Giấc mơ ngoại nhập!

Ngôi sao Trung Hoa khả ái Triệu Vi sẽ có mặt tại VN để tham gia bộ phim Viên đạn tốc độ của hãng phim Lý Huỳnh.

Một trong 7 chàng trai vàng Hàn Quốc, từng làm mê mệt bao trái tim thiếu nữ Việt: Bae Yong Jun (Chuyện tình mùa đông), So Ji Sub (Giày thủy tinh), Han Jae Suk (Người mẫu, Giày thủy tinh), Kim Rae Won (Cô dâu 15 tuổi), Kang Dong Won (Người đẹp nói dối), Ju Jin Mo (Võ sĩ) và đặc biệt siêu sao Hàn hiện nay, đắt giá nhất Châu Á Kwon Sang Woo (Cô bạn gia sư) sẽ có mặt tại TP.HCM tháng 7, để vào vai một nghiên cứu sinh nước ngoài trong Khách sạn không đèn của hãng phim Việt Ảnh…

Tháng 11, nam diễn viên Min Sun Hong từng đóng trong bộ phim Hàn Quốc Vợ tôi là Găngxtơ ăn khách tới mức điện ảnh Hollywood phải mua cả bản quyền kịch bản và Che Hee Yong, nữ diễn viên xinh đẹp đã đóng nhiều phim truyền hình của các hãng SBS, MBC, FBS sẽ tới TP.HCM để nhận 2 vai chính trong phim Lửa tình của hãng phim Á Mỹ…

Buồn thay, tất cả những thông tin trên rốt cuộc giờ này vẫn chỉ là tin bên lề… giật gân có thật trên các trang báo mà thôi! 

Ông Thái Hòa, PGĐ hãng phim Giải Phóng, nhà sản xuất phim “khét tiếng” những năm 1990, đồng sản xuất phim Hồng Hải Tặc mời diễn viên Đài Loan: Mời diễn viên ngôi sao nước ngoài đóng phim VN rất khó. Họ quan tâm thứ nhất: đạo diễn phim là ai, nổi tiếng cỡ nào, nổi tiếng chỉ ở VN hay ở Đông Nam Á? Thứ hai là phim của hãng nào, có phát hành ra nước ngoài không? Thứ ba, họ sẽ đóng với diễn viên nào? Và cuối cùng là cát-sê.

Phim Hồng Hải tặc sở dĩ mời được hai ngôi sao Đài Loan là vì đạo diễn Đài Loan Trần Trí Hòa, người đã đạo diễn Cảnh sát siêu đẳng.
 
Đạo diễn Bá Vũ: Hiện nay mời diễn viên Hàn Quốc hạng A chắc không thể (phải có dự án làm phim lớn, đạo diễn nổi tiếng và có công ty lớn đứng sau lưng), mình chỉ mời được những diễn viên hạng B. Cái khó nhất là các nhà làm phim VN không thể đưa ra sớm một kế hoạch thời gian quay phim chắc chắn nên rất khó mời họ.

Phim Khách sạn không đèn ban đầu thông báo với phía Hàn Quốc là sẽ khởi quay vào tháng 3 năm nay, nhưng rốt cuộc cứ phải dời mãi vì vậy phải từ bỏ ý định mời diễn viên Hàn Quốc.

 
Dự án mời Hoàn Châu Cách Cách sang đóng phim VN công bố từ tháng 1/2003, lặn không sủi tăm đến tận bây giờ. Lửa tình lên kế hoạch bấm máy từ tháng 11/2004 để công chiếu vào dịp Valentine 14/2 năm nay, nhưng giờ này đạo diễn Lê Bảo Trung đã chuyển qua Đẻ mướn (và đã nhận show sau đó là một phim thiếu nhi Bộ lạc siêu nhí).

Và đến giờ này (quá hạn kế hoạch bấm máy dự định), Khách sạn không đèn có nguy cơ… khoá máy luôn, khỏi bấm vì nhiều lý do! Nhưng ngay cả khi có bấm máy đi chăng nữa, việc mời diễn viên Hàn như dự tính ban đầu cũng phá sản hoàn toàn – đạo diễn Bá Vũ thừa nhận. Giấc mơ mời các minh tinh Tầu hay Hàn (những nền điện ảnh gần gũi với ta và đang được khán giả trong nước ái mộ cuồng nhiệt) của điện ảnh Việt đến giờ phút này vẫn chỉ là… mơ !
 
Mời ngôi sao nước ngoài đóng phim thực ra là mơ ước của nhiều nền điện ảnh trên thế giới (có lẽ chỉ trừ Hollywood là mũi tên ngược lại – ngôi sao điện ảnh các nước luôn mơ lộ diện trên màn bạc của Hollywood). Đặc biệt những năm gần đây, nó bùng nổ trở thành xu hướng hợp tác của nhiều nền điện ảnh đang phát triển.

