Còn một tháng lên sân khấu một lần khác với đi diễn hàng ngày, dù là bài mới vẫn có sự chán chường. Nhưng đó là cuộc sống và cũng là bi kịch của người nghệ sĩ. Nhiều khi mình không được làm điều mình thích và cứ phải làm điều mình không thích.
Cátsê của ca sĩ so với thu nhập chung rất cao. Nếu để kiếm sống thì 1 tháng chị hát 1–2 sô vẫn có thể sống đầy đủ?
Đúng là cátsê cao, nhưng nói ca sĩ Việt Nam có quá nhiều tiền thì không đúng. Khoản thu nhập chính của ca sĩ phải là bán album. Ngay ở Thái Lan, có ca sĩ bán được hàng triệu đĩa. Mỗi đĩa được 1 đôla, nên một năm họ chỉ cần đi hát vài sô cho vui, để quảng bá album. Trong khi ca sĩ Việt Nam đầu tư rất nhiều tiền để ra được một sản phẩm tử tế, nhưng sau đó lại bị copy tràn lan, chẳng được bảo hộ. Nếu số tiền bán đĩa không bị ăn cắp và bản quyền được bảo hộ thì tôi đã là triệu phú tiền đô. Nếu có 1 triệu đôla trong tay thì tôi không cần phải chạy sô vất vả như hiện nay.
Đi đâu tôi cũng chỉ biết có chồng, có con!
Bề ngoài, chị có quá nhiều thứ mà các ngôi sao khác không có. Nhưng người ta nói, đàn bà càng có những chất chứa trong lòng thì hát càng hay!
Cuộc đời không tránh khỏi nổi buồn và sự mất mát. Trong gia đình phải có chuyện nọ chuyện kia. Tôi cũng có những trắc ẩn của mình, có lẽ vì thế mà tôi vẫn hát hay!
Có phải chồng chị – nhạc sỹ Anh Quân là người khá gia trưởng và lạnh lùng?
Chồng tôi có gia trưởng cũng không được với tôi, bởi tôi đấu tranh quyết liệt lắm. Anh ấy không tự nhận mình là người khó tính, nhưng sự thật là anh ấy khó tính. Và rất ít khi có những lời nói dịu dàng, lãng mạn với vợ.
Chị có thấy mình thiệt thòi không, khi Mỹ Linh ra đường chắc không thiếu những lời dịu dàng?
Tôi từng nghĩ mình thiệt thòi. Nhưng lúc chín chắn hơn, tôi nhận ra một điều, là vợ chồng sống với nhau vì cái tình – cái nghĩa, chứ đâu cần ngày nào cũng ôm ấp, nói những lời bóng bẩy. Tất nhiên, tôi cũng thích nghe những lời nói nhẹ nhàng. Ra đường, đàn ông bóng gió những câu ỡm ờ, tôi cũng thích lắm. Nhưng sau đó tôi “tỉnh” lại ngay. Người ta bóng gió với mình chẳng qua vì mình không phải của người ta, chứ về nhà lại khó đăm đăm với vợ cho mà xem.
Vì thế mà các bà vợ ít nhất cũng vài lần… chán chồng?
Không ai yêu nhau như vợ chồng và cũng không ai ghét nhau như vợ chồng. Lúc yêu thì yêu lắm, mà lúc ghét thì không muốn nhìn mặt nhau. Có những lúc tôi ghét anh Quân lắm, ghét kinh khủng, chỉ muốn… giết chết đi cho rảnh. Đó là những lúc anh ấy gặp việc khó khăn, cứ cáu loạn lên, không giữ được bình tĩnh, làm tôi mất bình tĩnh theo. Nói vậy, nhưng chưa bao giờ tôi mơ ước đến người đàn ông khác, ngoài chồng. Tôi chỉ ao ước chồng mình dịu dàng hơn một chút, như thế cuộc sống sẽ trọn vẹn hơn. Và có thể, chính anh Quân cũng đang mơ ước một điều gì đó về tôi cũng nên?
Chị không thể là một ngôi sao trong gia đình, không át được ngôi sao chồng?
Tôi thấy không có cuộc hôn nhân nào đơn giản. Nhưng tôi luôn có những ý nghĩ tích cực để động viên mình. Lúc anh ấy làm tôi buồn, tôi tự động viên, bù lại con mình rất tuyệt vời, chồng mình chỉ có một đam mê âm nhạc, không lăng nhăng bậy bạ, không cờ bạc, rượu chè. Thời buổi này người đàng hoàng như anh Quân hiếm lắm. Không thiếu đàn ông ở cỡ tuổi anh ấy sáng bia chiều nhậu. Giữa cái buồn này với cái khổ kia thì thà mình buồn một chút còn hơn. Anh Quân không lãng mạn, nhưng đem lại cho tôi cuộc sống yên ổn. Tôi biết, dù ở đâu, làm gì anh ấy cũng không bao giờ làm tôi tổn thương.