Trương Nghệ Mưu mời diễn viên Nhật, Hong Kong. Trần Khải Ca cũng với minh tinh Hàn Jang Dong Gun sánh vai với Tạ Đình Phong trong phim Lời hứa mới nhất của ông. Phùng Tiểu Cương cũng khoái diễn viên Hong Kong và từng mời cả diễn viên Mỹ Donald Sutherland (phim Big Shot’s Funeral – Đám ma ông trùm). 2 bộ phim Hàn Quốc đã chiếu rạp ở VN Điệp vụ Tokyo và mới đây – Điệp vụ Seoul cũng là cuộc tập hợp của các ngôi sao Hàn – Nhật – Hong Kong thú vị: Thư Kỳ, Lương Triều Vỹ… Lý do, ngoài việc tạo sức thu hút mới với thị trường điện ảnh nội địa, quan trọng hơn là dùng sao ngoại để mở rộng thị trường (ít nhất là tại thị trường của chính các ngôi sao khách mời) – đặc biệt trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay. Điện ảnh Việt cũng nằm trong qui luật ấy, từ lâu rồi, chứ không phải mãi mấy năm gần đây.

Trước 1975, điện ảnh Sài Gòn đã được xem là phát triển trong khu vực, việc hợp tác làm phim và hợp tác diễn viên đã có. Năm 1978, 3 năm sau giải phóng, điện ảnh VN mới đã có cuộc hợp tác đầu tiên với Thái Lan là bộ phim Tình xa của đạo diễn Trung Hiếu (mỗi bên góp vốn 50%, quay tại VN, Thái Lan và Pháp). Hai ngôi sao thực sự của điện ảnh Việt lúc đó là Thế Anh và Lê Vân, đóng cặp với Olaric Khan Manny và Vannisa Sriwichian, cặp diễn viên người Thái. Tuy nhiên, diễn viên Thế Anh nhớ lại, cặp diễn viên nước ngoài này cũng không phải “sao siếc” gì ghê gớm của điện ảnh Thái lúc đó cả.

Phải đợi 10 năm sau – thời phim mì ăn liền đầu những năm 90, phim Việt mới có sự góp mặt thực sự của các ngôi sao ngoại. Đó là các ngôi sao Hong Kong và Đài Loan thời điểm đó đang làm mưa làm gió trên hệ thống băng bộ gia đình: Lê Tư và Mạc Thiếu Thông trong phim Kế hoạch 99; Quan Kế Huy và Hoàng Nhã Kỳ trong Hồng Hải Tặc; Mạc Thiếu Thông, Trịnh Thiếu Xuân trong Lưới trời lồng lộng và hàng loạt những cái tên khác, ít quen thuộc hơn – nhưng gì thì gì vẫn là “hàng nhập”: Ha Gia Cu, Lam Van Quan, Ly Phoi Ji, Tieu Cao, Tran Long trong Truy nã tội phạm. Cùng với các “sao mì ăn liền” thời đó như Lý Hùng, Lý Hương, Giáng My, Y Phụng…, họ đã tạo nên cơn sốt trong 4 bộ phim hợp tác với Hong Kong và Đài Loan thời kỳ này của nhóm làm phim gia đình Lý Huỳnh, Thái Hòa (Thời đó nhà sản xuất phim Việt cũng oách lắm, như phim Hồng Hải Tặc cả 3 bên Việt Nam, Đài Loan, Hong Kong góp vốn ngang nhau lãi chia đều. Nhưng khi hoàn thành, phía Việt Nam bỏ thêm 400 triệu đồng để mua bản quyền phát hành ở thị trường VN và… thu lãi bạc tỉ).
 
Giờ đây, cùng với sự hồi sinh mạnh mẽ của thị trường điện ảnh (sau gần một thập niên sa sút), các nhà sản xuất một lần nữa trở lại với giấc mơ kiếm tìm hàng ngoại đủ sức tạo cơn sốt trong khán giả. Lựa chọn số một đương nhiên thời điểm này là các minh tinh xứ Cao ly. Ngoài thực tế phim Hàn phát triển mạnh, diễn viên Hàn được người Việt ái mộ, còn một lý do quan trọng nhiều là các nhà sản xuất Hàn cũng muốn bắt tay với thị trường VN, sẵn sàng làm Mạnh Thường Quân đứng sau mọi hợp đồng hợp tác.

Thế nhưng, cho tới nay các kế hoạch mời diễn viên xứ Kim chi Sâm củ này sang VN đóng phim vẫn chưa thành hiện thực. Cho dù (như thông tin từ nhà sản xuất) đứng sau hãng phim Á Mỹ trong dự án Lửa tình là hãng Korea Film Producer Association; hỗ trợ cho Việt Ảnh trong Khách sạn không đèn là tập đoàn ITOI của Hàn Quốc.

Nền điện ảnh VN chưa có gì để hấp dẫn các tên tuổi của điện ảnh khu vực đã đành, mà từng dự án làm phim cụ thể cũng không đủ hấp lực và chưa có gì đảm bảo việc phát hành ra thị trường ngoài VN – đó chính là một phần lý do làm bể những giấc mơ. Khán giả VN vẫn phải chấp nhận các diễn viên ngoại nghiệp dư (phần lớn là Tây ba lô) trong các vai người nước ngoài (ngay cả ở những phim lớn, đầu tư nhiều tỉ như Ký ức Điện Biên của Đỗ Minh Tuấn…)
 
Giấc mơ thì có thật, nhưng giấc mơ thành sự thật thì vẫn phải đợi mà thôi./.


From the same category