Còn chị, có tạo được niềm tin trọn vẹn nơi chồng?
Cuộc sống của tôi rất tự do. Một tuần có khi chỉ ở nhà vài ngày, còn lại ở khách sạn. Đương nhiên anh Quân cũng ghen, nhưng cơ bản vẫn tin tôi. Đặc biệt, anh Quân đánh giá cao tôi ở chỗ không ham chơi, ít la cà quán xá, chăm chỉ chạy sô, hết giờ làm việc là về chăm sóc chồng con, vun đắp cho gia đình ấm cúng.
Chị có tình cảm thật đặc biệt với bé Anna – con riêng của Anh Quân. Có phải chị… “diễn” không?
Có 3 lý do để khẳng định tôi không bao giờ “diễn” với những chuyện tình cảm thế này. Thứ nhất, trẻ con như một tấm gương, mình có thể lừa dối được người này người kia chứ không lừa dối được trẻ con. Cứ nhìn Anna yêu tôi, sẽ thấy tôi đối với nó thế nào? Nếu tôi mà “diễn” thì liệu Anna có yêu tôi không, hay là nó cũng “diễn”? Thứ hai, mình lừa dối được Anna nhưng có lừa dối được anh Quân và gia đình chồng không? Thứ ba, mình có thể lừa dối được một tuần, một tháng, nhưng có lừa dối được cả đời không?
Dẫu sao Anna cũng là hiện thân của người sinh thành, để có được tình thương với cô bé, chị có phải đấu tranh với chính mình?
Tôi thương Anna thật lòng. Tất nhiên để có được tình thương ngày hôm nay, cả tôi và Anna đều phải làm quen với nhau, cũng đấu tranh nữa. Con người ai cũng có lòng ghen tuông. Nhưng tôi phải gạt lòng ghen tuông sang một bên. Vì tôi muốn hạnh phúc với chồng, muốn anh ấy yên lòng.
Còn nếu tôi ghẻ lạnh với con bé, liệu anh Quân có yêu tôi không? Bao nhiêu đặc quyền đặc lợi dành hết cho con mình, liệu chúng có tự hào về mẹ mình không? Tôi làm cái gì cũng chỉ hướng về con mình, nay không đẻ mà có được đứa con gái ngoan ngoãn, là chị các con tôi. Con mình lớn lên có một người chị để dựa vào…
Tôi đủ thông minh để hiểu xử sự như vậy mình được nhiều thứ: chồng yêu, gia đình chồng nể trọng, xã hội cũng tôn trọng tôi. Công sinh không bằng công dưỡng. Anna thấy có một người mẹ tốt sẽ chẳng bao giờ phụ lòng tôi, sẽ đối xử tốt với các em nó.
Có bao giờ chị ghen vì mình là người đến sau?
Không. Tôi là người rành mạch. Tôi cũng có quá khứ riêng, cũng có những mối tình trước anh Quân, nhưng anh ấy không bao giờ ghen. Còn đứa trẻ sinh ra chỉ là kết quả của một mối tình. Nó đâu có lỗi và cần có quyền bình đẳng như những đứa trẻ khác.
Tôi thương Anna vì Anna thiệt thòi hơn các em nó. Em được sống trong tình yêu của cả bố và mẹ. Còn Anna cũng hay nhớ mẹ. Vì điều kiện chăm sóc không tốt bằng ở đây, Anna không được ở gần mẹ, chứ cô bé thương mẹ lắm! Anh Quân là người lạnh lùng, kín đáo, không bày tỏ tình cảm với tôi trước mặt con. Nhưng khi tôi vô tình bày tỏ tình cảm với các con, Anna cũng buồn lắm.
Khi đã gây dựng được tình cảm với con chồng, chị có sợ một ngày nào đó Anna sẽ về với mẹ đẻ của mình?
Nếu Anna muốn về với mẹ đẻ thì tôi rất tiếc. Khó nhọc nuôi Anna từ khi 3 tuổi đến lớn được từng này, tôi cũng muốn con gái có một chút ảnh hưởng đến các con của tôi và tôi cũng ấp ủ với Anna nhiều điều!/.